(Baonghean) - Là địa phương có xã đầu tiên về đích nông thôn mới (NTM) và có nhiều xã được công nhận đạt chuẩn nhất, huyện Yên Thành trở thành điểm sáng của tỉnh về công tác này; đây cũng được coi là điểm nhấn, là thành công của huyện trong nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Sáng tạo và quyết liệt
Khi mới triển khai xây dựng chương trình NTM, Nam Thành vấp phải khó khăn về tư tưởng, sự đồng thuận trong nhân dân. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiểu về tầm quan trọng của xây dựng NTM, vai trò chủ thể của mỗi gia đình, mỗi người dân trực tiếp làm và hưởng lợi được đặt lên hàng đầu. Cùng với đó phát huy quy chế dân chủ, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và dân hưởng thụ” trong xây dựng NTM. Cách làm ở Nam Thành là lựa chọn việc, chọn điểm để tập trung triển khai nhằm tạo đà, động lực. Việc đầu tiên là dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất. Từ ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ, sau chuyển đổi, toàn xã đã rút xuống còn 1.265 thửa/1.407 hộ, có 2 – 3 hộ nhận 1 thửa. Gắn với đó chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích. Nổi bật nhất là mô hình trồng rau cao cấp, gồm su hào, bắp cải, dưa hấu, cà rốt..., cho thu nhập 200 triệu đồng/ha.
Thông qua chuyển đổi, một số diện tích công ích được tích tụ để đấu thầu làm trang trại, gia trại. Hiện tại xã có 13 trang trại, gia trại lợn, vịt, cá, bình quân mỗi trang trại có tổng số thu khoảng 400 triệu đồng/năm. Tiếp đó là giao thông, với cách chỉ đạo “cuốn chiếu” từ vùng sâu lên vùng cao. Đồng chí Phan Thế Trung – Bí thư Đảng ủy xã, khẳng định: Cách làm này vừa tập trung sự lãnh đạo, vừa tập trung nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt là tạo phong trào, khí thế thi đua rầm rộ giữa các khu dân cư. Bên cạnh đó, hệ thống trường học, trên địa bàn được ưu tiên chú trọng. Hiện nay Nam Thành là địa phương có 3 trường học đều đạt chuẩn quốc gia; xã đạt chuẩn quốc gia về y tế... Đến cuối năm 2014 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM”.
Tương tự ở xã Bắc Thành, việc thực hiện chương trình xây dựng NTM cũng được thực hiện từng bước vững chắc. Xã đã lựa chọn từng tiêu chí để thực hiện, đặc biệt là các tiêu chí phục vụ lợi ích sát sườn của nhân dân làm trước. Cụ thể, ở Bắc Thành, tiêu chí được tập trung đầu tiên là nâng cao thu nhập cho người dân thông qua thực hiện dồn điền, đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa một số mô hình kinh tế có năng suất và giá trị vào sản xuất.
Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng lên nhanh, đạt 26,7 triệu đồng/năm, vượt 10,4% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2010 – 2015 đề ra; tỷ lệ hộ nghèo theo đó giảm còn 4,5%... Tiếp đó là các tiêu chí được ưu tiên theo thứ tự là hạ tầng giao thông, cơ sở văn hóa... Trong 4 năm, địa phương đã huy động 167,5 tỷ đồng để làm 5,6 km đường bê tông, xây dựng 3 phòng học tại trường tiểu học, 4 phòng chức năng tại trường trung học cơ sở và hàng trăm cầu, cống giao thông nội đồng, nhà văn hóa... Với cách làm đó, Bắc Thành lần lượt hoàn thành từng tiêu chí NTM một cách vững chắc. Đến thời điểm này, xã đã đạt 16 tiêu chí, còn lại 3 tiêu chí cũng gần đạt, phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2015 này.
