Ngày 29/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự diễn đàn Trung Quốc-châu Phi và cam kết cung cấp 1 tỷ liều vaccine cho khu vực, trong bối cảnh các nước đang lo ngại về sự xuất hiện của biến thể Omicron mà các nhà khoa học Nam Phi phát hiện trước đó vài ngày.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cam kết hỗ trợ 40 tỷ USD cho các nước châu Phi. Tuy nhiên, con số này giảm đáng kể so với mức 60 tỷ USD đã hứa hẹn tại 2 hội nghị thượng đỉnh trước đó.
Các nhà phân tích cho rằng, sự thay đổi trong cách tiếp cận cho thấy Trung Quốc đang suy nghĩ lại về chiến lược tổng thể tại châu Phi ở thời điểm xảy ra tình huống khẩn cấp về y tế cũng như cạnh tranh quyền lực lớn trong khu vực.Theo ông Carlos Lopes tại Đại học Cape Town, sự thận trọng một phần xuất phát từ những cáo buộc của phương Tây cho rằng Trung Quốc đang tạo “bẫy nợ” và lợi dụng người châu Phi để khai thác tài nguyên thiên nhiên và xuất khẩu hàng hóa giá rẻ.
“Bắc Kinh nhạy cảm với những chỉ trích như vậy và đang phản ứng lại bằng cách sử dụng mọi công cụ có thể để xóa tan định kiến đó. Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi của Trung Quốc trong cách tiếp cận đối với châu Phi, rõ ràng là thận trọng hơn, sử dụng các điều kiện mềm và tạo ra các công cụ mới để kiểm soát dòng chảy chặt chẽ hơn”, ông Lopes nói.
Mục đích của Trung Quốc
1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 mà Trung Quốc cam kết bao gồm 600 triệu liều tài trợ và 400 triệu liều được sản xuất tại châu Phi. Ông Tập Cận Bình cũng cho biết Trung Quốc sẽ cử 1.500 chuyên gia y tế đến châu Phi để hỗ trợ.
Tuyên bố của ông Tập được đưa ra vào thời điểm chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc đang bị theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên, ông Carlos Oya, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-châu Phi tại Đại học London, nói rằng nếu việc mở rộng tiêm chủng ở châu Phi thực sự góp phần vào việc chấm dứt đại dịch trên toàn thế giới, đây có thể là một thành tựu quan trọng.
“Điều đó có thể tạo nên câu chuyện rằng Trung Quốc đã góp phần chấm dứt đại dịch bên ngoài ngoài biên giới nước này”, ông Oya nói.
Ông Chris Alden, Giám đốc tổ chức nghiên cứu LSE Ideas, cho rằng với cam kết 1 tỷ liều vaccine cho châu Phi, Trung Quốc hy vọng có thể chiếm được vị trí quan trọng về mặt đạo đức bằng cách giải quyết cuộc khủng hoảng xảy ra ở khu vực đang phát triển, đồng thời đóng góp vào việc thúc đẩy năng lực sản xuất và cung ứng vaccine trên khắp khu vực châu Phi.
“Thiện chí toàn cầu này cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội thị trường hơn cho dược phẩm Trung Quốc theo tinh thần của câu châm ngôn ‘vừa làm việc tốt, vừa được tiếng thơm’”, ông Alden nói.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc tập trung vào ngoại giao vaccine ở châu Phi không phải mới. Cuối tháng 2/2021, Trung Quốc cam kết cung cấp vaccine cho 19 quốc gia châu Phi. Cho đến nay, 46 quốc gia châu Phi đã nhận vaccine từ Trung Quốc. Trong số 155 triệu liều cam kết cho châu Phi cho đến nay, Trung Quốc đã giao 107 triệu liều, trong đó chỉ có 16 triệu liều là viện trợ, theo Bridge Beijing, một công ty chuyên theo dõi vaccine ngừa Covid-19.
