(Baonghean) - Rồi đây, hẳn sẽ có lúc đường Phạm Ngũ Lão được nhìn nhận là một trong những con phố xưa cũ còn lưu đậm nhiều dấu ấn lịch sử - xã hội của Thành Vinh qua các thời kỳ. Đường vắt ngang giữa con phố chuyên doanh Đặng Thái Thân và đầu này là đường Trần Hưng Đạo, với kiến trúc nhà dân hai bên đường vẫn còn nhiều theo lối đổ “vê răng đa” và cột đá rửa của những năm 1990…
 
Nói đường còn lưu nhiều dấu cũ Thành phố Vinh, bởi dọc suốt phía Đông đường Phạm Ngũ Lão thuộc vào quần thể di tích Thành cổ Vinh, với quá khứ hào thành nước trong xanh, sen nở thắm mặt hồ mùa hạ. Được xây dựng từ thế kỷ XIX dưới triều đại nhà Nguyễn, hào Thành cổ Vinh vừa là một công trình quân sự chiến lược, nhưng cũng mang dáng dấp của một điểm du lịch thơ mộng. Hào được đào sâu 8 thước (3,2m), rộng 70 thước (28m). Hệ thống hào được nối liền với sông Vĩnh (sông Cửa Tiền) bằng một con ngòi rộng 5 thước (2m), sâu 4 thước (1,6m), đáy rộng 3 thước (1,2m). Ấy là dáng dấp của Hào thành thời hoàng kim còn lưu trong sử sách, còn nay, vì nhiều lý do, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của không gian đô thị đã đẩy con người nhoài ra, xây nhà dựng cửa, xen dắm tận dụng tất cả những phần đất còn trống. Diện mạo quần thể di tích thành cổ, vì thế nay cũng chẳng còn vẹn nguyên, nhưng âm hưởng cổ kính của một vùng thành cao, hào sâu uy nghiêm dường như vẫn đồng vọng đến nay.
 
images1105391_nh_p_y_n_b_nh_tr_n_du_ng_ph_m_ngu_l_o__2_.jpgNhịp yên bình đường Phạm Ngũ Lão.
 
Tôi đã hỏi nhiều người trên phố, lục tìm cả những văn bản chính quy, nhưng vẫn chưa tìm ra năm tháng nào đường được đặt tên của vị tướng nhà Trần. Chỉ ghi nhận được rằng, đường đã có lịch sử lâu đời, là lối đi rộng rãi khác với nhiều con đường đất cát thập thõm của Thành Vinh thời bấy giờ. Đường gợi nhiều người nhớ đến thời mậu dịch quốc doanh, thời của những hợp tác xã, với HTX cơ khí Trường Sơn đóng đô phía bên kia đường nhìn sang. Phần đa cư dân đường hiện tại vốn cũng là công nhân của HTX cơ khí, và “lịch sử” ấy vẫn còn lưu luyến đến nay, khi nhiều cửa hàng, hộ cá thể chuyên sắt, thép, cửa lùa, tủ kính… hiện diện trên đường, xoèn xoẹt lửa hàn ngày đêm. Cư dân nơi đây thuần dân lao động, nếp sống vì thế cũng giản đơn. Nét đặc trưng dễ nhận thấy trên đường Phạm Ngũ Lão là chưa cắt rời được chất làng quê nông thôn, vẫn “dan díu” với văn hóa làng xã. Nhà nhà san sát nhau, người đi làm cứ đi làm, còn những người già, trẻ em, người nhàn rỗi, vẫn tạo nên không gian quần cư riêng để chuyện trò, nhổ tóc bạc, bảo nhau bật bếp liu riu nồi chè ăn bữa dở…
 
Những bữa chè, bữa bánh nửa buổi như thế làm nền cho nhiều câu chuyện tản mạn không đầu, không cuối về phố phường. Nghe bảo, thời bao cấp, ngay đầu đường phía giáp với đường Đặng Thái Thân, có hiệu làm tóc của chị em bà Tâm - Liên. Hiệu làm tóc ấy, với “mốt” tóc xoăn tít cao quá gáy một thời là nét trau chuốt đẳng cấp hiếm hoi trong thành phố, tấp nập chị em tìm đến làm đẹp. Tôi biết mẫu tóc ấy trên các tấm quảng cáo phim trên Rạp 12/9 một thuở, nhưng chưa hình dung ra thời ấy, công nghệ làm xoăn nó thế nào, và những người thiếu nữ thị thành tíu tít nụ cười hàm tiếu, soi mình tân tiến lên trong gương ra sao? Không biết giờ hiệu làm tóc lẫy lừng ấy đã đi về đâu, con cháu của hai bà Tâm- Liên phiêu dạt phương xa hay định cư trong thành phố này? Và chẳng biết vô tình hay hữu ý, giờ, ngay giữa tâm đường, gần đây mọc lên một salon tóc khá hoành tráng, nhấp nháy đèn gương và thơm lừng những hóa mỹ phẩm đắt tiền. Nom chưa quen mắt, thì thấy có phần hơi lạc đi giữa kiến trúc nhà dân bình dị.
 
