Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An Hoàng Quốc Việt sẽ đăng đàn trả lời chất vấn về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

bna_644101626430_8122021.jpegToàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường sáng 8/12. Ảnh: Thành Cường

Hoạt động khai thác khoáng sản đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế chung của tỉnh. Tuy nhiên theo đánh giá, trong lĩnh vực này còn nhiều vấn đề đang đặt ra, đặc biệt là tình trạng khai thác khoáng sản trái phép có xu hướng diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương với nhiều loại khoáng sản khác nhau như: đất san lấp, cát sỏi, đá trắng,... gây bức xúc trong nhân dân, thất thu cho ngân sách Nhà nước, ô nhiễm môi trường, hạ tầng giao thông bị xuống cấp.

Qua rà soát, từ năm 2017 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh thu hồi 08 giấy phép khai thác khoáng sản (năm 2018 thu hồi 3 giấy phép, năm 2019 thu hồi 3 giấy phép và năm 2021 thu hồi 2 giấy phép) do không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của Luật khoáng sản.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an tỉnh Nghệ An và các đơn vị, địa phương đã tổ chức 1.003 lượt kiểm tra; phát hiện, xử lý 758 vụ, gồm: khởi tố 9 vụ, 11 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 748 vụ với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Đặc biệt là việc khởi tố 1 vụ án và bị can vụ khai thác khoáng sản đá hoa trắng quy mô lớn tại địa bàn huyện Quỳ Hợp, đã có sức lan tỏa mạnh, trong việc răn đe, ngăn chặn tội phạm lĩnh vực này.

Tại Quyết định số 3892/QĐ-UBND ngày 21/10/2021, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản đối với 13 doanh nghiệp và trách nhiệm của UBND cấp huyện (Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nam Đàn) trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì. Đoàn đang thực hiện việc kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 254 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, trong đó có 61 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; 193 giấy phép do UBND tỉnh cấp.

Để chất vấn và trả lời chất vấn đạt được hiệu quả cao nhất, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị người chất vấn không quá 2 phút cho mỗi câu hỏi và người trả lời chất vấn không quá 5 phút cho mỗi câu trả lời.

Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn phải rõ ràng, đúng trọng tâm, bám sát nhóm vấn đề; đặc biệt là tăng cường tranh luận để làm rõ thêm vấn đề; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, yêu cầu làm rõ trách nhiệm, cũng như đề xuất giải pháp, kế hoạch khắc phục; qua đó cũng là những gợi ý, bổ sung giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn. 

 

Nội dung thứ hai được lựa chọn chất vấn tại Kỳ họp này là việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An do ảnh hưởng dịch Covid -19. Giám đốc Sở LĐ –TB&XH Nghệ An Đoàn Hồng Vũ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn nội dung này.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt phát biểu tại phiên thảo luận hội trường sáng 8/12. Ảnh: Thành Cường

Theo số liệu thống kê, năm 2021, Nghệ An có hơn 1,9 triệu lao động. Qua số liệu báo cáo của các huyện, thành phố, thị xã cho thấy, công dân, người lao động tỉnh Nghệ An đang sinh sống, học tập và làm việc lưu trú ở các tỉnh, thành phố trong cả nước hơn 256.000 người. 

Trong đó, người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 64,4%, chủ yếu là lao động trẻ, tập trung ở nhóm tuổi 15-40, làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất với các lĩnh vực như điện tử, may mặc, giày da hoặc hành nghề tự do tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang... 

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã tác động sâu rộng đến các hoạt động kinh tế- xã hội, tạo áp lực rất lớn đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Số lượng người lao động bị mất việc, tạm ngừng việc tăng lên đáng kể. 