Thành quả của ý Đảng, lòng dân
Để tạo sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất, tập trung cao trong xây dựng NTM, Huyện ủy Yên Thành đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 01/NQ-HU, ngày 16/12/2010 về thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên điạ bàn huyện. Theo đó, 38 xã (trừ thị trấn) cũng ban hành nghị quyết chuyên đề; thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM, Ban quản lý phát triển nông thôn từ huyện đến xã với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, mỗi ngành, mỗi tổ chức chính trị đều xác định rõ từng nội dung, phần việc, chương trình cụ thể theo từng tiêu chí thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
Đồng chí Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, cho rằng: Trên cơ sở rà soát chính xác thực trạng tình hình thực tế ở các địa phương, huyện đã xây dựng kế hoạch, lộ trình, xác định các xã điểm chỉ đạo. Các xã dựa vào đó xây dựng đề án đúng với nội lực và thực tế của địa phương theo phương châm chỉ đạo của huyện “dễ làm trước, khó làm sau”. Và mỗi năm, huyện đều lựa chọn nội dung, tiêu chí để làm khâu đột phá như năm 2011 tập trung xây dựng quy hoạch, đề án, tuyên truyền, nâng cao nhận thức; năm 2012 tập trung chỉ đạo đào tạo nghề, phát triển sản xuất, mở rộng các mô hình kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập; năm 2013 tâp trung chuyển đổi ruộng đất, gắn với chỉnh trang giao thông, kênh mương nội đồng; năm 2014 tập trung giải tỏa, mở rộng đường GTNT, vệ sinh môi trường, nước sạch sinh hoạt. Hàng năm, trên cơ sở đăng ký về đích NTM của các xã, huyện ưu tiên lồng ghép các nguồn lực đầu tư để tập trung hoàn thành các tiêu chí đòi hỏi có nguồn lực lớn cùng với sự đóng góp của nhân dân. Đến thời điểm này, đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 5 xã so với chỉ tiêu đại hội nhiệm kỳ 2010 – 2015 đề ra; 11 xã đạt 14 - 17 tiêu chí; 14 xã đạt 8 - 13 tiêu chí.
Bây giờ về Yên Thành, đến các xã được công nhận đạt chuẩn NTM như Nam Thành, Phúc Thành, Sơn Thành,... cảnh quan nông thôn thật đẹp với đường đi lối lại rộng rãi, sạch sẽ; ruộng đồng được chỉnh trang; hệ thống trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng, nâng cấp khang trang... Có được kết quả này bởi trên cơ sở xác định, xây dựng NTM là chương trình phát triển nông thôn toàn diện, bền vững, quá trình triển khai thực hiện, Yên Thành đã lựa chọn 5 khâu đột phá. Đó là nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông nông thôn hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng đồng ruộng đạt yêu cầu đưa cơ giới đến tận thửa và đủ điều kiện áp dụng tưới tiêu khoa học; tổ chức lại sản xuất để không ngừng nâng cao thu nhập cho người nông dân; xây dựng giải pháp đạt chuẩn hoá về giáo dục, y tế, thiết chế văn hoá – thông tin – thể thao bền vững; chú trọng đào tạo nghề cho nông dân dưới 50 tuổi.
Nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân, doanh nghiệp huy động vốn đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cũng được Yên Thành chăm lo. Trong nông nghiệp có nhiều điểm sáng, cách làm mới với thành quả nổi trội như mô hình cam Đồng Thành, mô hình sản xuất nấm, lúa thảo dược, các giống lúa chất lượng cao. Chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tăng nhanh. Thu hút được một số dự án như Nhà máy may Nhật Bản, nhà máy gạch tuynel, đền chùa Gám... Nhờ đó, thu nhập của người dân không ngừng tăng, bình quân đạt 26,075 triệu đồng/người/năm, gấp 2,2 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,5%.
Xác định xây dựng NTM là một chương trình phát triển nông thôn toàn diện, bền vững với mục đích nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân, vì vậy, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Yên Thành tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2019 đạt huyện nông thôn mới, đồng thời tăng cường củng cố hoàn thiện các tiêu chí để đạt chuẩn bền vững ở các xã về đích sớm.
Mai Hoa