(Baonghean) - Không biết ai đó đã tổng kết cách xử phạt đem lại hiệu quả cao nhất là đánh vào dạ dày, nghĩa là đánh vào kinh tế, vào hầu bao của mỗi người. Kể cũng có lý vì “đồng tiền liền khúc ruột”. Lấy tiền thì khác nào rứt ruột người ta ra, mấy ai mà chịu nổi.
Không biết có phải là học theo phương châm đó không mà trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 171 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đang được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành và của toàn dân, dự tính nhiều hành vi vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt theo hướng tăng nặng. Như là, dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái ô tô: 600 nghìn - 800 nghìn đồng; chạy xe máy mà có nồng độ cồn vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/lít khí thở: từ 1 - 2 triệu đồng (mức cũ 0,5 - 1 triệu đồng), vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở: 4 - 6 triệu đồng (mức cũ 2 - 4 triệu đồng); xe chở hàng quá trọng tải 150%: tài xế 14 - 16 triệu đồng, chủ xe 18 - 22 triệu đồng (mức cũ lần lượt là 7 - 8 triệu đồng và 16 - 18 triệu đồng)...
Dĩ nhiên, việc tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ không phải là để tăng nguồn thu cho ngân sách mà mục đích chính là để dân tình ngán chuyện mất tiền mà cẩn thận tay lái. Qua đó, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông... Vì lẽ, tai nạn giao thông ở nước ta, dù đã được kéo giảm so với trước đây, nhưng hiện vẫn ở mức cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Tính sơ, trong 8 tháng đầu năm cả nước xảy ra khoảng 14 nghìn vụ, làm chết hơn 5 nghìn người, làm bị thương gần 13 nghìn người. So với cùng kỳ năm 2014, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết, người bị thương.
Cũng trong 8 tháng qua, Theo báo cáo của Ủy ban ATGTQG gia, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, lập biên bản 2,4 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ; phạt tiền 1 nghìn 571 tỷ đồng; tạm giữ 25 nghìn 044 xe ôtô và 288 nghìn 855 xe máy; tước 202 nghìn 251 giấy phép lái xe. Những con số khiến ai cũng thấy choáng váng, hoa cả mắt và nổi cả da gà vì sự tang thương cũng như tình trạng vi phạm. Thế nên, người ta kỳ vọng với mức phạt “khủng” như trong dự thảo sẽ khiến những người cầm lái vì xót tiền mà sẽ trở nên cẩn trọng và tuân thủ đúng Luật Giao thông. Và tai nạn giao thông cũng nhờ đó mà giảm xuống.
Vấn đề đặt ra ở đây là liệu những kỳ vọng đó có trở thành hiện thực hay không. Đây là một vấn đề không ai dám đoan chắc vì lẽ, so với thu nhập bình quân đầu người ở nước ta, mức xử phạt như hiện tại cũng đã là cao rồi. Vậy tại sao số người vi phạm vẫn tăng, số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông hàng năm vẫn ngang bằng hoặc cao hơn số người thiệt mạng trong các cuộc chiến đang diễn ra trên thế giới? Đây là câu hỏi cần phải tìm ra cho bằng được đáp số. Có người cho rằng, ấy là vì các giải pháp ngăn chặn, chế tài xử phạt thiếu đồng bộ. Hổng từ việc đào tạo người cầm lái hổng đi.
Các trung tâm đào tạo lái xe đua nhau mời gọi và tạo dựng uy tín bằng cách ai học là thi đỗ, là có bằng. Bất kể chất lượng thật sự của người học, người thi ra sao. Miễn là có nhiều người theo học, thu được nhiều tiền. Tay lái kém cộng thêm hệ thống đường sá, biển báo rối tinh, rối mù khiến ai cũng có thể phạm luật bất cứ lúc nào. Luật cũng không được thực thi nghiêm, các phương tiện quá tải, quá hạn vẫn thoải mái lưu thông… Nhưng cái chính là độ liêm khiết của những người cầm còi chưa cao. Cứ đưa tiền mặt là người và phương tiện sai phạm lại được cho qua. Chưa kể, người ta còn bảo kê từ xa theo hệ thống nên đã đẻ ra cái thứ gọi là “logo xe vua” cứ dán một phù hiệu kiểu như ám hiệu đã được quy định trước lên kính xe là được thoải mái tung hoành trong một địa bàn nào đó mà các anh áo vàng không bao giờ sờ đến.
Nghe đâu, có những người phất lên nhờ bán logo loại này kiếm mỗi tháng mấy tỷ bạc. Thế nên, khi dự thảo nâng cao mức phạt được đưa ra, người ta lại sợ phát sinh nguy cơ mức phạt càng cao tiêu cực phí sẽ cao lên cho tương đương với mặt bằng mức phạt mới. Trước, nhà xe chỉ đưa một vài trăm nghìn đồng là cho qua, nay phải gấp đôi vì mức phạt chính thức theo quy định đã tăng gấp 3, 4 lần. Thế nên, nếu các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông không giữ được mình thì e là nghị định mới sẽ trở thành công cụ kiếm tiền bất chính hữu hiệu hơn trước cho một số người. Trong khi hiện trạng nhức nhối của xã hội lâu nay là tai nạn giao thông không hề giảm. Dẫn đến tình trạng tiền vẫn mất, thậm chí là mất nhiều mà tật vẫn phải mang như cũ. Vì thế, cần phải có sự cân nhắc thật thận trọng trước khi thông qua dự thảo nghị định thay thế nói trên. Nếu không, e là sẽ “mất cả chì lẫn chài”.
Bụt Sơn