“Tình huống khẩn cấp không thể chờ đợi”
Sự bùng phát biến thể Omicron - được các nhà khoa học Nam Phi phát hiện đầu tiên và cảnh báo với thế giới, đã làm nổi bật rõ rệt khoảng cách trong tỷ lệ tiêm chủng. Cho tới nay, mới chỉ khoảng 11% người dân châu Phi đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong khi chỉ 7% được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó, gần 32% số người từ 12 tuổi trở lên tại Vương quốc Anh đã tiêm mũi tăng cường.
“Có rất nhiều lời hứa hẹn từ các nhà lãnh đạo thế giới, nhưng việc cung cấp vaccine thực tế đã không đáp ứng được những lời hứa mà họ đưa ra”, Giáo sư Joel Negin, người đứng đầu Trường y tế công cộng thuộc Đại học Sydney nói.
Chính phủ các nước cam kết phân phối 5,59 tỷ liều thông qua cơ chế COVAX, nhưng cho tới nay mới chỉ có 585 triệu liều được bàn giao. Giáo sư Negin cho biết Australia đã cam kết cung cấp khoảng 60 triệu liều cho các quốc gia khác, nhưng mới chỉ giao khoảng 9 triệu.
“Điều mà chúng ta đang thấy là tình huống khẩn cấp không thể chờ đợi thêm được nữa”, Giáo sư Negin nói.
Các cơ quan y tế và các chuyên gia từ lâu đã cảnh báo rằng, việc các nước đang phát triển không được tiêm vaccine có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến thể mới đe dọa toàn thế giới.
Việc phân phối vaccine không đồng đều đã khiến các nước có thu nhập thấp như châu Phi hầu như chưa được tiêm chủng trong khi các nước giàu đã bắt đầu triển khai các mũi tiêm nhắc lại. Một phân tích gần đây cho thấy hơn 70% người dân ở các nước thu nhập cao đã được tiêm phòng đầy đủ, trong khi tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp chỉ là 2,5%.
Giáo sư Negin cho biết, có một số lý do dẫn đến sự khác biệt, bao gồm cả việc thiếu năng lực sản xuất vaccine bên ngoài một số quốc gia nhất định.
“2 năm qua, lẽ ra chúng ta phải thiết lập hệ thống và đầu tư vào năng lực sản xuất ở Đông Nam Á, miền Nam châu Phi, để sản xuất vaccine mRNA. Không thể hoàn thành trong một sớm một chiều nhưng chúng ta phải bắt đầu thiết lập những khả năng đó”, ông Negin nói.
Ông cho biết thêm, sự chậm trễ này một phần là do các nước từ chối miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine - điều mà Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ và ông Tập cũng đã kêu gọi trong bài phát biểu của mình.
Bà Leah Lynch, Phó Giám đốc Development Reimagined - một công ty tư vấn phát triển quốc tế do châu Phi đứng đầu, cho biết, mặc dù Trung Quốc cung cấp ít vaccine cho châu Phi hơn so với những nơi khác, nhưng họ đã cam kết nhiều hơn so với hầu hết các nhà tài trợ song phương và sáng kiến COVAX.
Theo bà, điểm đáng chú ý trong cam kết 1 tỷ liều vaccine của ông Tập Cận Bình không phải là 600 triệu liều vaccine cung ứng cho châu Phi mà ở 400 triệu liều từ việc hợp tác sản xuất.
“Đây là một sáng kiến dựa trên nhu cầu của châu Phi. Họ muốn có thể tự mình sản xuất vaccine. Điểm mấu chốt chính là khả năng tự cung tự cấp của khu vực”, bà Lynch nói.
Ai Cập đã đạt được thỏa thuận sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của Sinovac, trong khi Senegal sẽ sản xuất vaccine của Sinopharm. 14 công ty dược phẩm của Trung Quốc cũng tham gia sản xuất hoặc đầu tư ở châu Phi, bà Lynch cho biết./.