(Baonghean) Sau khi tiếp cận với một số nhóm "vàng tặc" và một số người dân địa phương, chúng tôi được biết nguyên nhân nạn khai thác vàng trái phép ở Tương Dương không được triệt tiêu bởi có sự dung túng của chính quyền cơ sở. Tiếp cận thêm một số người có trách nhiệm, thì quả đúng như vậy.
-->> Bài 1: Cận cảnh "vàng tặc"
Tại bản Cha Lúm (xã Yên Tĩnh), tiếp cận với Trưởng bản Vang Văn Nam, khi được hỏi: Tại sao ở Cha Lúm và các bản lân cận như Huồi Pai, Na Cáng... lắm người khai thác vàng như vậy? Trưởng bản Vang Văn Nam cho biết, khai thác vàng sa khoáng là một trong những nghề của dân bản địa. Thời điểm hiện tại, người dân chỉ biết khai thác vàng để kiếm sống.
- Dân đi làm vàng như vậy, bản có ý kiến gì không?
- Có chứ, bản có thu phí của bản.
- Một tổ máy thu phí bao nhiêu?
- Một máy từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng. Theo quy ước của bản thì 1 máy thu 1 triệu đồng, nhưng khi họ làm được thì thu 1 triệu, còn không làm được mấy thì thu 500.000 đồng.
- Xã có nhắc nhở chuyện làm vàng không.
- Có chớ. Lâu lâu xã có vào nhắc thì dân nghỉ.
Vậy những máy xúc, máng đãi lớn đang làm vàng dọc khe và trên đồi là của ai vậy? "Là người của Công ty Hợp Vinh đấy. Họ làm từ Pa Khốm vào đây" - ông Nam trả lời. Cũng theo Trưởng bản Vang Văn Nam, từ năm 2010, Công ty Hợp Vinh đưa 5 tổ vào khai thác vàng tại Yên Tĩnh; mỗi tháng Công ty Hợp Vinh hỗ trợ cho bản Cha Lúm 5 triệu đồng, bản không có quyền thu phí vì họ có giấy phép của huyện, xã... Chúng tôi hỏi lại: Một tổ lớn đang khai thác trên đồi phía trên bản có phải của Công ty Hợp Vinh không? Ông Vang Văn Nam xác nhận: Tổ khai thác trên đồi là của Công ty Hợp Vinh, và khu vực đồi này thuộc địa phận bản Cha Lúm.
Trở ra trụ sở xã Yên Tĩnh, trao đổi với ông Mạc Đình Trưng - Phó Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã thì được biết, xã chỉ nhắc nhở dân làm cẩn thận để không xẩy ra tai nạn, những chỗ gần các công trình công cộng như trường học, trạm xá, cầu cống thì đình chỉ không cho họ làm.
Đối với các công ty khai thác vàng trên địa bàn, theo ông Trưng, ở Yên Tĩnh có 2 đơn vị là Công ty Hợp Vinh và Công ty Trung Tín đã được tỉnh cấp phép khai thác vàng sa khoáng tại khu vực lòng khe và họ đang trong thời hạn được cấp phép khai thác; theo quyết định của tỉnh thì các công ty này được khai thác trên khe Chà Hạ với chiều rộng không quá 25m, còn chiều dài từ xã Yên Na cho hết đất Yên Tĩnh. Khi được hỏi: Trên đồi các công ty này có được phép khai thác hay không? Ông Trưng khẳng định: Trên đồi họ không được làm. Đồi núi có rừng phòng hộ, kiểm lâm địa bàn kiểm tra liên tục. Năm trước cũng có vài tổ vi phạm đã bị phạt, còn năm nay họ không dám làm.
- Huyện có ý kiến gì về việc đào đãi vàng hay không?
- Có. Hàng năm huyện vẫn có văn bản cấm không cho dân làm...
- Huyện nghiêm cấm vậy nhưng thực tế là xã không ngăn được.
Rời Yên Tĩnh, chúng tôi trở lại xã Yên Thắng và đã được gặp ông Vi Văn Phúc - Bí thư Đảng ủy xã.
