PV:Thưa Thiếu tướng, ông có thể cho biết quá trình mâu thuẫn xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian Tổng thống Donald Trump cầm quyền?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Vấn đề này bắt đầu gần 2 năm trong cuộc tranh cử Tổng thống 2016, ứng cử viên Donald Trump đã nhiều lần phê phán Trung Quốc. Ông cho rằng, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ khi sử dụng thủ đoạn kinh tế mang tính cướp đoạt để đe dọa láng giềng và quân sự hóa khu vực Biển Đông. Thông qua thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh như định giá đồng nhân dân tệ thấp nhằm phục vụ cho việc xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ, thế giới. Bên cạnh đó, Trung Quốc bán phá giá hàng hóa và ép buộc các doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc phải chuyển giao toàn bộ hoặc một phần bí quyết công nghệ cho các đối tác Trung Quốc.
Theo ứng cử viên Donald Trump, những thủ đoạn này của Trung Quốc mỗi năm cướp công ăn việc làm của hàng trăm người Mỹ và làm cho Mỹ thiệt hại khoảng 100 tỷ USD/năm. Thậm chí trong quá trình tranh cử, ông Donald Trump còn nói Trung Quốc là kẻ thù của Mỹ, nếu như trúng cử Tổng thống sẽ đánh thuế 45% hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ.
Có thể nói riêng về vấn đề kinh tế, Tổng thống Donald Trump là một nhà kinh doanh bất động sản và hơn hẳn những người tiền nhiệm như Tổng thống Obama, George Bush… bởi những người này chưa phát hiện ra được bất cập trong thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính Tổng thống Donald Trump đã nhìn sâu và nhận ra sự mất cân bằng thương mại trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Tôi cho rằng phát hiện của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề này rất đáng nể trọng và đúng đắn.
Sau khi lên cầm quyền làm Tổng thống từ đầu năm 2017, với phương châm nước Mỹ là trên hết và quan điểm khôi phục lại sự vĩ đại của Mỹ, Tổng thống Donald Trump quyết tâm giải quyết những mối bất cập về kinh tế đối với Hoa Kỳ và các nước khác. Donald Trump luôn ưu tiên quan hệ song phương và không vừa lòng với quan hệ đa phương vì ông cho rằng quan hệ đa phương gây thiệt hại cho nước Mỹ. Đơn cử như sau 2 ngày làm Tổng thống, Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, rút khỏi Hiệp định đầu tư và thương mại với Châu Âu; xét lại Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ…
14 tháng trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Trump tiếp tục thực hiện cam kết triển khai các biện pháp mạnh tay đối với các hoạt động thương mại của Trung Quốc mà ông “dán nhãn” là không công bằng.
Đặc biệt, Trump kiên quyết đánh thuế cao các mặt hàng của các nước khác vào Mỹ như tạm thời đánh thuế pin năng lượng mặt trời và đánh thuế cao máy giặt cỡ lớn của Trung Quốc đầu năm 2018. Bên cạnh đó, chính quyền Donald Trump công bố kết quả điều tra theo điều 232 của đạo luật mở rộng thương mại năm 1962. Theo đạo luật này, cơ quan Hoa Kỳ quyết định đánh thuế 25% đối với thép, 10% đối với nhôm nhập khẩu Hoa Kỳ. Riêng đối với Trung Quốc, ngày 23/3 chính quyền Donald Trump đã thông báo kết quả điều tra theo điều 301 của đạo luật thương mại 1974. Báo cáo này nói rõ hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ phải tăng thuế, Hoa Kỳ sẽ hạn chế việc mua bán sát nhập các doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ.
Vào ngày 6/7/2018, Mỹ áp thuế 25% lên 800 mặt hàng có tổng kim ngạch 34 tỷ USD từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm. Phần 16 tỷ USD còn lại trong kế hoạch đánh thuế 50 tỷ USD hàng hóa này sẽ được triển khai sau 2 tuần.
Ngay lập tức, Bắc Kinh tuyên bố áp thuế tương tự lên 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm các mặt hàng nông sản, xe cộ và hải sản. Tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng này nhập từ Mỹ vào Trung Quốc hàng năm cũng là 34 tỷ USD
Theo quan điểm của tôi đây chưa hẳn là cuộc chiến tranh thương mại mà đây chỉ mới là khúc nhạc dạo đầu giữa Mỹ - Trung, chứ chưa phải chính thức.
PV:Thưa Thiếu tướng, mục tiêu thực sự của chính quyền Donal Trump áp thuế và "khai hỏa" thương mại Trung Quốc là gì?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Theo tôi, mục tiêu chính quyền Donald Trump áp thuế hàng hóa Trung Quốc có 2 loại mục tiêu, đó chính là mục tiêu trực tiếp hướng vào Trung Quốc và mục tiêu nội bộ nước Mỹ.
Đối với Trung Quốc, việc Mỹ áp thuế hàng hóa có 3 mục đích:
Thứ nhất,giảm tối đa thâm hụt thương mại của Trung Quốc vào Mỹ. Trong năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đạt khoảng 375 tỷ USD. Ông Trump cũng yêu cầu Trung Quốc cắt giảm 100 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ trong năm 2018; yêu cầu Trung Quốc tăng cường nhập năng lượng của Mỹ như khí đốt hóa lỏng; giảm bớt hợp đồng Trung Quốc mua bán của Iran, Iraq…để tập trung nhập khẩu năng lượng khí hóa lỏng…
Qua đó chúng ta có thể thấy được, đây là yêu cầu bằng mọi cách Trung Quốc phải giảm xuất siêu sang Mỹ, mà cụ thể là giảm 100 tỷ USD hàng hóa nhằm cân bằng thương mại Mỹ - Trung.
