Khi Washington đánh thuế vào thương mại Trung Quốc, thì điều này cũng gây ra nguy cơ đối với các nhà cung cấp nước ngoài của Trung Quốc, từ đó làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực.
Một ví dụ có thể kể đến là dây chuyền sản xuất iPhone: Trung Quốc đại lục nhập khẩu vi mạch bộ nhớ từ Hàn Quốc và Đài Loan, màn hình từ Nhật Bản và Hàn Quốc, thiết kế từ Mỹ, và Bắc Kinh lắp ráp "các thành phần" này thành một chiếc iPhone hoàn chỉnh.
Chuyên gia kinh tế từ Ngân hàng Deutsche có chi nhánh ở Hong Kong nhận xét: "Từ khía cạnh giá trị gia tăng, khi một chiếc iPhone được vận chuyển từ Trung Quốc tới Mỹ, thực chất là vận chuyển từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, và bản thân Mỹ, quốc gia đang vận chuyển hàng xuất khẩu tới chính nước Mỹ. Thực tế, gần 37% hàng xuất khẩu của Trung Quốc tới Mỹ trong năm 2015 bao gồm các thành tố giá trị gia tăng nhập khẩu từ các quốc gia khác".
Nhà nghiên cứu chuyên về châu Á Louis Kuijs thuộc công ty Oxford Economics ở Hong Kong cho hay: "Sự leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây ra tác động tiêu cực ở một nơi nào khác, bởi thương mại, lòng tin và đầu tư quốc tế bị nhắm đến đúng vào thời điểm nhạy cảm của nền kinh tế toàn cầu. Tác động sẽ rất nặng nề đối với các nền kinh tế tham gia vào chuỗi cung ứng... nhất là nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước Đông Á khác".
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, về dài hạn, một số nền kinh tế có mức thu nhập thấp có thể hưởng lợi từ quyết định áp thuế của Mỹ lên Trung Quốc, như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia, bởi các nước này có thể thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài./.