Đặc biệt, từ tháng 4 đến tháng 10/2021, làn sóng dịch chuyển lao động từ các vùng có dịch Covid- 19 về địa bàn tỉnh rất lớn, theo số liệu thống kê, có 99.957 người từ vùng có dịch Covid-19 đã về địa phương, trong đó, số người trong độ tuổi lao động đến thời điểm thống kê (ngày 31/10/2021) là 75.858 người chiếm 75,89% trên tổng số công dân trở về quê.

Trong tổng số 75.858 người lao động đã trở về quê, có 45.292 người (có đăng ký với các huyện, xã) có nhu cầu giải quyết việc làm (chiếm 59,7% số lao động trở về quê);  có 30.566 người lao động muốn ở lại địa phương tự làm việc hoặc chưa sẵn sàng trở lại làm các công việc trước đây (chiếm 40,3% số lao động về quê).

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, đây là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ này. 

Để chuẩn bị cho phiên chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh đã nhận được 29 nội dung đề xuất chất vấn và quyết định lựa chọn hai vấn đề trên để chất vấn và trả lời chất vấn.

Trong đó, đối với công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, thời gian vừa qua có chuyển biến; tuy nhiên còn nhiều bất cập, tồn tại, hạn chế, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, tác động xấu đến môi trường, làm hư hỏng hạ tầng giao thông; khai thác trái phép, vi phạm gây bức xúc trong Nhân dân. Vì vậy việc chất vấn là cần thiết để tìm ra giải pháp khắc phục tồn tại, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của cử tri, Nhân dân tỉnh nhà. 

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Nhóm vấn đề thứ hai là việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid -19 và công tác giải quyết việc làm cho người lao động do ảnh hưởng của dịch. Đây là vấn đề rất thời sự, tác động sâu sắc đến đời sống Nhân dân.

Vì vậy thông qua chất vấn để đánh giá, nhìn nhận thật đúng, chính xác về thực trạng, những bất cập, hạn chế, nhằm có những giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động và đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh, bên cạnh hai vị giám đốc sở: Tài nguyên và Môi trường và Lao động - Thương binh, Xã hội trực tiếp trả lời chất vấn thì các Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách ngành, lĩnh vực, các giám đốc sở, chủ tịch huyện, thành, thị khi cần thiết sẽ được mời tham gia trả lời chất vấn những vấn đề liên quan mà các vị đại biểu HĐND tỉnh quan tâm.

Để phiên chất vấn có hiệu quả cao nhất, Chủ tọa kỳ họp đề nghị, các đại biểu đặt câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ý, trong phạm vi hai nội dung chọn chất vấn. Mỗi đại biểu nêu câu hỏi có thời gian tối đa 2 phút. Sau khi nghe trả lời nếu thấy cần phản biện thì sẽ đăng ký tranh luận, thời gian tranh luận không quá 3 phút.

Đối với người trả lời chất vấn, Chủ tọa kỳ họp đề nghị đi thẳng vào vấn đề, đúng trách nhiệm, đúng vấn đề mà đại biểu nêu; đặc biệt là những vấn đề còn thiếu sót, bất cập, hạn chế thì cần xác định rõ trách nhiệm, nguyên nhân, giải pháp, lộ trình để thực hiện trong thời gian tới. Người trả lời có tối đa không quá 5 phút để trả lời mỗi câu hỏi.

Đồng chí Thái Thanh Quý cũng cho biết: Sau khi Kỳ họp kết thúc, HĐND tỉnh sẽ có thông báo kết luận về các vấn đề chất vấn để UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện; các cơ quan HĐND tỉnh, các tổ đại biểu, các vị đại biểu HĐND tỉnh và cử tri tỉnh nhà sẽ là những người theo dõi, giám sát việc thực hiện sau chất vấn. 

Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, cần thực hiện tốt yêu cầu trên để phiên chất vấn đạt được yêu cầu, mục đích đề ra và sau khi thực hiện thông báo sau chất vấn sẽ tạo chuyển biến, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong hai lĩnh vực này.

(Baonghean.vn sẽ tiếp tục cập nhật phiên chất vấn và trả lời chất vấn)