Năm 2019, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Đông Nam đã có nhiều nỗ lực cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Cùng với hoàn thành điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam đến năm 2040 để lấy ý kiến cộng đồng dân cư và điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng khu vực Đông - Đông Nam, KKT Đông Nam, quy hoạch chi tiết xây dựng KCN Tri Lễ (Anh Sơn), khu vườn Cau (Diễn Châu)..., BQL KKT Đông Nam còn tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư khác.
Trong năm 2019, KKT đã tham mưu cho UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu từ 25 dự án với tổng vốn đăng ký 7.562 tỷ đồng, tăng 78% số lượng dự án và tăng 2 lần vốn đầu tư so với năm 2018; điều chỉnh 19 lượt dự án, vốn đầu tư đăng ký tăng thêm trên 700 tỷ đồng.
Lũy kế đến nay, KKT Đông Nam và các KCN thu hút được 227 dự án, trong đó 41 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 754,27 triệu USD và 186 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 37.000 tỷ đồng.
Hiện nay, đã có 98 dự án trong KKT, KCN đã đi vào hoạt động, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 27.302 tỷ đồng, tăng 14,91% so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu thực hiện đạt 42.796 tỷ đồng, tăng 44,26% so với cùng kỳ năm 2018; xuất khẩu đạt 316,89 triệu USD, tăng 130,19%; nạp ngân sách 1.962 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 18.784 lao động, bình quân thu nhập lao động đạt 6,019 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng thiết yếu trong KKT Đông Nam bao gồm hệ thống giao thông đường bộ, hệ thống cảng biển, hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn; hạ tầng kỹ thuật các KCN trong cũng như ngoài KKT Đông Nam tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Công tác quản lý tài nguyên môi trường, quản lý doanh nghiệp, lao động, cải cách hành chính được quan tâm, chăm lo hơn.
Tại hội nghị, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp và huyện Nghi Lộc, đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận nỗ lực của Ban quản lý KKT Đông Nam thể hiện ở chỉ số tăng doanh thu, tăng nguồn ngân sách tỉnh và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động trong KKT, KCN.
Đồng tình với mục tiêu và các giải pháp đề xuất của BQL KKT Đông Nam nhưng đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban tiếp tục tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp trên cơ sở đó khẩn trương hoàn thiện quy trình, bộ thủ tục đầu tư vào KKT Đông Nam để hạn chế hiện tượng nhà đầu tư phải đi lòng vòng mất thời gian; tiếp tục rà soát các hồ sơ thủ tục để nắm rõ các vướng mắc cụ thể, cấp bách để tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức cuộc gặp đối thoại, tháo gỡ. Về phía các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần chia sẻ những khó khăn của tỉnh, chấp hành đúng quy định của pháp luật để thủ tục đầu tư triển khai được thuận lợi nhất.
Ban quản lý KKT Đông Nam phải tập trung tư duy, nghiên cứu sâu sắc hơn để làm tốt hơn vai trò tham mưu và cầu nối, tham mưu cho tỉnh trong xúc tiến đầu tư cũng như thu hút nhà đầu tư hạ tầng có uy tín để không chỉ thu hút các dự án trọng điểm vào KKT mà còn phải tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng để mời gọi được các nhà đầu tư thứ cấp, dịch vụ Logistic... vào Khu Kinh tế, KCN.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng là Ban quản lý KKT Đông Nam tiếp tục triển khai nhiều giải pháp cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 31/7/2013, Thông báo số 55-TB/TW ngày 20/4/2019 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 là xây dựng KKT Đông Nam Nghệ An thành khu kinh tế đa ngành, đa chức năng; trình Chính phủ về điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam đến năm 2040 và đưa KKT Đông Nam vào nhóm KKT ven biển trọng điểm cả nước để ưu tiên đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025./.