(Baonghean) - Để tạo ra giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh hình thành các cánh đồng mẫu lớn, áp dụng các giải pháp kỹ thuật thì Yên Thành tập trung sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao và đưa một số loại cây trồng có giá trị vào sản xuất tập trung, đồng thời định hướng quy hoạch chăn nuôi hình thành những trang trại tập trung quy mô, đạt chuẩn để tăng cơ cấu giá trị trong nội ngành.
Nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhằm nâng cao giá trị diện tích canh tác, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, Yên Thành đã xây dựng, ban hành thực hiện Đề án “Quy hoạch, bố trí cơ cấu cây trồng, mùa vụ, đảm bảo thâm canh bền vững”. Để triển khai thực hiện đề án có hiệu quả, huyện đã tổ chức rà soát, lập quy hoạch phân vùng sản xuất gắn với từng cây trồng, vật nuôi, đồng thời tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 08- CT/TU chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn, tạo thuận lợi cho cơ giới hóa cũng như đầu tư thâm canh.
Xã Phúc Thành bắt đầu sản xuất lúa giống từ năm 2008, và có hiệu quả, theo đó diện tích trồng lúa giống tăng dần. Vụ đông xuân vừa qua xã có đến 90 ha sản xuất lúa giống bao gồm giống Thiên Ưu 8, nếp 87, Châu Hương và lúa lai F1. Sau dồn điền, đổi thửa thành công, Phúc Thành xây dựng cánh đồng mẫu lớn diện tích 50 ha tại cánh đồng Lốc, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo và cử cán bộ xuống xóm để hướng dẫn cho bà con nông dân về kỹ thuật, phối hợp với doanh nghiệp (Công ty CP VTNN Nghệ An) hỗ trợ 50% giá giống, thuốc BVTV khi có dịch. Đồng chí Nguyễn Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết: Xã sẽ thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, trung gian để giám sát việc thực hiện cam kết của bà con nông dân và doanh nghiệp có hiệu quả hơn.
Không chỉ ở Phúc Thành, mà nhiều xã khác phong trào nông dân sản xuất lúa giống phát triển rầm rộ. Hiện nay, các xã cũng đã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất gần 1.000 ha lúa giống mỗi vụ, chủ yếu trồng tập trung tại các xã Hoa Thành, Thọ Thành, Đô Thành, Hậu Thành, Liên Thành... nhờ đó, đã tạo ra nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, với giá trị gia tăng thu nhập từ 10-15%. Nhờ đó, mà trên địa bàn đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất lúa hàng hóa, xóa bỏ sản xuất lúa xuân sớm, giảm diện tích xuân trung và sản xuất lúa mùa, tập trung thâm canh vụ xuân muộn và hè thu.
Để tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, Yên Thành cũng tích cực xây dựng mô hình đưa một số cây trồng mới vào sản xuất như cam, nấm, hoa, rau xanh... bước đầu khẳng định hiệu quả kinh tế cao. Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, Yên Thành đã tổ chức xây dựng được 160 mô hình các loại, nhiều mô hình cho hiêu quả cao như: mô hình trồng hoa ở Thị trấn, mô hình trồng hành ở Hợp Thành, mô hình cam ở Đồng Thành, Minh Thành, trồng dưa chuột ở Minh Thành, mô hình trồng lúa lai F1 LC 25 ở Phúc Thành, mô hình sản xuất ngô nếp ở Mỹ Thành...
Các mô hình huyện cũng chỉ đạo chặt chẽ việc áp dụng giải pháp kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP nên đảm bảo yêu cầu, hiệu quả. Đặc biệt, để tăng hiệu quả, nâng cao tính bền vững của sản xuất nông nghiệp, huyện cũng triệt để áp dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học với một loạt các đề tài khoa học được khảo nghiệm thành công và vận dụng có hiệu quả trong thực tiễn như: Giải pháp canh tác bền vững trên đất trồng sắn nguyên liệu đã được nhân rộng tại các xã Thịnh Thành, Quang Thành và Tây Thành; Đề tài ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng hiệu quả sử dụng đất ở Công ty Lâm nghiệp Yên Thành đã thực nghiệm trên diện tích 1 ha cây mây nếp với mật độ 16.000 cây/ha, trồng thâm canh măng bát độ mật độ 500 cây/ha, trồng gừng dưới tán cây xoan... Hay mô hình phục hồi giống cam bản địa tại xã Minh Thành với các giải pháp xây dựng vườn ươm sản xuất giống, xây dựng bể ươm cây giống và dàn lưới che...
