Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát được thành lập năm 1995 sau sự kiện phát hiện ra loài sao la vào năm 1992 và chuyển hạng thành Vườn Quốc gia Pù Mát theo Quyết định số 174/QĐ - TTg ngày 8/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
Với diện tích vùng nghiêm ngặt là 94.804 ha, vùng đệm có diện tích xấp xỉ 86.000 ha trải dài trên 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương; có gần 100.000 nhân khẩu thuộc các dân tộc sinh sống trên địa bàn gồm Thái, Kinh, Đan Lai, Mông, Khơ Mú, Ơ đu, Tày, Hoa... Pù Mát với nhiều tài nguyên động, thực vật quý giá, nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, hấp dẫn, độc đáo.
Ở đây có nét giao thoa văn hóa đa dạng của các dân tộc với những địa danh, những con người hiện diện cho những địa chỉ đỏ là của phong trào cách mạng và thời kỳ đổi mới. Địa danh này còn có nhiều món ẩm thực ngon miệng, hấp dẫn gắn với bản sắc văn hoá vùng, miền. Với những điều kiện sẵn có như vậy, Vườn quốc gia Pù Mát là mảnh đất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái kết hợp văn hóa lịch sử.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển tích cực của nền kinh tế, hoạt động du lịch Vườn Quốc gia Pù Mát và huyện Con Cuông cũng đã có nhiều khởi sắc trong việc đẩy mạnh hoạt động du lịch sinh thái. Người dân trong vùng từ chỗ thụ động, thờ ơ đã phần nào nhận thức được lợi ích của các hoạt động du lịch mang lại và tham gia vào các hoạt động mới mẻ này. Một số hộ đã có thu nhập ổn định, có hộ còn làm giàu từ các hoạt động dịch vụ du lịch.
Có thể thấy rằng lượng khách yêu thích loại hình sinh thái đến địa bàn trong những năm qua khá đông, nhiều đoàn khách (nhất là khách nước ngoài) có mong muốn được khám phá thiên nhiên, tham quan cảnh đẹp, thăm di tích lịch sử, nghỉ lại và sử dụng các dịch vụ, đặc biệt là muốn nghỉ lại tại nhà các hộ dân để tìm hiểu phong tục tập quán sinh hoạt, bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời có dịp để thưởng thức các món ăn đặc sản của người dân địa phương...
Ngoài các đoàn khách trong và ngoài nước đến với Vườn quốc gia Pù Mát theo mùa du lịch, thời gian qua, nơi đây cũng đã hợp đồng phục vụ lâu dài, liên tục trong năm cho đoàn khách nước ngoài của Công ty du lịch Khám Phá (Khánh Hòa) thực hiện các tour du lịch cho khách đến từ Tây Âu...
Đến với Vườn quốc gia Pù Mát, du khách có thể lựa chọn các tuyến, điểm du lịch theo sở thích như: Quần thể khu dịch vụ hành chính tại văn phòng (Trung tâm giáo dục môi trường, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, đỉnh Pù làng Âm, vườn thực vật ngoại vi, vườn ươm...); Quần thể khu du lịch thác Khe Kèm (Lục Dạ - Con Cuông); Quần thể Khu du lịch tại Phà Lài Môn Sơn (Cây đa Cồn Chùa, đập Phà Lài, sông Giăng khe Khặng, nhà cụ Vi Văn Khang, thác Làng Yên...) hay lựa chọn tham quan các điểm làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống bản Yên Thành (Lục Dạ), khe nước mọc "Rốn cô Tiên", Thắm Nàng Màn, hang Ốc (Yên Khê), rừng săng lẻ, các hang động tại Tam Đình (Tương Dương), thành Trà Lân, bia Ma Nhai, hang Ông Trạng, đền Cửa Lũy...
Hoặc du khách có thể đi theo tour du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên, kết hợp thám hiểm, nghiên cứu khoa học có cự ly di chuyển 20 km với thời gian tham quan từ 1 buổi đến 1 ngày. Ngoài ra còn có tour du lịch tham quan tổng hợp: Khe nước mọc - làng dệt thổ cẩm - Cây đa cồn Chùa - đập Phà Lài - Sông Giăng có cự ly di chuyển 20 km và chừng 2h đi thuyền máy; Tour du lịch tham quan, thám hiểm thiên nhiên kết hợp nghiên cứu khoa học, tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể, thám hiểm các hang động kỳ thú; tour du lịch sinh thái kết hợp du lịch mạo hiểm; tour du lịch đi bộ trong vùng đệm vườn quốc gia. Các tour du lịch này là sự kết hợp nhiều loại hình du lịch: du lịch sinh thái, du thuyền trên sông Giăng, tham quan thám hiểm thiên nhiên kết hợp tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, lịch sử, tham quan làng nghề...
Để Vườn Quốc gia Pù Mát khai thác, phát huy thế mạnh về du lịch dịch vụ, xứng đáng là một trong những điểm, tuyến, tour du lịch chính của tỉnh, trong những năm tiếp theo cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tiềm năng du lịch, nhất là du lịch sinh thái.
Tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư vào những công trình du lịch trọng điểm, đặc biệt chú ý phát triển cơ sở hạ tầng (đường sá, điện nước, bưu chính, viễn thông, bệnh viện, các công trình văn hóa vui chơi giải trí...). Phối kết hợp để đào tạo nên một đội ngũ nhân viên dịch vụ du lịch có chất lượng đáp ứng ngang tầm yêu cầu công việc, làm hài lòng khách du lịch, nhất là du khách trong nước, quốc tế.