- Chúng tôi nhận được thông tin, từ tháng 2 lại nay tại Yên Thắng rộ lên nạn đào đãi vàng trái phép, sát trụ sở của xã cũng đang có nhiều nhóm đang khai thác. Họ người ở đâu vậy?
- Hầu hết là dân Yên Thắng.
- Tại sao Yên Thắng lại để xẩy ra tình trạng này?
- Cũng có xử lý nhưng dân không nghe. Cũng có một số bộ phận trong các ngành chức năng chỉ đạo chỗ này không quyết liệt lắm. Hôm qua Đảng ủy xã mới họp có nhắc về vấn đề này.
- Một số đối tượng khai thác cho biết xã, bản cho phép họ làm và thu phí, có việc này hay không vậy.
- Đảng ủy không có chủ trương. Không biết bên ủy ban thì như thế nào. Còn việc thu phí thì không nghe nói. Chủ tịch huyện mới có Công văn 144 chỉ đạo các xã xử lý đào đãi vàng, tới đây chúng tôi sẽ thành lập đoàn để đẩy đuổi...
- Nhưng người ta nói vậy đấy. Họ nói là người của xã thì nộp mỗi máy 1,5 triệu đồng/tháng, người ngoài vào phải nộp cao hơn.
- Tôi chưa nghe về chuyện này. Trước đây có xẩy ra tình trạng sau khi phạt thì gia hạn cho họ làm thêm trong 10, 20 ngày. Chắc là hình thức phạt đấy, tới đây sẽ quán triệt không phạt như vậy nữa.
- Trước khi huyện chỉ đạo xử lý nạn khai thác vàng, Đảng ủy xã không có ý kiến gì về việc này hay sao.
- Có chứ.
- Vậy tại sao nạn đào đãi vàng trái phép vẫn xẩy ra.
- Do ngành chức năng không xử lý triệt để. Đảng ủy đã chỉ đạo như thế nhưng chính quyền họ lại không thực hiện như thế.
- Các anh có chủ trương thì bên chính quyền phải thực hiện chứ.
- Đúng ra phải như thế nhưng thực tế lại không như thế...
"Vàng tặc" khai thác tại bản Yên Hương.
Hỏi thêm ông Vi Văn Phúc: Phải chăng ở Yên Thắng, lãnh đạo ủy ban xã bao trùm tất cả? Lặng đi một lát, ông Phúc trả lời: Tôi cũng rất chi là phân vân vì chuyện này và cũng đã báo cáo với cán bộ huyện phụ trách địa bàn xã. Chẳng thà là huyện không chỉ đạo về chuyện này... Nói rồi ông Phúc nối máy với ông Lô Văn Yên - Chủ tịch UBND xã. Qua điện thoại, ông Phúc nói: Có nhà báo Nghệ An đến hỏi chuyện này (chuyện đào đãi vàng trái phép - PV). Anh điện cho các bên chức năng nói chấm dứt đi nhé..
Trước tình hình nạn khai thác vàng trái phép lộng hành, ngày 18/3/2013, UBND huyện Tương Dương đã có Công văn số 144/UBND-NL về việc chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn gửi UBND các xã, nội dung như sau: “Tình hình khai thác khoáng sản trái phép bằng phương pháp máy nổ Đông Phong, đầu hút và bàn sàng tuyển trên địa bàn các xã vẫn còn phức tạp. Tình hình trên đã gây mất ổn định an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, sạt lở công trình công cộng, mất đất sản xuất và nguy hiểm đến tính mạng người dân.
Để kịp thời chấn chỉnh tình hình trên, UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã khẩn trương thực hiện một số công việc sau:
1. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Quyết định số 235/2013/QĐ-UBND ngày 25/02/2013 của UBND huyện về việc Ban hành phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý và cam kết về bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác đã ký kết với UBND huyện.
2. Thành lập ngay Tổ công tác liên ngành tổ chức giải tỏa, xử lý các điểm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Đề xuất hình thức đối với các trường hợp vượt thẩm quyền. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND huyện trước ngày 25/3/2013”.