Nhờ những giải pháp kỹ thuật đồng bộ, tổng thể trong sản xuất nông nghiệp mang tính chất đột phá không những ổn định lương thực đối với cây lúa, tạo ra một sản lượng lúa chất lượng cao, lúa giống hàng hóa lớn mà trên địa bàn đã hình thành được các vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến như: vùng nguyên liệu sắn 1.500 ha, mía nguyên liệu 300 ha và chuối 50 ha. Một điều đáng quan tâm khác nữa là cùng với chuyển đổi ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn đã kích thích quá trình đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp: Đó là đến nay Yên Thành đã có hơn 1.000 máy làm đất, 18 máy gặt đập liên hợp, tỷ lệ cơ giới hóa đối với công đoạn làm đất đạt đến trên 80%, gặt đập tại ruộng trên 60%... góp phần giải quyết nhanh thời vụ và tăng năng suất lao động.
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo đẩy mạnh với các giải pháp quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, vừa đảm bảo môi trường, theo hướng tập trung quy mô trang trại, gia trại, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới. Đó là những giải pháp sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn, đàn gia cầm siêu thịt, siêu trứng... Nhờ đó, mà Yên Thành đã hình thành được nhiều mô hình trang trại, gia trại tập trung có hiệu quả. Theo thống kê trên địa bàn đã có 60 trang trại, hơn 300 gia trại chăn nuôi, các trang trại, gia trại cơ bản đã áp dụng các giải pháp tiếp bộ KHKT trong sản xuất nên đảm bảo yếu tố bền vững và cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Như trang trại chăn nuôi lợn giống và lợn thịt của anh Nguyễn Đình Hoài, xóm Tân Mỹ, xã Mỹ Thành trên vùng đất Thủy Bàu rộng 3 ha, anh Hoài đã quy hoạch hệ thống chuồng trại một cách bài bản theo quy trình kỹ thuật nuôi đến hơn 100 con lợn nái giống, và chăn nuôi hàng trăm con lợn thịt cho doanh thu mỗi năm trên 3 tỷ đồng.
Có thể nói, với những kết quả đạt được trên lĩnh vực nông nghiệp nói chung đã tạo cho huyện lúa những cơ sở để tiếp tục tăng giá trị trên đơn vị sản xuất, khẳng định vị trí quan trọng đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế. Mục tiêu đặt ra trên lĩnh vực này giai đoạn 2015-2020 đạt tốc độ tăng trưởng 5-6%, tổng giá trị sản xuất của ngành đạt 4.191 tỷ đồng, trên cơ sở huyện duy trì ổn định diện tích đất trồng lúa 12.500 ha (trong đó có 4.500 - 6000 ha lúa chất lượng cao) đảm bảo sản lượng 160.000 tấn; mở rộng thêm 20 ha trồng cam, đưa diện tích cam ở Đồng Thành và vùng lân cận lên 70 ha, ổn định 1.500 ha sắn; 280 ha mía. Bên cạnh đó sẽ tập trung đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng ổn định tổng đàn, tăng chất lượng, hệ số chu chuyển; nâng tỷ trọng chăn nuôi đạt 47% giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp. Đồng chí Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng NN&PTTN huyện cho biết: Yên Thành tiếp tục phát huy lợi thế sau dồn điền, đổi thửa, vận động nhân dân tích tụ ruộng đất đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chuyển mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đồng thời tiến hành khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả kinh tế, đưa giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt tạo thương hiệu sản phẩm.
Bài, ảnh: Hồng Sơn