Tôi có dịp cùng nhà văn Nguyễn Minh Châu về Lạch Vạn, Lạch Quèn. Một buổi hoàng hôn yên lặng, nhường lời cho sóng biển trầm hùng đều nhịp vỗ vào bờ. Tha thẩn dọc mép nước khá dài, anh nói: "Suy ngẫm cho cùng thì con người ta cả đời tìm kiếm được cái ăn cực kỳ khó!
Bởi thế xưa, ở nước Nhật Bản có tục truyền, ông bà đến tuổi lão, chọn một ngày đẹp trời, gói một nắm cơm vào lá chuối xanh, tìm một hòn núi trèo lên sống ở đó. Nguyện ăn hết nắm cơm thì chết, để lại cái ăn ở nhà cho con cho cháu. Cái ăn đổi kiếp người. Đau đớn thay!".
Sau ngày anh Châu mất, tôi không còn ai đàm luận chuyện đời nữa. Lần về Lạch Vạn một mình, tôi ngấm lời anh, miên man nghĩ kiếp người sống trước ngọn sóng. Người Việt trọng xỉ, làng nào cũng có tiên chỉ. Người cao tuổi được trọng vọng hơn quan viên. Tuổi già còn sức, còn lao động kiếm sống, không muốn dựa vào nhờ vả cháu con.
Thuở trọ học nhà cố Định, xóm Xuân Đình, Diễn Tiến. Một hai giờ sáng, cô Lương dậy bung nồi ngô cho vào cạu, đông bánh đúc, gói muối vừng lạc, trầu cau, chất vào túi lưới cho cha ra khơi. Ba giờ chiều cố Định về, con gái ngừng tay vá lưới, bưng lên chợ Dâm mớ cá tôm cua, đổi chác ngô gạo ngày mai. Những cơn sóng thần cao trên ngọn phi lao, đổ ập xuống, làng quê Đông các đại học sĩ Cao Xuân Dục phải chạy lên trên quốc lộ 1, nhưng rồi con người vẫn nảy mầm kiếm sống, tạo nên "trên trời dưới lạc", nổi tiếng cả nước...
Chiến tranh ác liệt, tôi về nhà mẹ Lịch, Tràng Thân cùng đảng bộ Diễn Phúc chống Mỹ. Gắp cạn bom bi, bụng còn xệ, phải băng treo lên cổ, mẹ vẫn cho trâu ra đồng, tranh thủ kiếm con dam về nấu khế, cải tiến bữa ăn cho cán bộ nằm vùng. Bưng bát canh, tôi ứa nước mắt. Đồng chiêm trũng Diễn Thái quanh vùng chân núi Lượng Kiên Sơn.
Những trận bão lụt tràn về, mỗi xóm một cù lao. Ông Phó Ngà, chuyện bà con kể lại, lão thường vai vác cày tay cặp nách con trâu bơi qua sông lên đồng cày cuốc. Lúc lụt bão đóng quanh làng, lão phải cưỡi trâu đi xin lửa. Nhưng được lửa, lão nấu nồi khoai xéo, cưỡi trâu đem biếu từng nhà. "Miếng khi đói bằng đọi khi no". Quý hơn lạng vàng mười! Ngày ấy kẻ sