(Baonghean) - Trong số 85 xã đăng ký về đích Nông thôn mới (NTM) của Nghệ An năm 2015, đến thời điểm này đã có 6 xã đã về đích (3 xã được công nhận, 3 xã đã thẩm định xong chờ quyết định). Theo quy định, ngày 30/11 là thời hạn cuối cùng để chốt hồ sơ công nhận NTM hàng năm, với 79 xã chưa được công nhận, thời gian còn lại khá ít, đòi hỏi nỗ lực lớn
Nỗ lực cho từng tiêu chí
ột trong những ưu điểm nổi bật nhất của các xã đăng ký về đích NTM năm 2015 là sự “nhập cuộc” đầy quyết tâm. Xã Hưng Thông (Hưng Nguyên) đang hoàn thành các tiêu chí cuối cùng để làm hồ sơ trình huyện và tỉnh. Đồng chí Hoàng Văn Soa, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thông cho biết: Xuất phát điểm chỉ với 10 tiêu chí, nhưng đến nay xã đã cơ bản hoàn thành các hạng mục theo quy định và nếu không có gì thay đổi, đầu tháng 9 sẽ đón Bằng công nhận. Quá trình thực hiện, khó nhất là tiêu chí giao thông nhưng hiện xã chờ được cấp đủ xi măng sẽ làm hết cung đường còn lại. Hai hạng mục nữa được tập trung thực hiện là cơ sở vật chất văn hóa và danh hiệu xóm văn hóa. Để đủ điều kiện, cùng với chỉnh trang lại sân vận động trung tâm xã, là thống nhất để xóm 1 họp dân chọn địa điểm khởi công xây dựng nhà văn hóa xóm, đồng thời tập trung chỉ đạo để thêm 1 xóm đạt danh hiệu Làng văn hóa.. Có thể nói, mặc dù là một xã nghèo thuần nông, nhưng với việc huy động được tổng nguồn lực đầu tư gần 170 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó người dân đóng góp trên 30% là một nỗ lực vượt bậc.
Xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) bước vào xây dựng NTM với nhiều khó khăn hơn. Do địa bàn đặc thù là vùng giáo, diện tích tự nhiên rộng nhưng nguồn lực yếu. Thế nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm, xã đã huy động được trên 3 tỷ đồng để làm 6 nhà văn hóa xóm, bình quân mỗi nhà trị giá 500 triệu đồng. Được Nhà nước hỗ trợ trên 1.000 tấn xi măng, xã đã làm được trên 30 km/47 km đường bê tông và cũng chờ cấp xi măng để hoàn thành nốt 17 km còn lại... Trong tháng 7, xã khởi công xây dựng trường mầm non (cơ sở 2) trị giá gần 9 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND xã – đồng chí Lê Đình Tý cho biết: Xã có 11 xóm trên tổng số 26 xóm có giáo dân, để huy động nguồn lực trong dân là không đơn giản. Vậy nhưng đến thời điểm này, xã làm đường giao thông vượt kế hoạch đề ra, trong năm nay sẽ phấn đấu làm thêm 2 nhà văn hóa nữa. Nếu tỉnh cấp đủ xi măng theo nhu cầu (xã cần khoảng 3.500 tấn, nhưng chỉ được giao kế hoạch 1.800 tấn) thì xã sẽ về đích NTM đúng kế hoạch đề ra…
Năm 2015, Hưng Nguyên có 6 xã đăng ký về đích NTM. Để hỗ trợ các xã, cùng với cơ chế huyện để lại cho các xã đăng ký về đích NTM được hưởng 60% từ kinh phí đấu giá QSD đất, các xã khó khăn hoặc vùng đặc thù còn được huyện hỗ trợ thêm. Cụ thể, xã Hưng Tây được huyện hỗ trợ khi xây dựng nhà văn hóa xóm, mỗi xóm từ 50-70 triệu đồng; xã Hưng Phú được hỗ trợ 200 triệu đồng xây dựng sân vận động… Đến thời điểm này 3 xã Hưng Thông, Hưng Xá và Hưng Phúc cơ bản đảm bảo tiến độ; 3 xã khó khăn hơn là Hưng Thắng, Hưng Phú và Hưng Tây phấn đấu cuối năm nay sẽ về đích.
