(Baonghean) - Trong quá trình phát triển, vấn đề đảm bảo sự tăng trưởng về kinh tế luôn được đặt ra đồng thời với việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Bởi nếu chỉ chú trọng về kinh tế, coi trọng các chỉ số về tăng trưởng, bỏ qua các vấn đề về môi trường pháp lý, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, thiếu quan tâm đến các vấn đề văn hóa, đạo đức, nhu cầu tinh thần, thì bánh xe lịch sử xã hội khó mà tránh được những khúc cua, khúc trượt không phanh xuống bờ hỗn loạn, thảm họa.
Tuần vừa rồi, ngày 20/9, cơ quan điều tra Bộ Công an xác nhận thông tin ông Đỗ Tất Ngọc, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã bị bắt giam để điều tra về những hành vi vi phạm pháp luật. Ông Ngọc bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trước đó, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Phạm Ngọc Ngoạn (58 tuổi, trú tại phố Hàng Bài, Hà Nội), nguyên thành viên Hội đồng thành viên Agribank; nguyên Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty In - Thương mại và Dịch vụ Agribank (nay là Công ty TNHH một thành viên dịch vụ Agribank, về hành vi trên.
Khi những thông tin này đăng tải lên báo chí, nhiều ý kiến bình luận tỏ rõ sự bất bình, phản ứng dữ dội. Đáng chú ý, có nhiều ý kiến cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp lớn sai phạm thì không có gì là lạ, là bất thường nữa. Họ chỉ bàng hoàng một chút bởi vẫn là sai phạm lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Tiền bạc của Nhà nước, của tập thể, dù ở đâu cũng bắt nguồn từ nhân dân, là của cải của xã hội. Ấy vậy mà sai phạm cứ lên đến hàng chục tỷ đồng, hàng trăm tỷ đồng, có vẻ dễ và nhẹ tênh như việc lấy trong túi ra. Bởi đã sai phạm lớn, thất thoát lớn như vậy thì không thể xảy ra một sớm một chiều, phải là sai phạm diễn ra cả một quá trình. Vậy tại sao quá trình đó không bị ngăn chặn sớm hơn, bị chặn đứng khi mức độ thất thoát còn ít hơn...! Vì thế, sai phạm, vi phạm trong quản lý, điều hành kinh tế trong giai đoạn gần đây, dù đã xử lý nghiêm, xử lý nhiều, nhưng xem ra vẫn chưa có xu hướng dừng lại, mà có vẻ như còn lây lan mạnh. Cứ ngỡ, hễ cơ quan chức năng “rời mắt” là có sai phạm, vấn đề chỉ là ít hay nhiều, là “bị lộ” hay “chưa bị lộ” mà thôi (!) Có nghĩa là đang rất có vấn đề về văn hóa trong kinh tế.
Nhiều người vẫn kể cho nhau nghe một câu chuyện bi hài không thể chấp nhận, nhưng không chắc không còn tiếp diễn. Một bà đi chợ về đem đổ cả bì rau cải tươi xuống sông. Người qua đường hỏi vì sao lại đổ đi. Bà ấy trả lời vì bán không được. Người qua đường lại hỏi sao không đem về cho lợn. Bà ấy lại bảo rau này phun thuốc, lợn ăn không tốt... Người đi đường giật mình: Sao lợn ăn không tốt mà lại bán cho người ăn? Bà kia dửng dưng bảo, vì lợn là lợn của mình, còn rau bán ra thiên hạ thì kệ họ, thiên hạ biết mình là ai, không bán như thế thì lấy cái gì mà bỏ vào mồm? Trời ạ, vậy là vì thiên hạ không biết mình là ai thì muốn làm gì thì làm. Và nữa, vì để có cái bỏ vào mồm, mà có những người có thể bất chấp việc gì, kể cả hủy hoại sức khỏe cộng đồng, chà đạp luân thường đạo lý. Và có thể cũng tương tự như vậy, để thỏa cơn khát tiền, cơn khát làm giàu, để có thể “thành ông này bà nọ”, để tiêu xài thoải mái, để làm oai với thiên hạ, người ta lại sẵn sàng bất chấp tất cả, kể cả vi phạm pháp luật, coi thường luân thường đạo lý! Đành rằng, kiếm tiền là cần thiết, làm giàu là đáng khuyến khích, nhưng không phải bằng mọi cách, bằng thái độ bất chấp.
