Một chiều tháng bảy gay gắt nắng, chúng tôi tìm về làng Mỹ Thiện ( xã Hưng Châu- Hưng Nguyên) tìm gặp ông Hồ Sỹ Lịch- đại đội trưởng đầu tiên của Đại đội 333 TNXP- đơn vị từng được Bác Hồ gửi tặng lẵng hoa và viết thư khen ngợi năm 1969. Ngôi nhà nhỏ nằm khuất sau rặng tre già, người đại đội trưởng năm nào giờ đã hơn 80 tuổi nhưng phong thái vẫn hoạt bát, minh mẫn.

Sinh năm 1931 trong một gia đình nông dân nghèo, như bao thanh niên yêu nước khác ông khát khao được cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1952, Hồ Sỹ Lịch tham gia kháng chiến chống Pháp ở đơn vị vô tuyến 320 chiến đấu tại vùng địch hậu. Đến năm 1955 phục viên về tham gia sinh hoạt đoàn thể tại địa phương và hai năm sau được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Từ năm 1961-1963, Hồ Sỹ Lịch đi công nhân quốc phòng tại Lào, sau đó quay về làm chủ nhiệm hợp tác xã tại Nam Cát quê nhà.

Tháng 12 năm 1965, huyện điều ông đi làm đại đội trưởng Đại đội TNXP 333, đơn vị mới thành lập với 230 người trong đó có 200 chị em gái mới rời ghế nhà trường tuổi đời từ 18- 20.

763256_small_56687.jpgTác giả trò chuyện với đại đội trưởng Đại đội 333.

Trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại ác liệt của không quân Mỹ, Đại đội 333 thường được giao mở đường, san lấp hố bom, bắc cầu trên những cung đường khó khăn, gian khổ nhất ( tuyến đường ác liệt 15A,34 và mạng đường xương cá nối đường chiến lược 15A và 49)... Ở đâu đơn vị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cuối năm 1966, đơn vị chuyển sang bám trụ tại Cầu Cấm (Nghi Lộc) được ví là "xương sống" và "túi đựng bom" của khu vực này. Theo thống kê của đài quan sát, trong năm 1968 địch đã đánh vào trận địa cầu Cấm 881 trận với 27 ngàn quả bom các loại và trên 5.000 quả đạn pháo từ hạm đội bảy bắn vào. Hố bom, hố pháo chồng lên nhau.

Trước sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, Đại đội 333 vẫn kiên cường bám trụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Là người đại đội trưởng chỉ huy một đơn vị đa phần là nữ, nhưng với tác phong gương mẫu, gần gũi, ông Lịch luôn được anh chị em trong đơn vị coi như người anh cả. Đầu năm 1969, đơn vị vinh dự được Bác Hồ gửi tặng lẵng hoa và viết thư khen ngợi.

Thư Bác viết đề ngày 27-1-1969 trong đó có đoạn ghi "Các cháu xứng đáng là những thanh niên ưu tú của nhân dân Việt Nam anh hùng... Bác nhắc nhở các cháu: Phải nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng cùng quân dân ta quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược; luôn luôn đoàn kết, ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hoá để ngày càng tiến bộ, đem hết nhiệt tình, tài năng của tuổi trẻ cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước...". Khi thư Bác được đọc to lên, cả đại đội đều lặng đi vì xúc động. Bức thư được đọc đi đọc lại nhiều lần.

Chị em còn chép lời thư Bác vào sổ tay, nhiều người học thuộc lòng. Lời Bác viết trong thư trở thành sức mạnh để đơn vị TNXP 333 vượt lên mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ đuợc giao.

Cho đến bây giờ, ông Lịch vẫn còn giữ được bản pho to bức thư của Bác Hồ. Với ông đó là tài sản vô giá của một thời gian khổ, hào hùng. Nó luôn nhắc nhở ông giữ vững phẩm chất của người TNXP.

Cuối năm 1969, Hồ Sỹ Lịch được điều sang làm đại đội trưởng TNXP T25 làm nhiệm vụ bí mật cho Tỉnh uỷ. Năm 1970, ông chuyển sang Công ty sông biển. Đến năm 1971 ông được điều về làm cán bộ vật tư tại Công ty cơ giới Thuỷ lợi và công tác ở đó cho đến năm 1978 thì về hưu.

Với những cống hiến của mình, ông được tặng thưởng: Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, 3 huy hiệu chiến sỹ thi đua. Hơn 80 tuổi đời, 53 tuổi đảng, người anh cả của Đại đội 333 năm nào vẫn luôn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo, gia đình nhiều năm liên tục đạt danh hiệu gia đình văn hoá tiêu biểu, bằng khen " ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền".


Gia Huy- Phúc Thanh