Thứ hai, chính quyền Donald Trump phê phán Trung Quốc thiên vị các doanh nghiệp trong nước và kỳ thị, phân biệt đối xử với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc đưa ra những quy định nghiêm ngặt gây cản trở cho doanh nghiệp Mỹ. Vì vậy Mỹ yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường và không được ép buộc các doanh nghiệp Mỹ, làm ăn tại Trung Quốc chuyển giao toàn bộ hoặc một phần bí quyết công nghệ cho các đối tác Trung Quốc.
Thứ ba, Washington cũng nhắm tới “Made in China 2025”, một chương trình của chính phủ Trung Quốc nhằm thay thế các sản phẩm nhập khẩu trong 10 ngành chiến lược bằng sản phẩm trong nước. Mục tiêu cốt lõi của "Made in China 2025" là khiến ngành công nghiệp Đại lục có thể “tự cung tự cấp”, với những kế hoạch cụ thể như đảm bảo tự cung cấp 70% các nguyên vật liệu, phụ kiện cơ bản cho các ngành công nghiệp như thiết bị hàng không, sản xuất thiết bị viễn thông.
Qua đó, đầu tư vượt trội của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ chính vì thế ông Trump lo ngại nhiều hơn tới những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc trong tương lai gần hơn là những mất cân bằng thương mại giữa 2 nước bằng việc làm chậm quá trình triển khai “Made in China 2025”.
Tôi cho rằng đây mới chính là mục đích chính của Mỹ trong việc áp thuế Trung Quốc.
Còn đối với nội bộ Mỹ, thể nói trong 16 tháng lên cầm quyền, chính quyền Donald Trump đã triển khai nhiều chính sách đối nội và đối ngoại khiến cho lòng tin của người dân bị giảm, có nguy cơ khó giành được đa số áp đảo trong thượng viện và hạ viện trong cuộc bầu cử giữa tháng 11 này. Nên ngoài việc triển khai đánh thuế lên hàng hóa của Trung Quốc, thì chính quyền Donald Trump muốn chứng tỏ khả năng thực hiện lời hứa để tranh thủ sự ủng hộ của những cử tri trước đó đã bầu cho ông, nhất là khi cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Đồng thời làm cho Đảng Cộng hòa thông qua bầu cử nhiệm kỳ này vẫn chi phối đa số thượng viện và hạ viện.
PV:Thưa Thiếu tướng, ông có thể cho biết phản ứng của Trung Quốc đã diễn ra và sắp diễn ra như thế nào?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Chúng ta đã biết rằng ngay sau Mỹ triển khai áp thuế 34 tỷ USD từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm, thì Trung Quốc cũng tuyên bố công khai nâng giá các mặt hàng của Mỹ vào Trung Quốc cùng với trị giá 34 tỷ USD. Theo đó, cuối tháng này họ sẽ nâng 16 tỷ USD để ngang bằng với Mỹ. Đó là đáp trả mà có thể nhận thấy hoàn toàn công khai, minh bạch và tương xứng.
Bối cảnh như vậy sẽ diễn ra các kịch bản sau:
Thứ nhất, Trung Quốc tiếp tục đàm phán, mỗi bên lùi một bước để nhân nhượng nhau và thỏa hiệp.
Thứ hai, Mỹ lôi kéo EU, Nhật Bản, Ấn Độ hợp tác tập trung đối đầu Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải mở cử thị trường và thực hiện nghiêm chỉnh cam kết của WTO.
Thứ ba, nếu bị dồn ép thì có khả năng Trung Quốc bị rút ra khỏi WTO và lập ra một thị trường thương mại mới.
Thứ tư, cuộc đối đầu Trung - Mỹ tiếp tục leo thang và tác động đến thị trường chứng khoán toàn cầu khiến cho cả thế giới rơi vào vòng xoáy mới.
Thứ năm, Mỹ tiếp tục trừng phạt một cách kiên quyết với quy mô lớn hơn và buộc Trung Quốc một phần nhượng bộ, đáp ứng yêu cầu của Mỹ
PV: Ông có thể cho biết cuộc chiến tranh thương mại này tác động đến Việt Nam như thế nào?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Trước tiên, cuộc chiến tranh thương mại này có tác động đến thế giới. Bởi đây là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu và tùy theo mức độ đối đầu Mỹ - Trung. Và đến thời điểm này thì cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa tác động lớn đến toàn cầu.
Cũng như nhiều nước khác, lợi ích trực tiếp của Việt Nam đến từ cuộc chiến thương mại này. Khi cánh cửa cho hàng Trung Quốc sang Mỹ dần khép lại với mức thuế suất nhập khẩu tới 25%, thì có thể tận dụng được cơ hội thị trường Mỹ với các mặt hàng xuất khẩu cùng loại. Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc cũng là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc lại là thị trường nhập khẩu lớn nhất nên căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn chắc chắn tác động tới Việt Nam.
Trong cuộc chiến này Việt Nam vẫn có lợi khi Mỹ, Nhật Bản và liên minh Châu Âu căng thẳng với Trung Quốc thì sẽ tìm đến thị trường khác như ASEAN. Cho nên Việt Nam sẽ có cơ hội được quan tâm cả về đầu tư, trao đổi thương mại, khoa học công nghệ… Tóm lại, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Việt Nam
PV: Cảm ơn Thiếu tướng!