Đảng và Nhà nước ta luôn khuyến khích phát triển kinh tế, cùng với đó phải là tinh thần và ý thức thượng tôn pháp luật, phải gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Vấn đề quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế, tuyên truyền về văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa ngành nghề luôn được quan tâm. Việc cho xây dựng và phát triển Trung tâm văn hóa doanh nhân Việt Nam, các tổ chức doanh nghiệp trẻ và vừa, tổ chức các giải thưởng các doanh nhân, doanh nghiệp như: vinh danh doanh nhân, doanh nghiệp “Tâm - Tài - Trí - Dũng”; vinh danh doanh nhân - doanh nghiệp văn hóa, tôn vinh doanh nhân - doanh nghiệp văn hóa thời đại Hồ Chí Minh... được tổ chức thường kỳ, cùng với nhiều diễn đàn để trao đổi, nâng cao nhận thức và văn hóa kinh doanh, văn hóa quản trị là những nỗ lực để hướng tới việc quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Song, những tác động và sức lan tỏa của các cuộc thi này vẫn không thể thay thế được quá nhiều những vấn đề bất cập, nhức nhối, diễn ra một cách khá rộng rãi hiện nay. Bên cạnh hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện, hoàn chỉnh, bên cạnh các thiết chế văn hóa và nội quy đạo đức nội bộ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, sự định hướng và điều chỉnh hành vi cá nhân trong toàn bộ ứng xử xã hội là vô cùng cần thiết.
Ngay từ trong gia đình, trong dòng họ, liệu có phải hễ ai mang tiền về “phúng viếng” nhiều nghiễm nhiên được trọng vọng? Ở đình, đền, chùa chiền miếu mạo, hễ ai “công đức” nhiều là được khắc tên lên “bia đá bảng vàng”? Trong xã hội tiêu dùng, hễ ai tiêu xài nhiều, tiêu xài sang, chi “mệt nghỉ”, là được tôn vinh? Bất cứ ở đâu cũng vậy, hễ thấy đi xe đẹp, ở nhà cao, tiêu xài sang, là được nhìn nhận là người thành đạt đáng ngưỡng mộ, mà không cần biết nguồn tiền đó đến từ đâu, cách làm ra đồng tiền đó như thế nào? Liệu cứ như thế thì có ngăn chặn được tình trạng có kinh tế mà không có văn hóa, mạnh về tăng trưởng nhưng kém về các vấn đề xã hội, dân sinh? Chắc chắn, không thể bỏ qua những vấn đề như đã nói ở trên nếu muốn xây dựng văn hóa trong kinh tế.
Để giải quyết những vấn đề nói trên, Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 9/6/2014, Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là điều hết sức cần thiết đã xác định rất rõ: “Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Con người thực sự là trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc”.
Thiết nghĩ, để việc xây dựng văn hóa trong kinh tế như tinh thần Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành thực hiện nghiêm túc. Từ đó, tỏa ra quần chúng nhân dân. Phải làm cho ngay trong mỗi gia đình, dòng họ, làng xóm, tổ chức, nhà trường... đều nhận thức đúng và có thái độ đúng đắn đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế đi đôi với quan tâm về bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa. Bởi, bên cạnh hệ thống pháp luật, rất cần sự điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân trong mọi mối quan hệ xã hội, từ đó điều chỉnh hành vi của toàn xã hội. Có như vậy, mới thực sự đảm bảo sự phát triển bền vững, có như vậy mới tiến tới xã hội văn minh, tiến bộ!
Đức Dương