(Baonghean.vn) -Giá xăng dầu bất ngờ tăng cao kỷ lục khiến ngư dân lo lắng, nhiều người tính đến phương án nghỉ ở nhà chờ giá giảm mới ra khơi, nhiều người khác không còn mặn mà lắm với nghề biển và tính đến phương án chuyển nghề.
Chiều tháng 4, trời nắng nhạt, gió biển thổi nhè nhẹ, dọc con đường ven sông Lam đoạn gần Cửa Hội, rất nhiều tàu cá nằm bờ, thỉnh thoảng mới thấy một vài người dân có mặt trên tàu. Vẻ mặt trầm ngâm, ông Võ Văn Tương (60 tuổi) ở phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò vừa cố gắng sửa lại chiếc đèn chụp trên boong tàu vừa nhìn xa xăm ra phía biển, ở phía dưới buồng máy, cậu con trai út của ông đang hì hục sửa lại chiếc máy nổ. Nhắc đến chuyện xăng dầu, cả hai bố con ông đều thở dài ngao ngán.
Nhiều tàu cá của ngư dân Quỳnh Lưu neo bờ, không muốn ra khơi vì càng đi càng lỗ.
Được xem là một trong những gia đình khá giả của làng biển Nghi Hải, ông Tương có 3 tàu cá, trọng tài từ 10 – 15 tấn, mỗi đợt đi biển vài ngày, ông phải chi khoảng 15 đến 20 triệu đồng tiền dầu. Từ ngày giá xăng, dầu tăng lên kỷ lục, chi phí xăng dầu tăng lên rất nhiều. Ông Tương cho biết, từ hôm xăng dầu tăng giá, ông mới chỉ đi biển 2 chuyến nhưng thu nhập không còn được bao nhiêu vì “cá ít, giá dầu cao, chi phí nhân công không thể giảm được”. Khó khăn đó, cộng với chuyện một chiếc tàu cá của ông gặp trục trặc, không đắn đo nhiều, ông Tương và cậu con trai út quyết định neo tàu để sửa chữa.
“Ngư dân chúng tôi luôn hoang mang lo lắng chuyện giá xăng dầu. Đợt sau Tết, nghe tin đồn nhà nước sẽ chưa tăng giá xăng dầu, ai cũng vui nhưng đùng một cái xăng dầu tăng và đạt mức kỷ lục khiến ai cũng ngã ngửa. Con cá con mực giá không tăng, sao mà giá xăng dầu tăng cao thế, ngư dân khó mà yên tâm bám biển được”, ông Tương lắc đầu.
Cùng chung cảnh ngộ với ông Tương, chủ tàu cá xa bờ Nguyễn Văn Tư cũng neo tàu ở cầu cảng cá Nghệ An mà chưa nghĩ đến chuyện ra khơi. Ông Tư phân tích, đây đang là mùa sinh sản, các loài cá thường chui vào san hô, đá ngầm để đẻ nên năng suất khai thác đạt rất thấp trong khi chí phí xăng dầu bị đội lên quá cao khiến các tàu cá bị lỗ. Đây cũng là thời điểm mà giá cá hạ thấp nhất trong năm bởi chất lượng các loại cá không cao.
Ông Tư cho biết, tàu cá của mình đánh bắt ở vùng ngư trường Nghệ An, Thanh Hóa, sản phẩm thường nhập cho các công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu và thức ăn gia súc. Mùa này ít khi đánh được các loài cá lớn nên ngư dân thường bị thương lái chê, ép giá khiến những chủ tàu như ông Tương, ông Tư không mặn mà lắm với việc ra khơi. Bên cạnh đó, nhiều công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng đang ở thời kỳ khó khăn do thiếu vốn, hoạt động cầm chừng nên đầu ra cho con cá, con tôm cũng gặp trắc trở chứ không thuận lợi như những thời điểm khác.
Nhiều lão ngư dân dạn dày sương gió ở làng biển Nghi Thiết cho biết, đây đang là điểm giao thời với vụ cá Nam, cũng là mùa giáp hạt của nghề biển, năng suất đánh bắt đạt thấp nhất trong năm, các loài cá đánh bắt được chủ yếu là cá tạp, cá nhỏ không có giá trị xuất khẩu. Việc xăng dầu giá đúng vào thời điểm này đã khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.
