Ngày 24/3/1956, Bộ trưởng Bộ Nông - Lâm Nghiêm Xuân Yêm ký quyết định thành lập hai Nông trường Đông Hiếu và Nông trường Tây Hiếu, lấy sông Hiếu làm ranh giới. Từ khi mới ra đời, Nông trường Đông Hiếu nỗ lực thực hiện kế hoạch 3 năm (1958 - 1960), phát huy tối đa nội lực và tranh thủ giúp đỡ của Liên Xô về chuyên gia, kỹ thuật, cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ. Nông trường phát động phong trào thi đua, phát huy sáng kiến cải tiến công cụ. Qua các phong trào thi đua, làm xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến như chị Đậu Thị Hạnh (kiện tướng bứng cà phê), anh Hồ Công Y (kiện tướng trồng thuốc lá),…
Đến cuối năm 1961, Nông trường Đông Hiếu nổi lên như một điển hình toàn diện của ngành nông trường cả nước. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm, động viên cổ vũ, như đồng chí Hoàng Quốc Việt (Chủ tịch Tổng Công đoàn), Nguyễn Côn (Ủy viên BCH Trung ương Đảng)… và một số đoàn khách nước ngoài đến trao đổi, học tập kinh nghiệm như Mông Cổ, Nhật Bản,… Đặc biệt nhất là Nông trường vinh dự đón Bác Hồ về thăm ngày 10/12/1961.
Khoảng 9 giờ sáng hôm đó, một chiếc trực thăng bay đến, hạ cánh xuống sân vận động ở phía Đông của Nông trường Đông Hiếu. Bác Hồ từ máy bay bước ra với bộ quần áo kaki giản dị đã bạc màu năm tháng. Bác đội mũ trắng vành tròn, chân mang tất trắng trong đôi dép cao su vừa đi vừa vẩy cánh tay phải chào đồng bào, khuôn mặt nở nụ cười tươi rạng rỡ. Sau khi đón nhận những bó hoa tươi thắm từ các cháu thiếu nhi kính tặng, Bác quay sang hỏi đồng chí Mạnh: Chú là Quản đốc Nông trường à? Đồng chí Mạnh trả lời: Dạ, cháu là Giám đốc ạ. Bác liền chữa lại: Quản đốc chứ! Chú Mạnh cảm thấy trong lòng mình hơi ngượng nghịu.
Để đón Bác từ nơi máy bay hạ cánh về khán đài ở sân vận động trung tâm nói chuyện, một chiếc xe Von-ga của tỉnh đã chờ sẵn, nhưng Bác lại đi chiếc xe GAT- 69 biển số BAA827 của Nông trường đã cũ kỹ, mui trần do đồng chí Hoàng Vĩnh Khanh (người Nam bộ) lái. Tranh thủ thời gian ngồi trong xe, Bác hỏi đồng chí Mạnh rất nhiều vấn đề về Nông trường như: diện tích, về sản xuất, Nông trường có trồng lúa không? số lượng công nhân? Nông trường này trước là đồn điền của Pháp nên số công nhân cũ có nhiều không... Khi xe đi qua bệnh xá của Nông trường, Bác liền hỏi chú Mạnh: Khu vực này là cơ quan của chú phải không? Dạ, đây là bệnh xá. Bác liền chữa lại: Nên gọi là nhà thương!
Đoàn xe đến sân vận động trung tâm, mọi người cứ tưởng là Bác Hồ ngồi trong chiếc xe Von-ga đi trước mà không ngờ Bác ngồi trong chiếc xe GAT 69. Xe vào đến cột điện ở một góc sân vận động, Bác ngồi trên xe nhìn thấy dòng khẩu hiệu ghi trên băng rôn: “Nhiệt liệt hưởng ứng chiến dịch Lam Trà nổi sóng” (chiến dịch do Đảng bộ Nghệ An phát động) nhưng do cắt chữ không có dấu nên Bác yêu cầu chú Mạnh đọc cho Bác nghe, rồi Bác nhắc nhở: Phải viết chữ có dấu để nhân dân dễ hiểu và kẻ xấu không lợi dụng xuyên tạc được.
Bước lên khán đài, Bác cầm cái mũ trắng vẫy chào đồng bào vừa ra hiệu cho mọi người ngồi xuống nghe Bác nói chuyện. Buổi nói chuyện bắt đầu với câu: “Hôm nay Bác và các đồng chí Võ Thúc Đồng, Nguyễn Khai thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ về thăm và nói chuyện với các cô, các chú ở Nông trường và đồng bào địa phương”. Bác vừa dứt lời thì cả sân vận động vỗ tay nhiệt liệt một hồi lâu. Bác lại ra hiệu để mọi người yên lặng. Thế rồi Bác nói tiếp: “Nông trường này có tiến bộ khá như tăng diện tích vỡ hoang, tăng năng suất lao động, hạ giá thành… Bác vui lòng khen ngợi các cán bộ và công nhân nông trường. Có tiến bộ khá nhưng chưa tốt 100%… Bác khen là để khuyến khích chứ không phải khen để các cô, các chú tự mãn với thành tích, không vươn lên nữa…”.