Ở huyện Diễn Châu, mặc dù có số xã đăng ký về đích NTM nhiều nhất tỉnh với 14 xã, nhưng đến thời điểm này huyện chưa có cơ chế riêng cho các xã về đích NTM, mọi nguồn lực được phân bổ lồng ghép qua các chương trình, dự án hàng năm. Phó phòng Nông nghiệp huyện Trần Hoài An chia sẻ: Nguồn lực đầu tư cho NTM có hạn nên áp lực cho địa phương về đích NTM năm nay khá lớn. Đến thời điểm này, nhờ thường xuyên rà soát nên huyện đã “vạch” được lộ trình về đích của từng địa phương. Trên cơ sở kiểm tra, rà soát, có 6 xã hoàn thành cơ bản các tiêu chí là Diễn Thành, Diễn Phong, Diễn Thọ, Diễn Lộc, Diễn Hoa, Diễn Kỷ, huyện đang hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục để thẩm định; 8 xã còn lại khó khăn hơn, trên cơ sở kiểm tra, đánh giá thực trạng, huyện tiếp tục phân thành 2 tốp để có biện pháp chỉ đạo sát thực, cụ thể hơn...
Phó Chủ tịch xã Diễn Xuân - đồng chí Ngô Quang Trung cho hay: Trong 4 tiêu chí còn thiếu, đầu năm khởi công xây dựng trụ sở xã và đang chuẩn bị khởi công xây dựng trạm y tế trên 4 tỷ đồng; hiện xã đang tiếp tục tìm giải pháp khắc phục tiêu chí số 6 và 15 là quy hoạch diện tích nhà văn hóa các xóm và khuôn viên trường học để trình cấp có thẩm quyền công nhận. Trong khi đó, mặc dù rất quyết tâm nhưng đồng chí Trương Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Diễn Đồng thừa nhận: Với việc chưa tìm ra nguồn để xây dựng cơ sở vật chất văn hóa và trạm y tế trị giá gần 20 tỷ đồng, thì rất khó để xã kịp về đích NTM. Mặc dù vậy, xã vẫn xác định phải hoàn thiện chất lượng từng tiêu chí..
“Gỡ khó” về xi măng và quỹ đất
Một trong những khó khăn lớn nhất làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ về đích NTM là vấn đề cấp xi măng. Theo kế hoạch, năm 2015, tỉnh sẽ cấp gần 88.900 tấn cho các xã, bình quân mỗi xã về đích được cấp xi măng để làm 6 km đường (xã đồng bằng) và 8 km nếu là xã miền núi. Đợt đầu tiên của năm 2015 (tháng 4) tỉnh đã cấp 50.000 tấn và đợt 2 dự kiến cấp vào tháng 10 là 38.900 tấn. Trong số 2.300 tấn xi măng chờ cấp đợt 2 theo kế hoạch của huyện Hưng Nguyên, xã Hưng Thông còn thiếu 300 tấn; tương tự, xã Hưng Tây mới được cấp 1.000 tấn, còn thiếu trên 800 tấn so với kế hoạch và thiếu khoảng 2.000 tấn so với nhu cầu (xã đề nghị khoảng 3.500 tấn) và với tiêu chí giao thông còn lại, có thể nói được cấp đủ xi măng lúc nào là xã về đích lúc đó.
