(Baonghean) - Bám sát các nghị quyết của Đảng và yêu cầu thực tiễn, nhiệm kỳ 2010 - 2015, ngành Tổ chức Xây dựng Đảng Nghệ An đã chủ động tham mưu, đổi mới toàn diện cả về tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đội ngũ đảng viên và tăng cường bảo vệ Đảng. Trong thực hiện nhiệm vụ, vai trò của tổ chức xây dựng Đảng ngày càng được khẳng định rõ nét, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
 
Củng cố về tổ chức
 
Củng cố, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảm bảo vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo toàn diện các mặt ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Xác định rõ vấn đề đó, nhiệm kỳ 2010 – 2015, công tác tổ chức Đảng được chú trọng đúng mức. 
 
images1156919_mh1.jpgLãnh đạo tỉnh và huyện Quế Phong thăm hỏi đời sống người dân TĐC ở xã Đồng Văn (Quế Phong). Ảnh: X.H
 
Theo đồng chí Đậu Văn Thanh - Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2010 - 2015, ngành Tổ chức Xây dựng Đảng Nghệ An đã bám sát nghị quyết Đại hội Đảng, tập trung tham mưu sắp xếp tổ chức cơ sở đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng quy chế, chương trình công tác; tham mưu chủ trương, giải pháp củng cố nâng cao chất lượng tổ chức đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, tăng cường quản lý, giáo dục rèn luyện và phát triển đảng viên; chăm lo bảo vệ chính trị nội bộ. Nổi bật là đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 2391-ĐA/TU ngày 30/5/2012 về “sắp xếp tổ chức cơ sở đảng”. Kết quả qua 2 đợt sắp xếp, sáp nhập đã thực hiện chuyển giao 69 tổ chức đảng và 1.500 đảng viên về các đảng bộ cấp huyện và ngành để đảm bảo phù hợp, hiệu quả trong hoạt động ở từng tổ chức đảng.
 
Cùng với đó, ngành tổ chức hội nghị đánh giá thực tiễn hoạt động các mô hình “Đảng bộ cơ quan Đảng – đoàn thể cấp huyện”; “Chi bộ cơ quan phường, xã, thị trấn”, “Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn”. Trên cơ sở đó tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ đạo các địa phương giải thể chi bộ cơ quan cấp xã, đồng thời chia tách đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể cấp huyện thành 2 đảng bộ để hoạt động phù hợp với thực tiễn; đối với những nơi có điều kiện thuận lợi thì tiếp tục thực hiện mô hình “Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã”. Theo đó, việc bố trí sắp xếp tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) ở các huyện, thành, thị từng bước hợp lý hơn, tạo được sự đồng nhất trong lãnh đạo, tăng hiệu lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ; kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đảng viên trong các loại hình TCCSĐ. 
 
Gắn với sắp xếp, kiện toàn, công tác phát triển tổ chức đảng ở các loại hình được quan tâm, Đề án “Phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2014 - 2020” được ban hành đã tạo ra bước đột phá trong công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp, góp phần khẳng định vai trò lãnh đạo, định hướng của Đảng trong các doanh nghiệp. Cùng với đó, Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp tiếp tục chỉ đạo phát triển tổ chức đảng, đảng viên ở những vùng khó khăn bằng các giải pháp như phân công, tăng cường đảng viên về thành lập các chi bộ hoặc bố trí sinh hoạt ghép. Nhờ đó, số xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên giảm, hiện chỉ còn 26 xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên (giảm 72 xóm, bản so với năm 2011). Tính đến ngày 30/12/2014, toàn tỉnh Nghệ An có 29 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy (21 huyện, thành, thị ủy, 6 đảng bộ cấp trên cơ sở, 2 đảng bộ cơ sở); 1.616 TCCSĐ; 10.013 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với 117.882 đảng viên.
 
Công tác xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cũng được cấp ủy các cấp tập trung; coi đây là “xương sống” khẳng định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng. Trên cơ sở Nghị quyết số 09/NQ-TU, ngày 13/3/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2011 - 2015”, cấp ủy các cấp đã xây dựng và ban hành nghị quyết, đề án, kế hoạch ở cấp mình với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai. Đối với huyện Yên Thành, trước khi Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy ra đời, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-HU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, chất lượng cán bộ, đảng viên”; Đề án 03/ĐU-HU về “Nâng cao chất lượng TCCSĐ và chi bộ trực thuộc Huyện ủy”.
 
Sau khi có Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy, Huyện ủy ban hành Kế hoạch và 14 văn bản liên quan để triển khai thực hiện nghị quyết có hiệu quả. Theo đó, Huyện ủy đã kiểm tra, rà soát chất lượng hoạt động ở một số TCCSĐ, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở để rút kinh nghiệm. Qua đó cụ thể hóa và tập trung chỉ đạo các TCCSĐ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; đổi mới, nâng cao chất lượng lãnh đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ chính trị theo đặc thù từng loại hình TCCSĐ xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, sự nghiệp, công an, quân sự... Gắn với đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nghiêm túc đánh giá, xếp loại TCCSĐ và đảng viên ngày càng thực chất, từng bước khắc phục “bệnh thành tích” trong kiểm điểm, đánh giá.
 
