(Baonghean) - Nói thật là lúc đầu khi thấy trên mạng và các tờ báo, trang tin điện tử tập trung lăng xê, moi móc và cả bới móc chàng thanh niên nông dân có giọng ca “thảm họa” với “nghệ danh” Lệ Rơi, bầy tui đã nhất quyết im lặng theo kiểu chất Nghệ là: nỏ chấp! Vì chỉ coi đó là những chiêu trò nhăng nhít quen thuộc của các diễn đàn mạng, trang báo “lá cải” “thổi phồng” hay “đôn tầm” một người, một chuyện quá bình thường thành hiện tượng. Rồi tung hô ầm ĩ từ đủ mọi góc cạnh để câu người đọc. Nhưng đến hôm qua, khi thấy một tờ báo thuộc diện chính thống, “nghiêm túc, đứng đắn” mời anh nông dân vui tính hay hát, nhưng hát rất không hay đó đến tòa soạn để giao lưu trực tuyến với fan hâm mộ thì tự thấy không thể mần thinh được nữa!
Bởi lẽ, đã nhìn thấy lấp ló đằng sau sự việc đó sự bất ổn dẫn đến những suy nghĩ và hành vi lệch lạc của lớp trẻ hôm nay. Có lẽ mọi người đều nhận thấy kể từ khi mạng internet kết nối cả thế giới đến từng ngõ xóm với đủ mọi loại thông tin bằng chữ và bằng hình ảnh đủ loại thì trong lối sống của lớp trẻ đã xuất hiện một phương châm sống phải nói là rất nguy hiểm. Đó là sẵn sàng làm tất cả để được nổi tiếng. Thế nên, trong xã hội hiện đại mới xuất hiện những “Thủy Top”, “Ely Tran”, “bà Tưng” “trẻ ngài nhưng dài đời” khoe da, khoe thịt ở mọi nơi, mọi lúc. Những chỗ cần che đậy thì lại cố tình trưng ra dưới mọi lý do cho thiên hạ nhòm chỉ với mục đích là trở thành…ngài nổi tiếng.
Và đúng là “nổi tiếng xấu” thật. Nhưng với không ít người trẻ hôm nay, xấu hay đẹp không quan trọng, miễn là được nhiều người biết đến. Nên không ít nam, nữ thanh niên hở ra là khoe thân, cởi đồ nhằm “lộ hàng” một cách có chủ đích. Bởi thế, khi tên sát nhân máu lạnh vị thành niên Lê Văn Luyện nổi tiếng vì nhẫn tâm sát hại cả một gia đình thì không ít thiếu niên lên mạng lập hội tự xưng là “đàn em của anh Luyện” tôn kẻ giết người không ghê tay là “thần tượng”, cũng chỉ với mục đích gây sự chú ý của dư luận để được nổi tiếng. Dù là tiếng xấu. Rồi khi các cuộc thi, trò chơi xuất hiện nhan nhản trên truyền hình, không ít nam thanh, nữ tú không tài cán gì cũng cố chen chân vào để được xuất hiện trên màn ảnh nhỏ biểu diễn đủ mọi thứ từ hò hét đến quỳ lạy, khóc lóc, van xin…
Cũng chỉ với một mong muốn là được ghi danh vào “bảng phong thần” trên mạng theo đúng nghĩa “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Thế nên, khi một cơ quan nghiêm túc cũng tung hô anh Lệ Rơi bằng việc “giao lưu trực tuyến” thì chẳng khác gì đi tiếp sức, cổ súy cho lối sống kể trên. Khi thấy anh Lệ Rơi bỗng dưng nổi tiếng bằng lối hát ngô nghê như vậy, chắc hẳn sẽ có không ít thanh, thiếu niên hào hứng học theo, ngày đêm “lao tâm, khổ trí” để “sáng tạo” ra những chiêu trò, càng nhăng nhít, kỳ quái, lạ đời, ngô nghê càng tốt để có thể nổi tiếng như “hò hét sỹ” Lệ Rơi. Mà như thế thì sẽ đảo lộn hết những giá trị chân, thiện, mỹ ở đời.
Làm vậy khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”. Mà nói đúng kiểu Nghệ là: đọc đàng cho kiến nhoi!
Nghệ Nhân