Mấy lâu nay, vào giờ học buổi sáng, người dân thôn An Phong (xóm 9 cũ), xã Thanh An đã quá quen với hình ảnh em nữ sinh gầy gò thường ngồi trông em nhỏ ở trong quán tranh ven quốc lộ 46C, gần trường THCS Thanh An. Đó chính là hoàn cảnh đáng thương của em Hiền, những lúc như vậy, do em gái quấy khóc đòi chị, nên Hiền không thể gửi em cho chủ quán để vào trường học.

Theo bà Nguyễn Thị Bình, một người dân thôn An Phong, việc Hiền mang theo em nhỏ đi học mỗi buổi sáng đã diễn ra từ hai năm nay và bà là người thường xuyên trông em cho Hiền vào lớp. “Ngày nắng thì không có việc chi, những ngày mưa rét, Hiền mang em đi học, em nhỏ tím tái mặt mày, trông rất tội nghiệp. Nghĩ đến hoàn cảnhcủa nó mà thương, nên tui thường trông em cho nó. Có những bữa em nó quấy khóc, đòi chị, thì nó phải bỏ học để ngồi đây trông em. Bà con quanh vùng, ai thấy cũng tội, người cho cái bánh mì, hộp sữa, người cho quần áo” - bà Bình chia sẻ.

Vào giờ học, Hiền vẫn phải ngồi trông em trong quán nhỏ gần cổng trường. Ảnh: Huy Thư

Được biết, Hiền là con đầu trong gia đình có 2 chị em. Mẹ Hiền là chị Nguyễn Thị Tuyến (43 tuổi) bị bệnh tâm thần. Hồi còn thanh niên, chị Tuyến đi Nam làm ăn, sau một thời gian thì mang theo con nhỏ trở về. Thương con, thương cháu, bà Phan Thị Năm (85 tuổi), mẹ chị Tuyến đã nuôi Hiền từ lúc nhỏ cho đến năm 11 tuổi. Hiền mới về sống với mẹ  từ 2 năm nay.

Hai mẹ con Hiền sinh sống trong 1 ngôi nhà, nói đúng hơn là 1 túp lều tranh trên sườn đồi. Năm 2019, khi chị Tuyến có thai đứa con thứ 2, bà con làng xóm, các đoàn thể địa phương… đã chung tay xây dựng cho 2 mẹ con 1 ngôi nhà tình thương3 gian lợp tôn, nên cuộc sống của 2 mẹ con Hiền cũng đỡ khổ hơn. Tuy nhiên, bệnh tình của chị Tuyến ngày càng nặng, sau khi sinh đứa con thứ 2 thì thường xuyên bỏ nhà, bỏ con đi lang thang, nên Hiền phải chăm sóc em nhỏ.

Người dân trước cổng trường thương hai chị em nên thường cho bánh mì, sữa... Ảnh: Huy Thư

Chị Nguyễn Thị Huê (39 tuổi) sống gần nhà cháu Hiền cho biết: Lúc chị Tuyến sinh nở cho đến bây giờ, con gái nhỏ đều do Hiền chăm sóc. Hiền đảm đang mọi việc từ cho em ăn, đến vệ sinh, giặt giũ, tắm rửa…. Hàng ngày, Hiền thường mang theo em đi học, vì ở nhà không có ai trông. Mẹ Hiền cứ sáng sớm là bỏ nhà ra đi tận đêm mới về. Nhiều hôm, về nhà còn phá phách, vứt hết đồ đạc của chị em Hiền.

Do không có xe đạp, nên mỗi buổi đi học Hiền thường phải đi bộ, vai mang túi, tay bồng em men theo con đường đất ven làng để đến trường. Nếu xin được xe bạn ngồi thì bỏ em ở trước giỏ xe. Khoảng cách từ nhà Hiền đến trường là 4km, từ năm học lớp 7 đến nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, Hiền đã đi học cùng em như vậy.  “Đi học về, thả em giữa nhà là vô bếp nấu ăn. Ai cho chi thì ăn nấy, thỉnh thoảng nó mới đi chợ mua được tí thức ăn, khi hết gạo thì sang nhà tui ăn cơm” - chị Huê tâm sự.

