Lần nào đến Phà Nọi (Mường Típ - Kỳ Sơn) tôi cũng được già làng Lầu Và Súa mời rượu - thứ rượu được chưng cất theo phương pháp truyền thống từ ngàn đời của dân tộc Mông mà không phải người khách nào cũng được thưởng thức. Cứ mỗi lần như thế, già Và Súa lại trầm ngâm, say sưa kể chuyện về dân tộc và bản làng mình.
Trước kia, dân làng sống du canh du cư, tập trung theo dòng tộc nên di cư tự do gần như trở thành phương thức sống của họ. Vì thế, việc có một chốn để định cư năm này qua năm khác là một điều tưởng chừng như không thể. Di cư nhiều, đời sống không đảm bảo, rừng cũng cạn kiệt dần vì đốt nương làm rẫy nên nhiều dòng họ cứ tản mát dần.
Nghe theo lời vận động của Đảng, nhiều dòng họ đã trở về quê, lập bản để sinh sống. Từ đó, nhiều bản làng người Mông mọc lên, các mô hình kinh tế được áp dụng dần vào đời sống sản xuất nên đời sống ngày càng được cải thiện. Bản Phà Nọi cũng được hình thành theo xu hướng như thế. Ban đầu khó khăn lắm, chỉ một vài hộ gia đình chịu nghe theo chính sách định canh định cư của huyện. Có gia đình vừa dựng nhà mới hôm nay, hôm sau cha mẹ vợ chồng đã kéo nhau di cư qua biên giới. Nhiều lúc, cái đói và nỗi nhớ rừng đã lôi kéo nhiều người tìm đường quay lại với lối sống cũ. Cũng có gia đình đã nghe theo lời kẻ xấu xúi giục phía bên kia biên giới mà rời bỏ dòng họ, xa lánh quê hương; những tưởng cuộc sống sẽ khấm khá hơn, ai ngờ... Thế rồi, các chiến sỹ biên phòng xuất hiện làm thay đổi quan niệm và nhận thức của cộng đồng người Mông ở Phà Nọi.
Đồn biên phòng 543 nằm trên địa phận xã Mường Típ huyện Kỳ Sơn, quản lí 27km đường biên giáp với huyện Mường Mọc và huyện Nọng Hét tỉnh Xiêng Khoảng, nước bạn Lào. Tại đây, chỉ cần bước qua con suối rộng gần 5m là xem như đã "xuất ngoại". Mùa khô thì nóng nực đến cay nghiệt, mùa mưa lại gần như bị cô lập trong bạt ngàn núi rừng. Có lúc con sông Nậm Mộ giận dữ, ầm ào đẩy lũ về như muốn nuốt chửng đồn biên phòng nhỏ bé chênh vênh bên suối.
Ban đầu đến với Phà Nọi, các anh gặp nhiều khó khăn lắm. Phần vì cách trở ngôn ngữ, phần vì khác biệt văn hoá, nhưng phần nhiều vì người dân nơi đây chưa lắm mặn mà với sự xuất hiện của các anh. Nhưng rồi, được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Ban chỉ huy Đồn 543 xác định: để hoàn thành nhiệm vụ giữ vững biên cương Tổ quốc, cách nhanh nhất là đi sâu đi sát vào đời sống quần chúng nhân dân, phải xem mỗi người dân trong bản làng như là người thân trong một gia đình; bản thân mỗi người chiến sỹ biên phòng cũng là người con của bản làng. Trong đó, việc quan trọng và thiết thực đầu tiên là xoá mù và giúp dân phát triển kinh tế.
