Chúng tôi đến nhà bà Vịnh khi bà đang chật vật xúc từng chậu lúa ra phơi mà trước đó bà con trong xóm thu hoạch giúp. Trời nắng nóng, tuổi cao, sức yếu, lưng còng, đầu gối sưng vù nhưng bà vẫn phải gắng gượng.
Ở cái tuổi này lẽ ra bà Vịnh phải nghỉ ngơi, thảnh thơi tuổi già nhưng bà lại là chỗ dựa duy nhất cho những đứa con dại khờ của mình. Trong ngôi nhà xuống cấp xen lẫn mùi ẩm thấp, chúng tôi nghẹn ngào, xót xa khi được nghe câu chuyện qua lời kể trong nước mắt của bà.
Vợ chồng bà Vịnh có tất cả 6 người con thì cả 6 đều bị bệnh tâm thần. Trong đó có 2 con đã mất. Rồi chồng bà Vịnh cũng ra đi, để lại cho bà 4 đứa con mang bệnh. Trong 4 đứa con, chị Nguyễn Thị Na (sinh năm 1979) là người bị nặng nhất. Chị không cười, không nói, không đi lại, chỉ nằm bất động một góc nhà. Còn chị Nguyễn Thị Toán (sinh năm 1964) cũng bị bệnh hơn 40 năm nay. Anh Nguyễn Văn Toan (sinh năm 1960) cũng ngơ ngẩn, thường xuyên không ở nhà, đi lang thang. Niềm hy vọng dành trọn vẹn cho chị Nguyễn Thị Loan (sinh năm 1977), những năm trước chị cũng bình thường nhưng mấy năm nay lại đau ốm thường xuyên. Chị Loan đi khám biết mình mắc bệnh não và hạch quai hàm nên mọi gánh nặng đều đổ dồn lên vai người mẹ già yếu.
Thời gian cứ thế trôi qua, đến nay cũng đã gần hết đời người, các con của tôi chưa một lần được cảm nhận cuộc sống vẹn tròn, chưa một lần được mặc manh áo mới, chưa một lần được ăn bữa cơm đầy đủ cá, thịt như bao gia đình khác. Nhìn bà rơi nước mắt trong cùng cực, những đứa con vẫn mỉm cười khờ dại. Bà Vịnh dường như đã quen với điều đó nên chẳng còn buồn nữa, chỉ quay lại đáp trả bằng nụ cười hiền từ của một người mẹ thương con vô bờ.
Bao nhiêu năm nay cuộc đời đẩy bà vào bế tắc, có những khoảnh khắc bà ước được chết đi để nỗi đau không còn bám riết lấy bà. Nhưng nhìn 4 gười con có lớn mà chẳng có khôn, bà thấy lòng xót xa, lại gồng mình mưu sinh vì sự sống.
Ngày trước, bà đang còn khỏe đi làm ruộng thuê cho hàng xóm cũng kiếm được vài đồng lo cho con bữa no, bữa đói. Nhưng theo thời gian tuổi ngày càng nhiều, lại bị bệnh khớp đi lại khó khăn, sức khỏe suy giảm, bà chỉ quanh quẩn ở nhà, trồng rau, trồng săn sống qua ngày. Sức ăn của mấy đứa con cũng tốn hơn, một mình bà chạy vạy lo không xuể. Tất cả đều trông chờ vào tiền trợ cấp hàng tháng của Nhà nước.
Gần 60 năm nay, bà vẫn luôn day dứt vì đã không làm tròn bổn phận của một người mẹ, không thể lo cho con cái một cuộc sống đủ đầy như bao người khác. Điều bà Vịnh lo nhất hiện nay: Mình ngày càng già yếu, con cái lớn cả mà đều bệnh tật không có điều kiện chữa trị nên bệnh ngày càng nặng. Liệu mình còn sống được bao nhiêu năm nữa để chăm lo cho các con.
Khi hỏi về ước muốn tuổi già của mình, bà thẫn thờ bảo chỉ mong rằng trời cho sức khỏe để mà còn ở bên cạnh con. Dù lạc quan, nhưng bà vẫn chẳng thể nào nguôi được nỗi lo khi bà nằm xuống không biết mấy đứa con của mình sẽ sống như thế nào?
Để động viên gia đình bà Nguyễn Thị Vịnh, những năm qua, xã Nghĩa Thắng trước đây và nay là xã Nghĩa Thành và các tổ chức chính trị, xã hội của xã đã tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện nhằm chia sẻ những khó khăn cùng với gia đình.
Ông Phan Văn Thuận - Chủ tịch Hội CTĐ xã Nghĩa Thành cho biết: “Hoàn cảnh bà Nguyễn Thị Vịnh quá khó khăn, chồng mất sớm, con cái mắc bệnh tâm thần, chỉ có chị Loan là người đỡ hơn cả thì nay cũng bị bệnh não và hạch quai hàm. Cuộc sống quá khó khăn, vất vả mong các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân cùng chung tay giúp đỡ gia đình bà".
Hoàn cảnh của gia đình bà Vịnh đang rất cần những tấm lòng hảo tâm chung tay giúp đỡ, góp phần san sẻ gánh nặng trên đôi vai gầy yếu của bà để bà bớt cơ cực.
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ:
Điện thoại liên hệ: 0984.706.081. Số TK: 3620205190790 - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Đàn.
Hoặc liên hệ qua Phòng Phát hành và hoạt động xã hội - Báo Nghệ An.
Số 3, Đại lộ Lê Nin, phường Hưng Phúc - TP. Vinh - Nghệ An.
Điện thoại: (023) 83588138; (023)88600006.