Đồng chí Lê Đình Tý - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Tây cho biết: Đối với địa bàn nông nghiệp, nông thôn như Hưng Tây, cấp xi măng không những cần cấp đủ mà còn đúng thời điểm là lúc bà con nông dân nhàn rỗi thì việc triển khai nhanh và hiệu quả. Như thời điểm này, nếu có xi măng thì xã sẽ hoàn thành 100% đường giao thông theo chuẩn NTM. Văn phòng điều phối nông thôn mới huyện Hưng Nguyên cho biết: Cùng với vấn đề cấp thiếu xi măng, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tiến độ làm giao thông nông thôn trên địa bàn Hưng Nguyên là xi măng vận chuyển về xã, xóm thường khá chậm hoặc cấp vào mùa mưa nên người dân phải chờ và bảo quản rất khó khăn.
Còn đồng chí Trương Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Diễn Đồng (Diễn Châu) thì cho rằng, chưa khi nào xã đứng trước cơ hội bê tông hóa 100% tuyến đường nông thôn như hiện nay. Người dân sau khi được vận động đã đồng thuận, sẵn sàng đóng góp 1 triệu đồng/khẩu để làm đường. Thực tế xã đăng ký 2.600 tấn xi măng nhưng chỉ được tỉnh giao kế hoạch 1.200 tấn. Với 600 tấn được cấp đợt 1 năm 2015, xã đã tổ chức nhân dân làm 3,8 km và nhiều tuyến đã giải tỏa xong đang chờ xi măng về để làm tiếp. Thế nhưng, vì không có xi măng nên phải dừng lại…
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồ Lâm, Chánh Văn phòng Ban điều phối NTM tỉnh cho biết: Thời gian về đích NTM đang rất gấp rút; các địa phương vừa phải đảm bảo tiến độ các công trình nhưng cũng phải đảm bảo quy trình, thủ tục. Năm 2015, trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp nhưng tỉnh không chỉ cấp xi măng cho các xã về đích mà còn phải phân bổ cho các xã khác. Trước nhu cầu lớn về xi măng của các địa phương, tại phiên họp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh đã có thông báo kết luận khẳng định sẽ cân đối nguồn lực, đảm bảo cấp đủ xi măng theo kế hoạch cho các xã. Bên cạnh đó, trên cơ sở rà soát nhu cầu xi măng của các xã về đích năm 2014, tỉnh sẽ cấp bù cho các huyện tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí. Ông Nguyễn Hồ Lâm cũng thừa nhận: Hiện nhu cầu xi măng của các địa phương khá lớn trong khi ngân sách của tỉnh hạn hẹp nên việc đáp ứng đủ là hết sức khó.
Bên cạnh khó khăn về xi măng, một khó khăn nữa phải quan tâm tháo gỡ là cơ chế để các địa phương khai thác nguồn thu từ quỹ đất. Hiện nay, để khuyến khích các xã về đích NTM, các huyện đều có cơ chế để lại cho xã được hưởng 60% kinh phí đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tạo nguồn đầu tư các công trình NTM tại xã. Nếu làm được, các xã sẽ có nguồn từ 2 đến 10 tỷ đồng để đầu tư xây dựng NTM. Thế nhưng, do suy thoái kinh tế, thị trường đất đai ảm đạm và thủ tục phê duyệt quy hoạch quá phức tạp nên các xã chưa khai thác được nguồn lực này.
Ngoài các khó khăn trên, chúng tôi được biết, một số xã vẫn còn vướng về diện tích khuôn viên nhà văn hóa xóm, trường học hay tỷ lệ sinh con thứ 3 ảnh hưởng đến tiêu chí công nhận Làng văn hóa… Các tiêu chí, điều kiện trên xuất phát từ thực tế, đặc thù, các địa phương đều có hướng đề xuất để cấp trên xem xét có ý kiến. Để đảm bảo chất lượng các tiêu chí theo quy định, nên chăng quá trình xem xét công nhận, một mặt tỉnh cần đánh giá khách quan nhưng đồng thời cũng chú ý đến điều kiện đặc thù từng địa bàn để xem xét theo hướng thực chất, linh động để động viên kịp thời phong trào địa phương trong xây dựng NTM.
Bài, ảnh: Nguyễn Hải