(Baonghean) -Mấy ngày nay dư luận hết sức bức xúc trước cái gọi là sự trơ lỳ của giá cước vận tải cho dù nhiên liệu đầu vào “rơi tự do” những mấy bận. Xăng giảm, không chỉ một lần mà nhiều lần. Ấy vậy mà giá cước vận tải không hề có một biểu hiện nhúc nhích nào của động thái tôn trọng hay quan tâm tới khách hàng, người mà thực chất lâu nay đang cắm cổ “nuôi” họ. Càng đề nghị càng trơ lỳ, càng giảm giá xăng càng “vững vàng” giá cước. Đây không phải là lần đầu tiên hiệp hội “nhà xe” tìm cách “câu giờ”. Việc đủng đỉnh trong hành trình giảm cước khi mỗi lần giá xăng đi xuống đã mãn tính lâu rồi, thuốc chữa cũng đã nhờn. Kỳ nào cũng nói, bận nào cũng bức xúc nhưng rồi lần nào cũng tái diễn. Tất cả cũng chỉ vì hai chữ lợi ích cho dù họ có vòng vo thế nào chăng nữa. Thú thực, người viết bài này đã không nhịn được cười khi nghe lời giải thích có thể nói là “siêu kinh điển” rằng, không giảm giá cước vận tải là tại vì sợ “mất thời gian cài đặt lại đồng hồ”. Hết chỗ nói! Khi xăng tăng giá thì chỉ 2 ngày sau các nhà kinh doanh vận tải taxi đã “cài đặt” xong xuôi, cước nhảy vù vù! Giờ xăng giảm lại bày đặt khó “cài”. Nói “zậy” có nghĩa là cài số tăng dễ hơn cài số giảm à? Khó khăn đúng lúc thật!
Quản lý tốt giá cước khi biến động giá xăng
Nhân đây cũng xin tiết lộ kỷ lục nắm giữ giá cước có phần kỳ lạ của Việt Nam chúng ta để mọi người tiện hình dung mức độ đắt đỏ, đồng thời cũng tự mình lý giải cho câu chuyện tại sao kinh tế suy thoái mà các hãng taxi vẫn đua nhau mọc lên như nấm sau mưa thế kia. Ấy là giá cước taxi của chúng ta thuộc hàng “anh chị” trên thế giới và “vinh dự” nắm quán quân của khu vực. Hãy thử so sánh, giá cước taxi trung bình ở Bangkok là 3.800 đồng/km (6 bath), ở Manila là 5.700 đồng/km (11,93 peso), ở Jakarta là 6.300 đồng/km (4.000 Rupiah) và thậm chí là ở Singapore đất nước nổi tiếng giàu có, đắt đỏ và cả xa xỉ thì họ cũng chỉ dám lấy của khách hàng 8.700 đồng/km (0,55 S$).
Trông người mà ngẫm đến ta, một quốc gia vừa mới chân ướt, chân ráo gia nhập nhóm có thu nhập trung bình thì tại sao người dân lại có thể “nghiến răng” chấp nhận giá cước đắt đỏ thế kia? Câu trả lời chính xác tín xin để dành cho các nhà chức trách. Nhưng có lẽ chúng ta, những người vẫn phải “a lô” taxi mỗi khi rất có chuyện mới hiểu được ngọn ngành rằng, đắt thế chứ đắt nữa không đi chả nhẽ phải cả nhà cuốc bộ à! Yếu tố cạnh tranh bằng giá chưa đủ mạnh làm thay đổi cơ hội. Hình như “bàn tay vô hình” của thị trường vẫn chưa nắn vào không gian “khó bảo” này.
Người dân chỉ còn cách trông chờ vào các biện pháp can thiệp hành chính. Tuy nhiên, động thái gần nhất của cơ quan quản lý chủ yếu cũng mới “dọa mồm” bằng cách đánh tiếng theo kiểu “đã tăng thì phải giảm, không giảm sẽ cho kiểm tra, nếu (lại nếu) phát hiện vi phạm sẽ xử lý….”. Đại loại thế, nghe nhiều bận cũng quen. Có lẽ đây cũng là một động thái quản lý không nằm ngoài định đoán của doanh nghiệp kinh doanh vận tải! Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cho biết, những doanh nghiệp vận tải đã tăng giá cước đầu năm thì giờ cần phải giảm ngay khi giá xăng dầu giảm. Nếu tiếp tục chây ì, những doanh nghiệp này sẽ bị xử lý theo quy định. Vâng, dân vẫn chờ “xử lý theo quy định”. Mong lắm!
Cần ngay một cơ chế kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực này. Sao không mặc định một tỷ lệ nào đó giữa xăng và cước? Cứ để cho doanh nghiệp viện những thứ lý do lãng nhách theo kiểu “mất thời gian cài đặt đồng hồ” dân nghe không ổn. Còn về phía doanh nghiệp, xin đừng quên câu “khách hàng là thượng đế”. Vâng, xin đừng để “thượng đế” phải buồn… cười!
Nguyễn Khắc An