Bao năm nay, mặt phố vẫn không có biến chuyển lớn. Đi trên phố, vẫn những nhà ấy, hàng quán ấy, chỉ thảng hoặc ì ầm máy trộn bê tông kiến thiết thêm chút ít mặt tiền theo vẻ thời thượng. Mặt phía Tây đường có vẻ “hiện đại” hơn, cũng bởi quá khứ định cư sớm so với phía Đông đường, là cư dân lao động xen dắm vào sau này. Mà cũng như cố át đi những kiến thiết mới, níu lại vẻ xưa mang mác, người phố vẫn còn giữ những tấm biển viết tay chân phương, treo lủng lẳng trước cổng sắt lùa, nào là “Chữa quai bị gia truyền”, nào là “Bánh mướt sáng”… Đường ít dịch vụ, có chăng cũng là dịch vụ nhỏ lẻ phục vụ vừa đủ cho cư dân phố, nên khách vãng lai ít ghé đường này. Vẻ bình lặng, chậm rãi thành điều lưu cữu trên đường.
 
Phía gần cuối đường đổ ra hướng chợ Đội Cung, đường đã tiến gần đến không khí giao thương nhộn nhịp. Dân phố này đã quen với lối bán buôn của ngôi chợ đầu mối của thành phố. Chợ giá rẻ, đa dạng thức quà, thường họp sớm và vãn muộn, âu cũng làm nên cái thú của những người phụ nữ trong gia đình, túc tắc cuốc bộ dọc đường đến chợ, thu về bao nhiêu mẩu chuyện dân cư và quen nhiều bạn đường mới mẻ.
 
Bởi nhiều lẽ riêng tư, một thuở hoa niên của tôi gắn với con đường này. Cái nhịp đập phố cũ vì thế, với riêng tôi, luôn mang nặng nỗi niềm luyến nhớ. Cữ này, đi trên đường Phạm Ngũ Lão, mênh mang dọc dài ngót cây số vút lên hoài cảm đô thị cổ 200 năm tuổi. Phải chăng, thứ tình yêu phố phường cũng mù quáng và vô thường như tất thảy thứ tình yêu khác trên đời? Cứ yêu, mặc gương mặt tình nhân không trái xoan, má đào. Cứ yêu, dẫu cong vênh, lệch lạc, xám xịt, nhăn nhúm. Ồ, thì đã gọi là tình yêu, và vì vậy, bao năm nay, tôi đã nhìn con đường Phạm Ngũ Lão già cỗi ấy bằng đôi mắt mến thương đến thế, bất chấp mặt đường lổn nhổn ổ gà, ổ voi, mặc kệ cả những ngoằn nghèo, trồi sụt và điều tiếng xôn xao về kiến thiết phố còn nhiều điều đáng bàn ấy…
 
 
 Phước Anh
Phạm Ngũ Lão (1255-1320)là tướng nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Theo sách Tông phả kỷ yếu tân biên của Phạm Côn Sơn dẫn gia phả họ Phạm, ông là cháu 8 đời của tướng Phạm Hạp thời nhà Đinh. Trong hai cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên (1285-1288) Phạm Ngũ Lão lập được nhiều chiến công. Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai ông cùng với Trần Quang Khải tiến đánh Chương Dương, Hàm Tử, đập tan đội binh thuyền khổng lồ của giặc và diệt quân Nguyên chiếm đóng Thăng Long. Trong cuộc kháng chiến chống  quân Nguyên lần thứ ba, Phạm Ngũ Lão cùng các tướng bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng, trong trận này quân nhà Trần bắt sống các tướng nhà Nguyên là Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi.
 
Năm 1290, vua Trần Nhân Tông giao cho ông cai quản quân Thánh Dực, phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân. Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu. Phạm Ngũ Lão đã ba lần cất quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao vào các năm 1294, 1297 và 1301; hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành vào các năm 1312 và 1318, buộc vua Chiêm là Chế Chí phải xin hàng. Không chỉ có tài về quân sự, mà ông còn để lại nhiều bài thơ về chí trai, lòng yêu nước. Hiện nay tác phẩm của ông chỉ còn lại hai bài là Thuật hoài (Tỏ lòng) và Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương (Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương). Ngày 1/11/1320, Phạm Ngũ Lão mất, hưởng thọ 66 tuổi.