Sáng nay (21/1/2022), tức ngày 19 tháng Chạp, trong lúc đang dựng cây nêu, ông Nguyễn Như Thập trú tại số nhà 15, ngõ 1A, đường Đinh Lễ (phường Hưng Dũng, TP.Vinh), đã gây ra sự cố lưới điện cho toàn bộ đường dây 473 E15-7 từ phường Bến Thủy đến phường Hà Huy Tập trong thời gian 30 phút. Sự việc còn khiến ông Thập bị thương, phải đi bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Hiện trường khu vực xảy ra sự cố mất điện trên lưới sau khi người dân dựng cây nêu tại phường Hưng Dũng, TP.Vinh. Ảnh: Tiến Đông
Ngay sau khi sự việc này xảy ra, Điện lực TP.Vinh cùng với Công an TP.Vinh, UBND và Công an phường Hưng Dũng đã đến kiểm tra, lập biên bản hiện trường để xử lý theo quy định của pháp luật. Cây nêu được quấn bóng đèn led, dù có công suất thấp và đã có bộ chuyển đổi điện, nhưng nếu dựng dưới đường điện cao thế thì rất dễ xẩy ra hiện tượng phóng diện, dẫn điện gây chập cháy và nguy hiểm cho người, gia súc, gia cầm khi lại gần. Trong ảnh, đoạn cây nêu và dây đèn led còn sót lại sau sự cố tại phường Hưng Dũng sáng nay. Ảnh: Tiến Đông
Đây chưa phải là trường hợp hy hữu xảy ra sự cố, tai nạn trong khi dựng cây nêu ngày Tết trong những năm qua. Mà thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra, thậm chí gây chết người khi dựng cây nêu. Cụ thể, vào ngày 25/1/2021 trên địa bàn xã Minh Hợp (Quỳ Hợp), trong khi một nhóm người đang dựng cây nêu đã không may bị điện giật khiến 1 người tử vong và 2 người bị thương nặng.
Dù đã có những bài học thương tâm, thế nhưng nhiều người vẫn bất chấp những cảnh báo an toàn, ngang nhiên dựng cây nêu dưới hành lang lưới điện; dựng cây nêu bằng các loại vật liệu dễ dẫn điện, gây mất an toàn. Sự cố do dựng cây nêu sáng nay đã gây mất điện trên diện rộng tại TP.Vinh từ phường Bến Thủy đến phường Hà Huy Tập trong vòng 30 phút. Ảnh: Tiến Đông
Thực tế cho thấy, phong trào dựng cây nêu đón Tết phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Trên khắp các địa phương từ Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, Yên Thành, Thanh Chương, Diễn Châu, cho đến TP.Vinh... nơi đâu cũng xuất hiện các tuyến đường nêu lộng lẫy.
Cây nêu thường được người dân làm bằng những cây tre cao vút, hơn 10m; cũng có loại cây nêu được hàn bằng sắt, uốn nắn theo những hình thù cố định và được cuốn dây bóng đèn led. Hiện trường một vụ tai nạn thương tâm khi dựng cây nêu. Ảnh: tư liệu Báo Nghệ An
Ở nhiều nơi, những cây nêu cao được dựng sát dưới đường điện cao thế. Trên ngọn cây nêu, người dân còn để nguyên chùm lá, treo thêm các vật dụng trang trí, bóng đèn nháy, khi có gió ngọn nêu bị xô đẩy tiến sát đường dây điện, dễ gây ra hiện tượng phóng diện, dẫn điện, gây nguy hiểm cho con người và các loài gia súc, gia cầm khi đến gần.
Riêng ở các khu vực thành phố, đô thị, do thiếu diện tích nên cây nêu thường được dựng ngay ngoài đường, dựng bên mái tôn hay buộc vào cột điện. Điều này khiến cho nguy cơ bị điện giật có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Đó là chư kể khi xảy ra chập, cháy có thể làm mất điện trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân. Nhiều cây nêu đã được dựng lên dưới đường điện cao thế, bất chấp những cảnh báo về an toàn. Ảnh: Tiến Đông
Ông Phạm Văn Nga - Giám đốc Điện lực TP.Vinh cho biết: dù các dây bóng đèn led có công suất thấp và đã qua bộ phận chuyển đổi điện, tuy nhiên do các sản phẩm này có rất nhiều loại, chất lượng không đảm bảo nên có thể dẫn đến hiện tượng phóng điện, chập điện.
Việc người dân dựng cây nêu theo phong tục truyền thống thì pháp luật không cấm, tuy nhiên, nếu dựng dưới hành lang an toàn lưới điện thì sẽ vi phạm theo Luật Điện lực, được hướng dẫn theo Nghị định 14/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về An toàn điện. "Tùy từng hình thức vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" - ông Nga cho biết thêm.