"Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh"
Nguyên lý của Chủ nghĩa Mác Lênin chỉ ra rằng: “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”. Điều đó được minh chứng rõ nét trong phong trào cách mạng 1930-1931 ở Nghệ -Tĩnh với sự vùng lên của quần chúng lao khổ chống lại cường quyền.
Phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ-Tĩnh được mở đầu bằng cuộc đấu tranh của công-nông Vinh-Bến Thủy vào ngày 1/5/1930. Nhân dân các huyện Nghi Xuân, Hương Khê, Thanh Chương, Đô Lương hưởng ứng, tổ chức treo cờ, mít tinh, diễu hành, đấu tranh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930.
Từ đấu tranh chính trị, quần chúng đã biểu tình với những vũ khí thô sơ. Mở đầu thời kỳ đấu tranh vũ trang là cuộc biểu tình của khoảng 3.000 nông dân Nam Đàn ngày 30/8/1930 buộc tri huyện phải ký nhận vào bản yêu sách của nhân dân. Ngày 1/9/1930, tại Thanh Chương đã nổ ra cuộc biểu tình với quy mô rộng của trên 2 vạn nông dân trong 5 tổng. Ngày 7 - 8/9/1930, hàng ngàn nông dân các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên phối hợp biểu tình, kéo về tỉnh lỵ Hà Tĩnh… vùng lên đấu tranh mạnh mẽ.
Sáng ngày 12/9/1930, khoảng 8.000 nông dân thuộc 3 tổng: Phù Long, Thông Lạng (huyện Hưng Nguyên) và Nam Kim (huyện Nam Đàn), đã giương cao cờ đỏ búa liềm đấu tranh. Hoảng sợ, thực dân Pháp cho máy bay trút bom xuống đoàn biểu tình khiến 217 người chết, 125 người bị thương, hàng chục người bị bắt giam.
Từ tháng 9 trở đi, phong trào đấu tranh của quần chúng chuyển biến vượt ra ngoài dự kiến của các cấp bộ Đảng. Những cuộc biểu tình có vũ khí thô sơ có sự hỗ trợ của Đội Tự vệ đỏ, nông dân nhiều huyện ở Nghệ Tĩnh dồn dập tấn công huyện đường. Trước bão táp cách mạng của quần chúng, chính quyền cai trị bị rối loạn; quan chức người Pháp ngày đêm sống trong tâm trạng lo âu, tìm nơi trú ẩn; quan lại phong kiến Nam Triều, số xin nghỉ việc, số xin đổi đi nơi khác, số được cử ra thay thế cũng dè dặt trong khi làm nhiệm vụ.
Nhà nước Xô viết: Khát vọng về quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc.
Ngay từ khi ra đời, chính quyền Xô viết đã thực hiện các quyền lợi cho người dân lao động. Về chính trị: Xô viết không thừa nhận bộ máy chính quyền của thực dân, phong kiến và những luật lệ do chúng đặt ra để kìm kẹp, bóc lột nhân dân, thực hiện các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân như tự do hội họp, tự do đi học, nam nữ bình quyền.., trấn áp bọn phản động làm tay sai cho thực dân Pháp, giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an và bảo vệ cách mạng cho các Đội tự vệ đỏ... Về kinh tế, không nạp sưu thuế cho Pháp và buộc các tổng lý phải trả lại cho nhân dân số tiền thuế đã thu, buộc các chủ ruộng, các nhà giàu phải giảm tô, hoãn nợ và bỏ các khoản địa tô phụ cho nông dân, quy định lại mức tiền công cho những người làm thuê chia lại ruộng công... một số nơi còn sử dụng ruộng đất công tổ chức cho nhân dân sản xuất tập thể theo hình thức hợp tác xã nông nghiệp. Về văn hóa - xã hội: Bài trừ các hủ tục lạc hậu, cấm hút thuốc phiện, uống rượu, đánh bạc…
Những chính sách và biện pháp được Xô viết thực hiện đã tạo ra bầu không khí mới trong nông thôn. Lòng tin của quần chúng đối với Đảng và cách mạng được biểu hiện rõ rệt. Những tiếng gọi "cộng sản", “xã hội” bao hàm ý nghĩa thiêng liêng, vừa là lý tưởng, vừa là khẩu hiệu hành động của quần chúng. Họ sẵn sàng hy sinh tính mạng và tài sản để chống lại chính sách khủng bố của thực dân Pháp, bảo vệ Xô viết.
Chính quyền Xô viết là đỉnh cao của cao trào cách mạng, là cuộc đấu tranh giai cấp “long trời, lở đất” của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mặc dù ra đời và tồn tại trong khoảng thời gian ngắn, nhưng Xô viết đã tỏ rõ tính ưu việt và bản chất tiến bộ của một chính quyền cách mạng của dân, do dân và vì dân.
Ý Đảng lòng dân: Cuộc diễn tập đầu tiên của Đảng
Vừa mới ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên cao trào cách mạng 1930-1931, tiêu biểu là Xô viết Nghệ - Tĩnh, làm rung chuyển chế độ thống trị của thực dân Pháp và tay sai. Cùng với sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung Kỳ và các cấp ủy Đảng ở Nghệ Tĩnh. Giai cấp công nhân đã biểu hiện rõ vai trò lãnh đạo và tính tiên phong của mình. Sự phối hợp giữa các cuộc bãi công của công nhân với các cuộc biểu tình của nông dân thể hiện sự gắn bó mật thiết của giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và nhân dân trong cuộc đấu tranh chống đế quốc và phong kiến.
Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thường xuyên theo sát và chỉ đạo kịp thời diễn biến phong trào đấu tranh của nhân dân ở Nghệ Tĩnh. Tháng 9/1930, nhận được báo cáo về việc thành lập chính quyền Xô viết ở huyện Thanh Chương và Nam Đàn, Trung ương Đảng gửi ngay chỉ thị cho Chấp ủy Trung Kỳ. Trung ương Đảng phê bình Chấp ủy Trung Kỳ, cho rằng làm như vậy là quá sớm, không đúng thời cơ, vì trong cả nước chưa có tình thế cách mạng trực tiếp. Đồng thời, Trung ương Đảng cũng góp ý kiến cho Chấp ủy là phải làm thế nào để duy trì được ảnh hưởng của Đảng và chính quyền Xô viết trong quần chúng nhân dân; uốn nắn một số sai sót trong việc tổ chức biểu tình và chia ruộng đất công...
Chỉ thị của Trung ương Đảng đã kịp thời giúp Chấp ủy Trung Kỳ và Đảng bộ Nghệ An, Hà Tĩnh sửa chữa những thiếu sót trong việc chỉ đạo phong trào. Đến tháng 10/1930, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra thông cáo cho toàn Đảng biết rõ tình hình. Bản thông cáo nhắc nhở các địa phương phải lấy việc xảy ra ở Nghệ An làm kinh nghiệm để vận động quần chúng, nhất là quần chúng nhân dân cho đúng với nhiệm vụ chính trị của Đảng. Trung ương chỉ thị cho toàn Đảng phải ra sức vận động quần chúng đấu tranh chống khủng bố trắng của đế quốc Pháp để ủng hộ Nghệ - Tĩnh đỏ.
Từ tháng 9 năm 1930, các cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân Nghệ Tĩnh bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng ra tuyên bố về việc bảo vệ Nghệ An đỏ chống khủng bố trắng của bọn đế quốc. Trung ương kêu gọi "Tất cả chúng ta, nhân dân trong nước chúng ta cần thiết phải phát động một phong trào rộng lớn, một làn sóng biểu tình to lớn trong suốt chiều dài đất nước để giữ vững những thắng lợi giành được ở Bến Thủy trong tỉnh Nghệ An đỏ”.
Sự phát triển của cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh càng minh chứng rõ nét vai trò lãnh đạo của Đảng, mối quan hệ mật thiết giữa ý Đảng và lòng dân. Sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và kịp thời càng chứng tỏ năng lực lãnh đạo và vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với phong trào cách mạng, khẳng định vị thế, uy tín của Đảng trong lòng nhân dân.
Truyền thống bất khuất, “đứng đầu dậy trước" của nhân dân Nghệ Tĩnh
Cao trào Xô viết Nghệ -Tĩnh tạc vào lịch sử như một mốc son chói lọi cho truyền thống bất khuất, kiên cường và phẩm chất “đứng đầu dậy trước” của con người xứ Nghệ.
Khi thực dân Pháp đặt chân xâm lược Việt Nam, nhân dân Nghệ Tĩnh đã hăng hái đứng lên chống kẻ thù. Mở đầu là cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn và Đặng Như Mai với ngọn cờ “Bình tây sát tả” đánh cả Triều lẫn Tây năm 1874. Khi chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi ban ra thì cả dãy Hồng Lam bừng bừng khí thế "Bình Tây, phục Quốc" dưới sự lãnh đạo của văn thân, sỹ phu yêu nước. Phan Đình Phùng với cuộc khởi nghĩa Hương Khê đã trở thành ngọn cờ Cần Vương tiêu biểu của cả nước.
Đánh giá về phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ-Tĩnh, Hồ Chí Minh đã từng viết: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô viết Nghệ-Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam; phong trào tuy thất bại nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”. “Hơn cả Công xã Pari đối với Cách mạng Pháp, hơn cả Công xã Quảng Châu đối với Cách mạng Trung Quốc, Xô viết Nghệ-Tĩnh có tầm quan trọng đặc biệt đối với cách mạng Việt Nam. Nó đã ảnh hưởng một cách trực tiếp và toàn diện đến những giai đoạn sau của cách mạng Việt Nam…".
Xô viết Nghệ -Tĩnh còn làm chấn động dư luận quốc tế. Trong thư của Quốc tế Cộng sản gửi các Đảng Cộng sản Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ ngày 27/2/1931 có nhận xét: “Phong trào cách mạng sôi nổi trong các xứ Đông Dương đã góp phần tăng thêm ảnh hưởng cộng sản trong thuộc địa, nhất là các nước phương Đông”. Trong phiên họp ngày 11/4/1931, Hội nghị toàn thể lần thứ 11, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là Phân bộ độc lập trực thuộc Quốc tế Cộng sản.
Phát huy tinh thần Xô viết Nghệ-Tĩnh trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, việc hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, cơ chế phù hợp với xu thế phát triển thời đại và nguyện vọng, lợi ích thiết thực, chính đáng của nhân dân là cần thiết để hình thành động lực, sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp đổi mới đất nước.
Đảng Cộng sản Việt Nam phát huy những giá trị cao đẹp, xác định đại đoàn kết dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng của Đảng: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là động lực và nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”.Xô viết Nghệ -Tĩnh mãi mãi là niềm tự hào và kiêu hãnh, tiếp thêm sức mạnh để nhân dân Nghệ An vững bước trên con đường cách mạng, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và hội nhập, xây dựng Nghệ An trở thành “một tỉnh khá” như lời của Bác Hồ mong muốn.