Chủ động khai thác các tiềm năng, lợi thế

Thị xã Hoàng Mai được xác định là đô thị công nghiệp, du lịch và thương mại nên tỉnh đã có những cơ chế đặc thù cho địa phương này. Cùng với cơ chế để toàn lại bộ nguồn thu từ khai thác quỹ đất cho thị xã đầu tư phát triển hạ tầng, tỉnh cũng đồng hành với thị xã trong việc đầu tư một số dự án hạ tầng để kêu gọi đầu tư.

Trên cơ sở đó, nhiều hạng mục hạ tầng cơ sở được đầu tư, tạo động lực, như: Đường 36 nối từ Thị xã Hoàng Mai đi Nghĩa Đàn; đường nối từ Thị xã xuống cảng biển Đông Hồi và đường nối sang cảng Nghi Sơn được đầu tư nâng cấp; tiếp đó, tỉnh cũng đầu tư, làm mới gần 5 km từ đường 36 vào Nhà máy xi măng Tân Thắng, đồng thời làm cơ sở để kêu gọi một số dự án khác vào địa bàn.

bna_image_4915206_20122019.jpgMột góc đô thị mới thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Nguyễn Hải

Nhờ có hạ tầng được đầu tư cơ bản nên 5 năm lại đây, Thị xã Hoàng Mai là một trong những địa phương của tỉnh thu hút được nhiều dự án lớn đầu tư với 48 dự án đăng ký với tổng nguồn vốn là 19 ngàn tỷ đồng. Nổi bật là Nhà máy Tôn Hoa Sen, Nhà máy may tại Vinatex xã Quỳnh Vinh, Bánh kẹo Hải Châu II.

Trên cơ sở các cơ chế, chính sách của tỉnh, Thị xã đã nỗ lực mời gọi được các dự án đầu tư vào địa bàn để hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đưa Hoàng Mai là một trong những địa phương có giá trị công nghiệp tăng cao nhất nhì tỉnh. Bên cạnh đó, với lợi thế nằm cạnh Khu kinh tế Nghi Sơn và là trung tâm vùng Kinh tế Nam Thanh Bắc Nghệ, thị xã còn chủ động xây dựng quy hoạch liên kết vùng, đón các dự án công nghiệp phụ trợ cho Khu kinh tế Nghi Sơn.  

Ông Phạm Chí Diên - Trưởng Ban quản lý các dự án đầu tư thị xã

Đường nối từ Quốc lộ 48D xuống Cảng nước sâu Đông Hồi là tiêu chí quan trọng để thu hút các dự án Logistic và công nghiệp lớn. Ảnh: Nguyễn Hải
Trong khi đó Quỳnh Lưu, với đặc thù là huyện đông dân và lợi thế về địa hình là miền núi và đồng bằng ven biển nên huyện có những thuận lợi trong thu hút đầu tư. Bên cạnh ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp như phát triển xi măng, nông nghiệp công nghệ cao, huyện từng bước xây dựng được quy hoạch khu hậu cần nghề cá.
Vài năm lại đây, cùng với nỗ lực phối hợp tạo điều kiện để dự án xi măng Tân Thắng triển khai thi công theo kế hoạch, huyện đã thu hút được một số dự án lớn vào địa bàn, như dự án chế biến thực phẩm tinh dầu gấc tại xã Quỳnh Thắng, dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của một doanh nghiệp tư nhân tại xã Quỳnh Giang, dự án sản xuất lợn giống thương phẩm công nghệ cao tại xã Tân Sơn...
 

Dự án Nhà máy Xi măng Tân Thắng đầu tư trên địa bàn Quỳnh Lưu nhằm khai thác tiềm năng đá vôi ở vùng này. Ảnh: Nguyễn Hải
Nỗ lực “gỡ” các điểm nghẽn
Việc chỉ trong vòng thời gian ngắn, các huyện, thị phía Bắc của tỉnh đã thu hút được các dự án lớn và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là một tín hiệu đáng mừng. Tuy vậy, so với tiềm năng và tiến độ thu hút của các địa phương khác thì quy mô các dự án trên là khá khiêm tốn so với kỳ vọng. 

