Đã 2 ngày trôi qua, dường như không khí đau thương, tang tóc vẫn đang bao trùm cả xóm nghèo Vĩnh Tiến. Có lẽ chưa bao giờ hình ảnh cầu Khe Ngang  bắc qua khe nước nhỏ trên con đường liên xóm, nơi 3 em học sinh bị đuối nước lại ám ảnh người dân địa phương như lúc này. 

Theo phản ánh của bà con, cầu Khe Ngang, nói là cầu nhưng thực chất là một cái đập tràn thiết kế theo kiểu “trên cầu, dưới cống”. Do xây dựng đã lâu, cầu đã xuống cấp, mỗi dịp mưa to thì nước trên núi chảy về ngập băng đoạn cầu này, khiến người dân không thể qua lại được.  Ngày mưa thì tránh, ngày nắng thì đi, tuy người dân qua lại nhiều trên đoạn cầu này, nhưng chưa xảy ra sự cố đau lòng nào, ám ảnh như chiều 9/9. 

Cầu Khe Ngang ở xóm Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Sơn. Ảnh: Huy Thư

Ông Nguyễn Như Việt - Xóm trưởng xóm Vĩnh Tiến cho biết, chiều hôm trước, không thấy cháu ngoại chơi ở nhà,  bà Bùi Thị Khả vội vàng đi tìm. Nghe một số người dân nói lúc 3 giờ chiều vẫn thấy 3 em nhỏ chơi ở nhà văn hóa xóm, bà Khả đã đến nhà văn hóa nhưng không thấy cháu đâu, chỉ thấy dưới cầu Khe Ngang có 2 chiếc xe đạp, trong đó có 1 xe của cháu bà. Nghĩ chuyện chẳng lành, bà Khả liền kêu cứu. Người dân biết chuyện tập trung đến đông và tiến hành tìm dưới khe nước.

Lúc này, nước dưới cầu Khe Ngang sâu chỉ tầm đến ngực, bụng, không có gì trở ngại đối với người lớn, nhưng lại quá nguy hiểm với trẻ nhỏ, chỉ cần sa sẩy là có thể bị đuối nước. Sau một lúc tìm kiếm, mò vớt, lần lượt  cả 3 cháu nhỏ đã được  tìm thấy ở dưới khe, cháu cuối cùng được vớt lên bờ vào lúc 17 giờ 15 phút, các cháu đều đã tử vong trước đó.

3 em học sinh ở xóm Vĩnh Tiến đã bị đuối nước tại cầu khe Ngang. Ảnh: Văn Trung

Ngay trong đêm 9/9, những cỗ quan tại được đóng vội. Tại cầu Khe Ngang, nơi các cháu bị đuối nước, anh em, bà con, làng xóm, thầy, cô… đã tổ chức lễ tang, trong ánh đuốc, ánh đèn, tiễn đưa các em về nơi an nghỉ cuối cùng. Tiếng khóc nghẹn lòng, sự đau xót đến vô hạn. Ông Nguyễn Như Việt cho biết thêm: Trong đau thương hoạn nạn, bà con xóm làng đã đến chung tay lo hậu sự cho các cháu, chia sẻ, động viên, thăm hỏi các gia đình.

Được biết, 2 cháu Đặng Thanh Ngân (9 tuổi) và Đặng Thanh Nga (6 tuổi) là chị em ruột trong gia đình có 3 chị em. Gia đình các cháu thuộc hộ cận nghèo. Anh Đặng Anh Tuấn (36 tuổi) - bố các cháu, sau 1 vụ tai nạn giao thông bị vỡ hộp sọ, mặc dù đã được chữa lành, nhưng sức khỏe giảm sút, chỉ làm được công việc nhẹ. Moi công việc đồng áng nặng nhọc đều do chị Bùi Thị Công, mẹ các cháu gánh vác. Thời gian gần đây, chị Công đi làm công nhân may ở Đô Lương, mong kiếm thêm thu nhập để nuôi chồng, nuôi con, nào ngờ tai họa lại ập đến.

Thi thể 3 em học sinh được vớt lên bên bờ khe và lễ tang đã diễn ra ngay trong đêm 9/9. Ảnh: Văn Trung

Cách nhà 2 cháu Ngân, Nga chưa đầy trăm mét, hoàn cảnh của cháu Đinh Thị Diệu Linh (8 tuổi) cũng rất éo le. Bố mẹ Linh cưới nhau được một thời gian ngắn thì ly hôn. Mẹ Linh, chị Nguyễn Thị Quyên phải gửi lại con nhỏ cho ông bà ngoại nuôi giùm để vào miền Nam làm ăn. Những tháng năm qua, Linh đã lớn lên trong sự cưu mang đùm bọc của gia đình ông bà ngoại. Ông Nguyễn Hữu Hoa, ông ngoại Linh là người tàn tật, vừa bị cụt 1 cánh tay do tai nạn lao động hồi tháng 5/2020.

Gia đình 3 cháu sinh sống ở khu vực khe Trường, cách Nhà Văn hóa xóm Vĩnh Tiến chưa đầy 100m, nên các cháu thường rủ nhau ra đây vui chơi. Chiều hôm đó, các cháu được nghỉ học, sau khi chơi  ở nhà văn hóa xóm đã xuống cầu Khe Ngang thì gặp nạn. Sự thật thì không ai trong xóm biết chính xác các cháu bị đuối nước lúc nào, chỉ khi bà Bùi Thị Khả đi tìm cháu ngoại mới phát hiện ra sự việc đau lòng.

GS.TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT thắp hương chia buồn cùng gia đình nạn nhân. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Năm học này, cháu Ngân học lớp 4B, cháu Nga học lớp 1B và cháu Linh học lớp 3A, Trường Tiểu học Vĩnh Sơn. Bước vào năm học mới, đi học được mấy ngày, con đường đến trường của các cháu đã phải vĩnh viễn khép lại. Chia sẻ về nỗi đau này, thầy Phan Việt Hùng – Hiệu phó phụ trách nhà trường, Trường Tiểu học Vĩnh Sơn cho biết: Ngay khi nhận được tin các em học sinh trong trường bị đuối nước, nhà trường đã tổ chức giáo viên đến hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình tìm kiếm nạn nhân và lo hậu sự cho các em.

Thời gian qua, mặc dù nhà trường đã thường xuyên giáo dục, nhắc nhở học sinh vấn đề phòng, chống đuối nước, nhưng sự việc thương tâm vẫn xảy ra. Trước sự việc đau lòng này, bên cạnh việc kêu gọi, quyên góp trong hội đồng giáo viên, nhằm giúp đỡ, chia sẻ, động viên các gia đình có con em gặp nạn, nhà trường đã làm công tác tư tưởng, để ổn định tinh thần phụ huynh, học sinh trong toàn trường, tránh sự hoang mang, lo lắng.

Sự ra đi đột ngột của 3 em học sinh tiểu học ở huyện Anh Sơn không chỉ là nỗi mất mát, đau thương to lớn của các gia đình, mà còn là nỗi đau chung của cộng đồng, xã hội. Bước vào năm học mới cũng là thời điểm đang bước vào mùa mưa lũ, hiểm họa về tai nạn đuối nước vẫn tiếp tục gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh nhắc nhở mọi người.