(Baonghean) - ..."Thằng bờm có cái quạt mo/Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu/Bờm rằng, Bờm chẳng lấy trâu/Phú ông xin đổi ao sâu cá mè/Bờm rằng, Bờm chẳng lấy mè/ Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim...". Lời của bài đồng dao, mang dáng dấp như một hài kịch. Với hai nhân vật thằng Bờm và Phú ông. Phú ông vốn nhiều của, nhân có thằng Bờm đang sở hữu cái quạt mo, thế là ông ta mượn dịp kể ra, liệt kê bao nhiêu là tài sản.
 
Chuyện khôn, dại của thằng Bờm ta không bàn đến, mà chỉ bàn nghĩa của câu chuyện. Đó là châm biếm cái thói khoe của, đòi đổi bao nhiêu là thứ quý để lấy chỉ một cái quạt mo ít giá trị của anh nhà giàu lắm tiền mà rỗng tuếch nhân cách cần có của con người. Hiện nay ở quê tôi, người ta cũng đua nhau khoe giàu bằng cách xây dựng những ngôi nhà to vật vã, làm biến mất hồn quê với con đường yên ả, với bóng tre mát rượi, với mái tranh đơn sơ. Người ta xây nhà to cho người sống, và cũng xây nhà to hoành tráng cho người chết. Nhà này, dòng họ này cũng khoe sang, bằng cách làm những lăng tẩm uy nghi cho thiên hạ loá mắt.
 
 Người thôn quê đã đành, người thành thị thì khoe phương tiện hiện đại, chẳng cần đi đâu cho xa cũng phải sắm cái ô tô bạc tỷ... điện thoại "ai-pon",.. "ai-pat" mấy chục triệu đủ kiểu, mà có khi chẳng để làm gì ngoài việc "buôn... dưa lê". Rồi lại có ông chức to, quyền đã lớn, thấy không cần khoe tiền, khoe chức thì cũng cố mà đi học, dù chỉ là học tại chức hoặc chuyên tu để khoe... bằng. Nhưng có học thực đâu, nên "trí thức" trở thành "trí giả....", tiếp xúc với người nước ngoài thấy nhoẻn miệng cười nhiều hơn nói. Dù sao những người khoe khoang kia vẫn còn một chút khát vọng về cái đẹp, cái sang trọng, vương giả.
 
Nhưng oái oăm thay và đáng thương là những người vì đã khoe tiền, khoe giàu sang hoặc một lý do nào đó mà có kiểu khoe rất bất lịch sự là khoe... thân, mà dân tình mỉa mai là "khoe hàng", "lộ hàng...". Và, mới đây nhất trong một chương trình kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Trường Đại học Thăng Long (tối 15/12/2013) với màn trình diễn nội y bikini phản cảm của nữ sinh Trường Đại học Thăng Long. 
 
 
Ở góc độ bậc cha mẹ, khẳng định bất kỳ một phụ huynh nào đưa con em mình theo học ở ngôi trường này đều phản đối con em mình khoác những bộ áo bikini trên sân khấu. Trong khi cả xã hội đang lên án Angela Phương Trinh, hay như trường hợp của “bà Tưng”, đã bị Cục Nghệ thuật biểu diễn tuýt còi nhưng còn "kín đáo" hơn các nữ sinh Trường Đại học Thăng Long, thì những nữ sinh lại muốn trở về thời tiền sử, cố tình mặc những quần áo "rách nát", te tua. Bước vào thế kỷ văn minh 21 lại có những kẻ muốn đi ngược lại "xấu xa khoe ra". Tình trạng này cần chấn chỉnh ngay!
 
Minh Thiên