Ở Phà Nọi, người biết tiếng phổ thông chỉ đếm trên đầu ngón tay, Phòng Giáo dục huyện đã mở một vài lớp tiểu học nhưng phải giải tán sớm vì học sinh lần lượt theo nhau lên rẫy. Người "học giỏi" nhất bản cũng chỉ mới dừng lại ở lớp 5. Trước tình hình đó, chỉ huy đồn đã gấp rút triển khai công tác xoá mù ngay tại bản. Người chiến sỹ áo xanh trở thành thầy giáo. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều lớp xoá mù đã được thành lập với sự tham gia của hàng chục học sinh. Người lớn tuổi cũng đi học, người nhỏ tuổi cũng tham gia, đặc biệt những người phụ nữ Mông cũng học chữ. Có gia đình cả vợ chồng và con cái tham gia lớp học xoá mù. Họ học rất nhiệt tình và tích cực mặc dù trong gia đình, họ là những lao động chính...
Thời gian trôi đi, biết bao mùa hoa ban đã nở, mỗi chiến sĩ biên phòng đã trở thành người con của bản làng người Mông. Vào từng gia đình người Mông ở Phà Nọi,chúng tôi đều bắt gặp "dấu ấn" của người chiến sỹ biên phòng. Đó có thể là chiếc áo bông cụ già khoác trong mùa giá rét, là đôi tất màu xanh giữ ấm các em mỗi giờ lên lớp, là đôi dép nhựa cho người cha băng rừng lên rẫy... Các anh đã hoà vào đời sống cộng đồng, tham gia mọi công việc của bản và trở thành niềm tin yêu của dân bản. Người dân được khám bệnh định kỳ và hướng dẫn tự bảo vệ sức khoẻ một cách cẩn thận, tỉ mỉ. Có bộ đội biên phòng, bản làng được vệ sinh sạch sẽ hơn. Lối sống văn minh, văn hoá dần dần được hình thành trong bản làng và cả trong ý thức mỗi người dân...
Đưa tay chỉ vào cánh đồng lúa bậc thang trải rộng tới chân núi, già Và Súa khoe rằng: "Nhờ bộ đội biên phòng đấy! Ban đầu thấy các anh trồng lúa dân không ai dám làm theo nhưng khi những hạt lúa ấy đến với dân bản vào mùa đói thì ta mới hiểu". Tôi hỏi già làng về diện tích và sản lượng lúa thì già chỉ cười: "Không biết đâu, chỉ biết nơi nào có nước, trồng được cây lúa là làm thôi. Đến khi thu hoạch, cũng chỉ đếm gùi, không cân đo như miền xuôi". Cây lúa nước đã đến được Phà Nọi và giúp cho người dân nơi đây thoát đói. Các mô hình kinh tế khác cũng đã được triển khai và đem lại hiệu quả cao. Hiện nay, bản Phà Nọi không còn hộ đói kém. Cuộc sống ổn định, nhiều nhà đã mua sắm được phương tiện đi lại và các vật dụng đắt tiền. Trên 50 hộ của bản hầu hết đều có điện thuỷ lợi nhỏ phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất. Đời sống được nâng cao, kinh tế phát triển nên người dân tộc Mông nơi đây càng vững tin vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Họ gửi trọn niềm tin ấy vào các chiến sĩ biên phòng.
Phà Nọi giờ không còn hiện tượng du canh du cư, không có vượt biên trái phép. Người dân siêng năng làm ăn dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của những chiến sĩ quân hàm xanh. Người dân đã an cư lạc nghiệp nên tình hình an ninh quốc phòng trên địa bàn cũng ổn định và an toàn hơn. Công tác tuần tra biên giới nhờ thế mà được triển khai thuận lợi; nhận được sự phối hợp chặt chẽ của người dân trong bản...
Đứng trên đồi cao nhìn xuống, hoa ban nở trắng Phà Nọi. Giữa màu trắng tinh khôi ấy, từng ngôi nhà mái gỗ hiện lên với những làn khói bếp ấm áp. Tạm biệt Phà Nọi, trong tôi vẫn nồng nàn men rượu sắn thơm phức. Và hình ảnh người chiến sỹ biên phòng với đồng bào dân tộc Mông vẫn khắc mãi trong tâm khảm tôi về những ân tình Phà Nọi...