Ngôi nhà tình thương trên sườn đồi chưa có điện sinh hoạt của mẹ con Hiền. Ảnh: Huy Thư

Ngôi nhà 3 mẹ con Hiền đang sống chưa có nguồn điện, nên sinh hoạt buổi tối, đặc biệt là việc học bài của Hiền phải sử dụng đèn pin. Hiền cho biết: “Đêm trong nhà cháu tối lắm. Cháu chỉ có một cái đèn pin, hàng ngày thường đưa sang nhà láng giềng xạc điện, đêm về thì gác đèn trên bàn để học bài. Hôm nào đèn hết nguồn, hay quên xạc thì cháu không học bài được”.

Nhà Hiền ở trên sườn đồi, nhưng cũng gần đường điện của người dân kéo đi giữa đồng. Các hộ dân ở đây thương gia cảnh nhà Hiền cho kéo dây điện trên hệ thống cột điện mà họ đã chung tay xây dựng (dài hơn 1km), để sinh hoạt, nhưng nhà Hiền không có kinh phí để làm, nên đành chịu. Hiền mong muốn: “Bây giờ cháu chỉ mong có gạo để ăn, có sữa cho em uống hàng ngày, chứ cháu không dám nghĩ đến các chuyện khác”.

Mỗi buổi sáng đến trường Hiền phải bồng em gái đi theo. Ảnh: Huy Thư

Trong cơn bão số 5 vừa qua, mặc dù các hộ dân xung quanh không ai bị ảnh hưởng, nhưng nhà Hiền đã bị lốc cuốn hết mái tôn, bay lên trên núi. Rất may hôm đó, chị em Hiền không ở nhà, nên tránh được thương tích. Một lần nữa, người dân trong xóm lại chung tay lợp lại mái nhà cho mẹ con Hiền, đồng thời tu sửa, nạo vét giếng nước trước nhà để gia đình cháu có nước sinh hoạt. Trước đó, Hiền phải đi khiêng nước ngoài ruộng, ngoài kênh xa để tắm rửa cho em.

Nói về hoàn cảnh của mẹ con Hiền, ông Trịnh Bá Dung - xóm trưởng xóm An Hòa, xã Thanh An cho biết: gia đình cháu Hiền thuộc diện hộ nghèo đã lâu năm của xã, là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở trong vùng. Thời gian qua, bà con trong xóm cũng như các đoàn thể địa phương đã quan tâm giúp đỡ, nhưng hoàn cảnh nhà cháu Hiền quá éo le.

Mẹ bị bệnh, đi lang thang, ở nhà thường chỉ có 2 chị em Hiền. Ảnh: Huy Thư
 Hiền kể, cháu bắt đầu mang theo em gái đi học cùng mình từ tháng 12/2019 (lúc cháu Ngọc, em gái Hiền mới được 5 tháng tuổi). Ngày đó Hiền bồng em lọt thỏm trong tay, gửi cho người dân bán quán gần Quốc lộ 46, ai cũng thấp thỏm lo lắng. Nay em của Hiền đã biết đi, lớn hơn ngày trước một xíu, nên người trông em cho Hiền cũng đỡ lo hơn. Có hôm đi học muộn, không gửi được cho người dân ngoài trường, cháu đã mang cả em vào lớp...



Cô giáo Nguyễn Thị Thạch, giáo viên dạy Ngữ văn của Hiền chia sẻ: Biết được hoàn cảnh của Hiền, nhà trường cũng tạo điều kiện, miễn giảm các khoản học phí, học thêm cho em, động viên em đi học đều đặn, nhưng nhiều hôm em cũng không thể đến lớp. Bản thân tôi trực tiếp dạy Hiền cũng đã giúp em một số quần áo, sách vở… Hy vọng hoàn cảnh của Hiền sẽ được những tấm lòng hảo tâm trong xã hội chia sẻ, đùm bọc.

Hoàn cảnh đáng thương của chị em Nguyễn Thị Hiền. Video: Huy Thư

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Cháu Nguyễn Thị Hiền xóm An Hòa, xã Thanh An, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Hoặc Phòng Phát hành - Xã hội, Báo Nghệ An, số 3 - đại lộ Lê Nin - TP Vinh. SĐT: 02383.686.585. Hoặc chuyển về TK Báo Nghệ An số: 0101000556677, Ngân hàng Vietcombank Nghệ An. Nội dung ghi rõ: Ủng hộ cháu Nguyễn Thị Hiền ở Thanh Chương