Trên thực tế, qua tìm hiểu thì hầu hết các dự án thu hút và được triển khai trên là những dự án nằm trong danh mục xúc tiến, kêu gọi đầu tư của tỉnh. Hiện tại, để phục vụ mục tiêu phát triển, mặc dù từng địa phương đều có danh mục các dự án (quy mô nhỏ và vừa) để kêu gọi đầu tư, nhưng kết quả rất khiêm tốn. Cụ thể, giai đoạn 2018 - 2020, Quỳnh Lưu có 10 dự án cần thu hút trên các lĩnh vực nhưng sau 2 năm chưa có dự án nào khởi động. Tại Hoàng Mai, giai đoạn 2019 - 2025, ngoài 8 dự án đang xin chủ trương đầu tư của tỉnh, dự kiến còn 26 dự án kêu gọi đầu tư nhưng tiến độ triển khai khá chậm.

Hạ tầng đường giao thông và hạ thế điện vào Nhà máy xi măng Tân Thắng; đường 36 vào khu Căn Bòng, xã Quỳnh Thắng và bờ nam cảng cá Lạch Quèn cần thu hút nguồn lực để xây dựng phát triển. Ảnh: Nguyễn Hải
Nguyên nhân là hầu hết các dự án trên đều thu hút vào lĩnh vực đầu tư mặt bằng và làm hạ tầng Cụm CN. Cụ thể, trong 10 dự án Quỳnh Lưu thì có tới 4 dự án thu hút vào lĩnh vực đầu tư hạ tầng là Khu hạ tầng chế biến thủy hải sản tập trung tại Lạch Quèn - Quỳnh Thuận, xây dựng hạ tầng Cụm CN tại Quỳnh Hoa, Cụm CN Quỳnh Châu, nâng cấp đê sông Thai Quỳnh Hưng... Tương tự, Thị xã Hoàng Mai có các dự án như Bến xe, Thư viện, Công viên Trung tâm Thị xã… Đây là những dự án đầu tư có tính công ích, cần thiết đối với địa phương nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng hào hứng.

Khu du lịch văn hóa tâm linh đền Cờn, phường Quỳnh Phương là một trong những dự án kêu gọi thu hút đầu tư để mở rộng không gian cho các sinh hoạt lễ hội ở Hoàng Mai. Ảnh: Nguyễn Hải

Ngoài lý do trên, theo chia sẻ của một chuyên viên đầu tư, do quỹ đất thu hút đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực hạ tầng và nông lâm, địa bàn ở vùng xa trung tâm huyện, thị nên rất khó thu hút đầu tư.

Trong khi đó, thị xã Hoàng Mai do chưa xây dựng được quy hoạch các phân khu chức năng nên khi có nhà đầu tư vào khảo sát thì rất khó để giới thiệu, mời gọi. Không những thế, các huyện, thị đồng bằng dù khó khăn nhưng không có cơ chế ưu đãi riêng như các huyện miền núi đặc biệt khó khăn nên cũng chưa khuyến khích nhà đầu tư.

Cánh đồng muối 30 ha của thôn Đức Long, xã Quỳnh Thuận, phía Nam cảng Lạch Quèn vừa được công bố quy hoạch làm Khu hậu cần nghề cá để kêu gọi nhà doanh nghiệp vào đầu tư hạ tầng. Ảnh: Nguyễn Hải

Đại diện UBND thị xã Hoàng Mai cho rằng: Để thu hút đầu tư vào các huyện, thị phía Bắc nói chung và Hoàng Mai nói riêng, một mặt tỉnh cần quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng ngoài KCN, cụm CN tại các địa phương; đồng thời cần tạo điều kiện hơn nữa để các địa phương được tiếp xúc, giới thiệu tiềm năng để thu hút đầu tư vào địa bàn./.