Còn ở nhiều địa phương như Tương Dương, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Thanh Chương, Thị xã Cửa Lò..., thực hiện đổi mới công tác tổ chức đảng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Mỗi cấp ủy đều xây dựng quy chế làm việc toàn khóa và cho từng năm của cấp ủy, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, phân vai, phân việc cụ thể cho từng đồng chí Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Tăng cường chỉ đạo, hướng mạnh cơ sở với phương châm “sâu sát, cụ thể”, quy định cán bộ dành 1/3 đi cơ sở, thành lập các đoàn chỉ đạo cơ sở, các đồng chí cán bộ lãnh đạo, cấp ủy viên được phân công phụ trách lĩnh vực tham dự các cuộc họp và dự sinh hoạt chi bộ ở đơn vị mình phụ trách. Thông qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, cũng như những vấn đề mâu thuẫn, bức xúc phát sinh. Khắc phục tình trạng cấp ủy cấp trên chỉ chờ cấp dưới báo cáo hàng tháng quý bằng văn bản như trước đây. 
 
Rõ ràng, thông qua việc sắp xếp, sáp nhập, phát triển tổ chức Đảng và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng các cấp được nâng lên, góp phần lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị ở mỗi cấp, mỗi ngành, cơ quan, đơn vị , doanh nghiệp, góp phần vào thành tích chung của tỉnh; củng cố và xây dựng Đảng bộ tỉnh Nghệ An vững mạnh.
 
Đổi mới công tác cán bộ
 
Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã cử 722 cán bộ tham gia học cao cấp chính trị; 4.346 cán bộ học trung cấp chính trị. Toàn tỉnh cũng đã mở 180 lớp với 23.090 lượt cán bộ, công chức tham gia bồi dưỡng và hàng trăm cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Trung ương mở và học tập ở nước ngoài. Nhờ vậy, trình độ chuyên môn và chính trị của đội ngũ cán bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở được nâng lên rõ rệt. Công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, kiện toàn cán bộ được thực hiện mạnh mẽ ở các cấp. Đặc biệt đã có những giải pháp xử lý, khắc phục tiêu cực trong công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ như thực hiện giới thiệu nhân sự có số dư; ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số.
 
Riêng năm 2014, tỉnh đã thực hiện quy trình bổ sung 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh, 3 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 5 đồng chí Tỉnh ủy viên; bổ sung 34 cấp ủy viên và 23 Thường vụ cấp ủy cấp huyện; đề bạt, bổ nhiệm lại 87 đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; thực hiện luân chuyển 13 lãnh đạo các ngành về làm bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp huyện; 7 đồng chí chủ trì huyện về làm giám đốc, phó giám đốc sở, ngành... Nhờ đó, bộ máy các cấp tiếp tục kiện toàn, đổi mới cả về tổ chức, cán bộ; chất lượng hệ thống chính trị chuyển biến theo chiều hướng tích cực; đoàn kết nội bộ được củng cố; dân chủ cơ sở được chăm lo; cải cách hành chính, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ có nhiều tiến bộ. 
 
Ở các cấp ủy, công tác đào tạo, luân chuyển, điều động và đề bạt, bổ nhiệm được tiến hành dân chủ, khách quan. Đối với huyện Nam Đàn đã mạnh dạn đề bạt nhiều cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực vào các vị trí quan trọng. Riêng năm 2014, huyện tiến hành thực hiện quy trình bổ sung chức vụ 1 Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; 2 Phó chủ tịch UBND huyện; bổ sung 1 Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy. Đồng thời tổ chức bổ nhiệm lại 7 chức danh trưởng, phó ban, phòng cấp huyện; luân chuyển 2 cán bộ lãnh đạo cấp huyện về làm Bí thư Đảng ủy xã Nam Cường và Nam Anh....
 
Ở huyện Quỳnh Lưu, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm. Thông qua đào tào, bồi dưỡng, trình độ, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ được nâng lên, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trình độ cán bộ cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể cấp huyện có 98% có trình độ đại học và trên đại học; 54% có trình độ cử nhân, cao cấp và trung cấp chính trị. Ở cấp xã có 96,5% cán bộ, công chức đạt trình độ đại học và trung cấp chuyên môn; 47,1% có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Trong nhiệm kỳ đã điều động, luân chuyển 22 đồng chí, trong đó có 3 đồng chí từ huyện về cơ sở, 9 đồng chí từ cơ sở về huyện.  
 
Nhờ làm đúng quy trình, quy định, đặc biệt khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác cán bộ thông qua kiểm điểm theo tinh thần Trung ương 4 nên công tác cán bộ đã tạo ra sự nhất trí cao trong Đảng, hệ thống chính trị; khối đoàn kết, dân chủ trong Đảng được phát huy, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh. Ban Tổ chức cấp ủy các cấp cũng đã tham mưu, chỉ đạo công tác đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, trong đó thực hiện tốt công tác rà soát quy hoạch cán bộ, công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020. 
 
