Dự phiên thảo luận có ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại điện, lãnh đạo các sở, ban, ngành: Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông Vận tải; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Báo Nghệ An; Viễn thông Nghệ An.
Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu HĐND tỉnh ở các đơn vị bầu cử huyện Thanh Chương và Anh Sơn đã có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp sau thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh nhà.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Hồng Phi (Anh Sơn) cho biết, dù những năm qua UBND tỉnh đã có nhiều chính sách quan tâm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh nói chung và huyện Anh Sơn nói riêng, nhưng nhìn chung quá trình triển khai các dự án vẫn còn rất chậm trễ.
Cụ thể, năm 2019, huyện có 3 dự án được ghi nhận đầu tư thông qua Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư, trong đó có Dự án Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An được phê duyệt và khởi công từ 30/4/2017.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, dự án vẫn “dẫm chân tại chỗ” và chưa hề có bất kỳ hoạt động triển khai thi công các hạng mục như đã cam kết. Một số dự án khác như Dự án than củi sạch, chăn nuôi công nghệ cao… mặc dù huyện đã hoàn tất quá trính giải phóng mặt bằng nhưng tiến độ triển khai vẫn dang dở, chậm trễ.
Vì vậy, ông Phi kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ cơ chế đầu tư, một mặt để đồng hành giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà các nhà đầu tư đang gặp phải, mặt khác cần có chỉ đạo sát sao, quyết liệt để thúc đẩy các dự án nhanh chóng triển khai, hoàn tất.
Cũng xoay quanh vấn đề trên, đại biểu Trần Đình Toàn - Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, việc giải quyết các thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý để thu hút các nhà đầu tư cần nhanh chóng, rút gọn và thông thoáng hơn. Bởi các cơ chế, thủ tục hành chính được coi là “bản lề”, cơ sở để tạo sức hút cho các nhà đầu tư.
Cùng với đó, hiện nay, tại các khu công nghiệp, sau khi nhà đầu tư đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng thì việc thu hút doanh nghiệp vào hoạt động diễn ra chậm. Thậm chí, nhiều diện tích tại các khu công nghiệp trên địa bàn hiện nay đang bỏ hoang, gây lãng phí.
Ông Nguyễn Hữu Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Chương đề cập, theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2012 đến năm 2018, UBND tỉnh thành lập 8 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 500 lượt dự án. Qua kiểm tra, tỉnh có quyết định thu hồi 151 dự án với diện tích sử dụng 36.000 ha đất. Điều đó cho thấy, các chủ đầu tư còn thiếu tính quyết liệt trong quá trình triển khai các dự án đã đăng ký.
Cùng với đó, công tác đền bù giải phóng mặt bằng cần được thực hiện một cách minh bạch, công khai và đúng thời hạn để tạo sự đồng thuận trong xã hội và củng cố lòng tin của người dân vào các dự án đang và sẽ được triển khai trên địa bàn.
Nông dân "chán ruộng"
Trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, các đại biểu của Tổ 3 còn thảo luận nhiều vấn đề mà cử tri trong tỉnh quan tâm như: việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp chưa mạnh; hoạt động của hợp tác xã còn yếu kém; thiếu tính bền vững tại một số địa phương đã cán đích nông thôn mới; tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả còn phức tạp; tình trạng thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường còn thiếu kiểm soát…
Tại buổi thảo luận, đại diện một số sở, ban, ngành đã giải trình một số nội dung mà đại biểu đề cập.
Kết luận phiên thảo luận, ông Nguyễn Hữu Vinh ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến góp ý trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu. Các ý kiến sẽ được tổng hợp để trình HĐND tỉnh.