Tiếp đó, Bác căn dặn Nông trường cần chú ý đẩy mạnh việc cải tiến kỹ thuật toàn diện hơn nữa; phải thi đua liên tục và rộng rãi hơn nữa; phải chú ý toàn diện trong trồng trọt; biến nông trường vừa là xí nghiệp, vừa nông nghiệp… Bác cũng dặn: “Muốn làm được như thế, mỗi một cán bộ, mỗi một công nhân cần đề cao tinh thần làm chủ, làm chủ Nhà nước, làm chủ nông trường… Không phải làm chủ là muốn ăn bao nhiêu thì ăn, muốn làm bao nhiêu thì làm. Làm chủ nghĩa là phải làm sao cho nông trường phát đạt, sản xuất được nhiều… Biết đoàn kết nội bộ, đoàn kết giữa nông trường và đồng bào địa phương… Muốn làm được như thế phải có lãnh đạo… Một mình Đảng ủy làm không nổi đâu mà phải có các chi bộ và tất cả đảng viên…, đoàn viên, thanh niên…”.
Bác nêu tên 3 đồng chí gương mẫu tiêu biểu trong sản xuất, học tập và có nhiều sáng kiến là Trần Kim Mạnh (Giám đốc), Nguyễn Văn Lang (Tổ trưởng trồng trọt), Võ Trọng Tạo (Tổ trưởng chăn nuôi) và phát huy hiệu cho 3 đồng chí ấy. Rồi Bác nói tiếp, bây giờ các cô, các chú ai muốn được thưởng thì giơ tay lên. Tất cả đều giơ tay. Bác lại ôn tồn nói: “Bác và Trung ương sẵn sàng thưởng nếu các cô, các chú làm kịp các chiến sĩ đó. Có “giao kèo” đấy nhá. Nếu các cô, các chú làm được như thế mà Bác không thưởng là lỗi tại Bác. Nếu Bác sẵn sàng thưởng mà các cô, các chú không làm được thì đó là lỗi tại ai (có tiếng trả lời: tại các cháu)… Có đồng ý như thế không?...”.
Trước khi kết thúc buổi nói chuyện, Bác nhờ các cô, các chú chuyển lời chào của Bác và Trung ương Đảng đến các nông trường bạn và đồng bào địa phương rồi căn dặn tiếp: “Các nông trường có nhiệm vụ đoàn kết và giúp đỡ đồng bào địa phương. Những kỹ thuật của nông trường tiến bộ hơn, vì vậy, đồng bào địa phương cần đoàn kết với nông trường, học tập cách lao động của nông trường, xây dựng hợp tác xã cho tốt, đời sống xã viên ngày càng ấm no, thế là CNXH. Đồng bào có làm được như thế không?”.
Buổi nói chuyện tại khán đài kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ (khoảng từ 9 đến 10 giờ sáng) được kết thúc bằng bài ca "Kết đoàn" do Bác Hồ bắt nhịp.
Sau buổi nói chuyện ở khán đài, Bác cùng các đồng chí khác đi thăm một số điểm trong nông trường như thăm lô cà phê 119 của Đội Nai Sinh; thăm trại chăn nuôi lợn giống của Nông trường; thăm nhà bếp đơn vị; thăm phòng truyền thống của Nông trường và nói chuyện thân mật với cán bộ lãnh đạo Nông trường. Bác gửi lời chúc các cụ phụ lão, các cháu thiếu nhi và đồng bào các dân tộc...
15 giờ cùng ngày, Bác đi một vòng vẫy chào mọi người ra tiễn Bác, căn dặn thêm một số điều rồi lên máy bay tạm biệt Đông Hiếu với câu nói cuối cùng: Các cô chú và các cháu tránh xa máy bay kẻo cánh quạt quay sẽ tung bụi! Tiễn Bác lên máy bay mà mọi người xao xuyến, vừa luyến tiếc, vừa thấy hụt hẫng ở trong lòng và nhiều đã người khóc. Những hình ảnh, những kỷ niệm ấy không thể nào phai nhạt trong tâm trí mọi người...
Được Bác Hồ thăm và nói chuyện, cán bộ và công nhân Nông trường Đông Hiếu dường như được tiếp thêm một luồng sinh khí mới để tiếp tục lao động sản xuất tốt hơn. Trong suốt 60 năm qua kể từ ngày Bác Hồ về thăm, các thế hệ cán bộ, công nhân nông trường nói riêng, cán bộ, nhân dân thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn nói chung luôn thực hiện tốt tinh thần lời di huấn của Người, luôn phát huy truyền thống yêu nước, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách và đạt thành tựu trên tất cả các lĩnh vực.
Ngày 10/12/1961 - ngày Bác Hồ về thăm Nông trường cà phê Đông Hiếu cũng được Chính phủ chọn làm Ngày Cà phê Việt Nam. Ngày 23/12/2015, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 447 công nhận Khu Di tích lịch sử Quốc gia Bác Hồ về thăm Nông trường Đông Hiếu là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Khu di tích là "địa chỉ đỏ" luôn phát huy tốt giá trị, nhất là giá trị giáo dục truyền thống về nguồn gắn với thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.