Chăm lo phát triển đảng viên
 
Thực tiễn xu hướng “già hóa” trong các TCCSĐ, nhất là ở các chi bộ ngày càng rõ nét. Mặt khác, sự hụt hẫng trong đội ngũ cán bộ cơ sở, đó là tỷ lệ trẻ hóa thấp, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ở một số tổ chức đảng giảm sút… Theo đó, công tác phát triển đảng viên được cấp ủy các cấp xác định là một trong các nhiệm vụ quan trọng tạo nên sự kế thừa, phát huy những giá trị của TCCSĐ. Đồng chí Trần Đình Loan, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương, chia sẻ: Huyện Thanh Chương có 85 TCCSĐ và 771 chi bộ. Trước thực tế các TCCSĐ gặp khó khăn trong công tác phát triển đảng viên, BCH Đảng bộ huyện Thanh Chương đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-HU, ngày 28/6/2012 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, giai đoạn 2012 - 2015 và những năm tiếp theo”.
 
Theo đó, chỉ tiêu được đưa ra, phấn đấu mỗi năm kết nạp được 300 - 350 đảng viên; đồng thời chủ trương đưa nội dung phát triển đảng viên mới vào nội dung công tác thường xuyên của cấp ủy, coi nhiệm vụ công tác phát triển đảng viên mới là trách nhiệm trước hết của các chi bộ. Lực lượng để bồi dưỡng kết nạp không chỉ “nhìn” vào  lứa tuổi 18 - 25 mà mở rộng ở cả lứa tuổi 30 - 45, đảm bảo đáp ứng điều kiện theo Điều lệ Đảng quy định và tự nguyện phấn đấu vào Đảng của mỗi cá nhân. Huyện ủy cũng đã đổi mới việc tổ chức các lớp đối tượng đảng cho từng nhóm đối tượng, từ đó tạo ra động lực thi đua, phấn đấu vào Đảng. Vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đến nay, Thanh Chương kết nạp được bình quân 285 - 310 đảng viên/năm. Riêng năm 2014, toàn huyện đã kết nạp được 324 đảng viên mới, đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra.
Tạo tạo điều kiện để đoàn viên thanh niên rèn luyện và trưởng thành, từ đó tạo nguồn phát triển đảng. Trong ảnh: Đoàn viên, thanh niên huyện Thanh Chương tham gia bảo vệ môi trường
 
Đối với Đảng bộ huyện Tương Dương, công tác phát triển đảng viên được triển khai thực hiện bằng các giải pháp cụ thể. Huyện ủy chủ trương giao công tác phát triển Đảng cho các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ xã để từ đó có trách nhiệm trong việc phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới và chỉ tiêu được đưa ra, hàng năm mỗi đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ xã phải có trách nhiệm bồi dưỡng được 1 quần chúng ưu tú và mỗi chi bộ phải kết nạp được 1 đảng viên mới. Song song với đó, Huyện ủy cũng đã chú trọng xây dựng các chi bộ nông thôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ trẻ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số có triển vọng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vừa tạo sự lan tỏa sâu rộng trong quần chúng, vừa là điển hình cho thanh niên các địa phương phấn đấu vươn lên.
 
Cùng với những giải pháp đó, huyện đẩy mạnh công tác phối hợp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, các tệ nạn và tiêu cực xã hội, nhằm tạo môi trường xã hội lành mạnh, từ đó góp phần xây dựng những nhân tố tích cực, tạo nguồn phát triển đảng viên. Nhờ đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện Tương Dương đã kết nạp được 1.251 đảng viên/1.000 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 - 2015, vượt 25% kế hoạch.  
 
Kết quả công tác phát triển đảng viên  toàn tỉnh từ năm 2010 đến nay là 28.410 đảng viên, riêng năm 2014 đạt cao nhất so với các năm trước đó với 6.379 đảng viên. Đặc biệt cơ cấu đảng viên mới kết nạp đã chuyển dịch với tỷ lệ nữ tăng; tuổi bình quân giảm; trình độ văn hóa tăng, trong đó trình độ đại học, trên đại học chiếm 40%, tăng 17,6% so với nhiệm kỳ trước, góp phần nâng cao chất lượng đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. 
 
Xây dựng tổ chức đảng, đảng viên trong sạch, vững mạnh là điểm tựa quan trọng để nâng cao chất lượng hệ thống chính trị các cấp, đảm bảo nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện. Đặc biệt, để thực hiện tốt Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về Nghệ An, xây dựng Nghệ An trở thành Trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, phát triển khá nhất của miền Bắc và thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, đòi hỏi cần phải có sự đột phá trong công tác tổ chức, cán bộ. Nhiệm vụ này đặt ra đối với tất cả tổ chức đảng các cấp dưới sự giám sát của nhân dân để xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trách nhiệm, tâm huyết, góp sức xây dựng Đảng bộ Nghệ An vững mạnh.
 
 
Mai Hoa