Làm việc với Phòng TN&MT huyện Tương Dương, chúng tôi được biết, dù UBND huyện giao các xã báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 25/3, nhưng đến ngày 29/3 mới chỉ có báo cáo của xã Yên Na và Xá Lượng. Ngày 28/3, xã Xá Lượng báo cáo đã tạm giữ 2 máy xúc, nhưng gặp không ít khó khăn vì dân bản không cho xã tịch thu máy: "...trước khi vào khai thác, tổ khai thác và ban Quản lý đã làm một hợp đồng với nội dung là khai thác xong thì phải mở đường ra bản cho nhân dân..."; Ngày 22/3, xã Yên Na "khoe" thành tích: "...Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện: Tổng số máy móc: 16 máy Đông Phong... Đoàn truy quét đã lập biên bản và đình chỉ, vận động các tổ máy và nhân dân tự tháo dỡ máy móc đưa về nhà... từ ngày 18 - 21/3 thì không còn tổ máy nào nổ máy và khai thác, qua đó góp phần vào ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn trong thời gian qua...".
Cũng theo Trưởng phòng TN&MT Kha Văn Ót thì việc truy quét các đối tượng khai thác khoáng sản rất khó khăn, vì các đối tượng này thường là những người nghiện ma túy liều lĩnh, có trang bị dao, súng kíp... sẵn sàng đánh trả, thậm chí lén bắn đạn hoa cải vào các đoàn công tác.
Chúng tôi đã đề nghị ông Kha Văn Ót cho xem giấy phép và bản đồ khu vực khai thác khoáng sản của Công ty cổ phần khoáng sản Hợp Vinh để xác định công ty này có hoạt động khai thác vàng trái quy định hay không. Tại phần hệ thống khai thác của giấy phép nêu: "Khai thác theo hình thức cuốn chiếu từ hạ nguồn lên thượng nguồn theo từng khai trường nhỏ, mỗi khai trường có chiều dài tối đa không quá 50m, chiều rộng tối đa 25m và chiều sâu tối đa không quá 4m; sử dụng bãi thải trong; tại các khai trường chia hai khoảng khai thác theo chiều dọc, khai thác kết hợp với san gạt bảo đảm đưa lòng suối về trạng thái ban đầu...". Từ nội dung nêu rõ tại giấy phép kết hợp với thực tế quan sát tại các điểm khai thác của Công ty cổ phần khoáng sản Hợp Vinh, có thể thấy rõ, công ty này đang hoạt động khai thác trái phép khoáng sản vàng tại xã Yên Tĩnh.
Chính quyền huyện Tương Dương sẽ làm gì để chấm dứt nạn "vàng tặc"? Theo ông Kha Văn Ót, dự định của Phòng TN&MT là đầu tháng 4 sẽ lên kế hoạch để lãnh đạo huyện thành lập đoàn liên ngành với sự tham gia của lực lượng quân sự, công an để đẩy đuổi, truy quét các đối tượng khai thác trên địa bàn. "Chúng tôi sẽ cố gắng mỗi tháng khoảng 2 lần truy quét và duy trì đến khoảng tháng 6. Hết tháng 6 là vào mùa mưa, khi đó dân tập trung làm nương rẫy nên họ cũng sẽ không khai thác vàng nữa...".
Tuy nhiên, để triệt tiêu tệ nạn này thì chưa thể, bởi sau những ngày thực tế tại những điểm nóng khai thác vàng trái phép, chúng tôi thấy đang ẩn hiện những việc làm bất chính của một bộ phận cán bộ cơ sở. Nếu không sớm chấn chỉnh thì mọi nỗ lực đều sẽ không mang lại kết quả.
Nêu lên những vấn đề này để thấy, cần nhìn nhận đúng và kiên quyết triệt tiêu nạn khai thác vàng trái phép. Bên cạnh những cố gắng của chính quyền huyện Tương Dương, cần lắm sự vào cuộc của các cơ quan cấp tỉnh. Hãy dành cho nơi đây những chương trình kinh tế phù hợp tạo việc làm cho người dân và cần tập trung lực lượng đủ mạnh xử lý nghiêm khắc đối với "vàng tặc"...