Có mặt tại nhà Trọng ở xóm 4, xã Nam Anh khi mặt trời đã đứng bóng, chứng kiến cảnh hai bố con trao cơm, nước cho nhau qua cửa sổ càng thấy thương cho gia cảnh cháu.

Bên trong khung cửa sổ, anh Nguyễn Văn Hùng (45 tuổi) với thân thể gầy gò, khuôn mặt hốc hác, đôi mắt thất thần không còn cảm xúc. Dường như anh cũng không nhận ra người con trai út đang đưa cơm cho mình. Lấy cơm xong, anh giở ra ăn vội vàng, rồi ném đồ đạc vào 1 góc nhà.

Trong nhà, mọi thứ ngổn ngang, bừa bộn, tiếng nhạc từ cái máy phát nhạc hắt ra réo rắt.  Cháu Trọng cho biết: “Do bố bị bệnh tâm thần, hay đi lang thang, nên gia đình phải nhốt bố trong nhà để chăm nuôi. Hàng ngày, bố chỉ biết làm bạn với máy phát nhạc, có khi mở cả đêm, làm những người xung quanh không ngủ được”.

bna_tr864569_2262021.jpgNgôi nhà 2 gian mà gia đình Trọng sinh sống. Ảnh: Huy Thư

Theo con trai anh Hùng, trước đây gia đình anh làm ăn ở tỉnh Đắk Lắk. Mặc dù hai vợ chồng đều chăm chỉ siêng năng, nhưng cuộc sống luôn gặp rủi ro, khó khăn chồng chất. Đầu tiên là việc người con trai cả bị bệnh hiểm nghèo qua đời.

Năm 2015 khi vợ anh, chị Nguyễn Thị Nga bị bệnh nặng, điều kiện kinh tế túng quẫn, cả nhà phải đưa nhau về quê. Vợ anh qua đời trong năm đó, bỏ lại anh và 2 người con nhỏ (con trai út mới được 7 tuổi).

Thương cảnh bố con côi cút, bên ngoại đã dành ngôi nhà 2 gian cho bố con anh sinh sống.  Bà Nguyễn Thị Sáu (66 tuổi), mẹ vợ anh Hùng cho biết: “Ngôi nhà ni gia đình tui xây để cho con trai ở, nhưng con trai đi Nam làm ăn xa, nên nhường lại cho bố con Hùng”.

Hàng ngày, anh Hùng thường theo người dân trong xóm đi phụ hồ kiếm tiền để mưu sinh. Những tưởng cuộc sống như vậy đã éo le, nào ngờ tai họa lại tiếp tục đổ xuống gia đình anh.

Do anh Hùng hay đi lang thang, người thân phải nhốt trong nhà cho an toàn. Ảnh: Huy Thư

Đầu năm 2020, anh Hùng có những biểu hiện khác thường, thần kinh không ổn định. Khoảng tháng 4 năm ngoái thì anh bỏ nhà đi lang thang, có lần lên tận xã Thanh Nho (Thanh Chương) cách nhà gần 50 km, người thân phải đi tìm đưa về.

Để hạn chế việc đi lại của anh,  người thân đã nghĩ đến việc nhốt anh trong nhà để chăm sóc. Từ đó, suốt ngày đêm, anh chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà 2 gian, hết nằm, ngồi, lại la hét. Mỗi khi có ai đến mở cửa là anh chỉ muốn nhào ra ngoài sân để chạy. Tay vơ vội những túi xác rắn đựng đồ đạc, mồm anh lẩm nhẩm “đi trên ni cấy”.

Hàng ngày người mẹ ruột ở xóm 6 hoặc con trai anh sẽ mang cơm nước đến trao qua cửa sổ. Thỉnh thoảng, người thân lại mở cửa vào nhà dọn dẹp, vệ sinh, tắm rửa cho anh.

Hai bố con Trọng thường trao thức ăn, nước uống qua cửa sổ. Ảnh: Huy Thư

Bà Nguyễn Thị Sáu cho biết thêm, bố của anh Hùng, ông Nguyễn Văn Tân (SN 1940) vốn là cựu chiến binh chống Mỹ. Ông bị ảnh hưởng chất độc da cam và cũng bị tâm thần trước khi qua đời. Anh Hùng có bị di chứng của chất độc da cam hay không là nỗi trăn trở của nhiều người trong gia đình anh.

Thương con rể bị trọng bệnh, thương cháu mất mẹ hiền, những năm qua, bà Sáu đã thay con gái chăm nuôi, cưu mang 2 người cháu ngoại. Anh trai của Trọng thuộc diện còi cọt “thấp bé nhẹ cân” cũng phải nghỉ học sớm, còn Trọng đã học xong lớp 7E, Trường THCS Anh Xuân.

Hàng ngày sau buổi học, cháu lại về nhà cùng bà nội, bà ngoại chăm sóc bố. Anh Hùng cũng đã vài lần được mẹ đẻ đưa về xóm 6 để nuôi. Tuy nhiên hai bà nội, ngoại sức khỏe đều yếu, nên mọi việc chăm sóc bố vẫn chủ yếu là nhìn vào em Trọng.

Em Nguyễn Văn Trọng chia sẻ: “Mẹ cháu mất sau một lần chuyền sốc thuốc. Bố cháu lại bị bệnh tâm thần như thế này. Nhà cháu thật bất hạnh”.

Mỗi lúc người quen mở cửa nhà, anh Hùng lại muốn xách đồ đạc ra đi. Ảnh: Huy Thư

Tính từ ngày đổ bệnh đến nay đã hơn 1 năm, do điều kiện gia đình, anh Hùng vẫn chưa được người thân đưa đi viện để thăm khám, điều trị. Dường như bệnh tình của anh ngày càng nặng hơn, trong khi các con chưa đủ khôn lớn để lo cho bố.

Nỗi trăn trở, mong muốn tha thiết nhất hiện nay của con anh là đưa được bố đi chữa bệnh. Trọng không giấu nỗi buồn: “Chuyện đưa bố đi bệnh viện, bọn cháu cũng đã nói với bà nội từ năm trước, bàn đi tính lại, do khó khăn, nên nhà cháu vẫn chưa đưa bố đi bệnh viện được”.

Cháu Nguyễn Văn Trọng. Ảnh: Huy Thư

Anh Trần Văn Quyết - Bí thư Đoàn xã Nam Anh cho biết: “Hoàn cảnh gia đình cháu Nguyễn Văn Trọng thuộc diện khó khăn, éo le nhất xã. Để chia sẻ với cháu, tổ chức Đoàn địa phương đã phát động phong trào quyên góp, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các mạnh thường quân, đoàn viên thanh niên, các em đội viên, các nhà hảo tâm trong và ngoài xã giúp đỡ".

Hơn bao giờ hết, gia đình Trọng đang rất cần sự chung tay của cộng đồng xã hội. Mỗi một tấm lòng là một nguồn động viên, sẻ chia vô cùng cần thiết đối với em.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

* Cháu Nguyễn Văn Trọng xóm 4, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

* Phòng Phát hành - QC và Hoạt động xã hội, Báo Nghệ An, Số 3, đại lộ Lê Nin, TP Vinh, Nghệ An. SĐT: 02388.600.006