Theo chuyên gia này, sức mạnh kinh tế sẽ là “một trợ thủ” cho Tổng thống Trump trong trường hợp tình hình thương mại lao dốc trong dài hạn. Ông Chin cho biết, ông hoàn toàn không đồng tình với quan điểm rằng các chính sách của Nhà Trắng đang gây tác dụng ngược.
Chuyên gia của Viện Milken này, đồng thời cũng là đại sứ của Mỹ tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng, ông Trump đã khẳng định quan điểm rằng ông ấy được lựa chọn là “tổng thống của người dân Mỹ, chứ không phải của toàn thế giới”.
Ông Chin nhận định: “Ngay lúc này chúng ta đang chứng kiến tỷ lệ người dân có việc làm cao kỷ lục ở Mỹ, không chỉ là tỷ lệ thất nghiệp giảm, mà mọi người đang quay trở lại với guồng quay kinh tế, và nghĩ rằng họ có thể tìm được một công việc nếu họ bắt đầu lại từ đầu. Tôi nghĩ đây là một thông điệp tích cực”.
Chuyên gia Chin cũng cho rằng, Bắc Kinh không hung hăng với Tổng thống Trump như dự đoán. Theo ông, quyết định từ giới lãnh đạo Trung Quốc rốt cuộc sẽ gây ảnh hưởng nhiều hơn, không chỉ với Mỹ.
Ông nói: “Cách mà Trung Quốc hành động trong tương lai không chỉ liên quan tới hành động quân sự trên các vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền, căng thẳng thương mại này sẽ dẫn tới việc Trung Quốc bắt đầu phá giá hàng hóa, những hàng hóa này sẽ không còn được bán ở Mỹ hay bán ở các nước trong khu vực. Tôi nghĩ đây là một mối quan ngại đáng kể cho các công ty châu Á và các công ty Đông Nam Á mà tôi đang làm ăn cùng”.