Nghề đánh bắt gần bờ của ngư dân Nghệ An thường đánh bắt các loại cá tạp, giá trị thương phẩm không cao.
“Mỗi chuyến ra khơi đánh vây của một tàu cá khoảng 90 CV hết khoảng 3 - 4 triệu tiền dầu/đêm, đầu năm 2011, giá dầu diezel đang ở mức gần 15000 đồng/lít nay đã tăng lên hơn 22000 đồng/lít. Giá nhân công, đá lạnh, dầu nhờn cũng liên tục tăng trong khi đó giá cá và các loại thủy sản khác hầu như dậm chân tại chỗ, trăm thứ giá đang đổ lên đầu người dân đi biển nên càng đi, ngư dân càng lỗ”, bác Nam, một chủ tàu cá đậu ở cửa biển Nghi Thiết tâm sự và cho biết đối với các tàu đánh bắt xa bờ, công suất cao thì chi phí xăng dầu còn bị đội lên rất nhiều lần.
Tại các xã biển như Diễn Ngọc, Diễn Bích của huyện Diễn Châu, Quỳnh Phương, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy của huyện Quỳnh Lưu, ngư dân cũng đang lao đao vì giá dầu tăng quá cao.
Việc tăng giá xăng dầu không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngư dân mà còn khiến những lao động làm thuê trên các tàu cá bị giảm thu nhập. 3 chiếc tàu cá của ông Võ Văn Tương đang phải thuê 40 công nhân, tiền thù lao được tính dựa vào kết quả của mỗi chuyến đi biển. Trung bình mỗi tháng công nhân của ông được trả từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng sau khi trừ đi các chi phí khác. Chuyến biển đầu tiên sau đợt tăng giá vừa rồi kết quả đánh bắt không được như ý muốn, ông Tương phải giảm lương của công nhân. “Hiện nay công nhân nghề biển đều là những người từ 40 – 60 tuổi, thu nhập bấp bênh nên nhiều người đang tính chuyện bỏ nghề. Các thanh niên cũng rất ít người đi biển mà thường chọn con đường xuất khẩu lao động vừa nhàn thân lại có thu nhập cao. Cứ đà tăng giá thế này, liệu đến thế hệ mai sau có còn ai mặn mà với biển nữa”, ông Tương lo lắng.
Với 82km đường bờ biển, Nghệ An hiện có hơn 4200 tàu cá và hàng vạn lao động nghề cá, hàng ngàn hộ gia đình sống nhờ vào những chuyến ra khơi. Việc giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo nhiều khó khăn cho người dân bám biển, nhiều ngư dân có tâm lí hoang mang, lo lắng không biết liệu có còn đủ sức, đủ kiên nhẫn để theo nghề cá nữa hay không. Ông Nguyễn Huy Nam, Chủ tịch Hội nông dân phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò cho biết, Nghi Hải từng là một trong những địa phương có truyền thống nghề cá nhất nhì tỉnh, có tiếng trong cả nước nhưng hiện nay đội tàu của phường chỉ còn lại 50 chiếc, cả 5 đơn vị hợp tác xã nghề cá trước đây đều đã giải thể vì xã viên không mặn mà theo nghề biển.
Anh Đậu Xuân Tú đang cùng con trai Đậu Xuân Hùng sửa sang lại tấm lưới để chuẩn bị ra khơi. Sau chuyến biển này, Hùng sẽ lên bờ, chờ đi xuất khẩu lao động mà không theo nghề biển.
“Đời biển nó bạc lắm, mỗi chuyến ra khơi không khác nào một lần đánh bạc. Bao đời nay, cha ông chúng tôi đã không quản ngại thiên tai, bão gió vẫn kiên trì bám biển nhưng tình cảnh bão giá liên tục diễn ra như thế này thì chắc rất ít người trụ nổi với nghề. Mong muốn lớn nhất của những ngư dân như chúng tôi là nhà nước sớm có chính sách trợ giá xăng dầu, hạ lãi vay vốn đóng mới tàu thuyền để người dân có thêm niềm hi vọng mà trụ lạu với nghề”, lão ngư Võ Văn Tương chậm rãi hướng ánh mắt xa xăm về phía biển tâm sự.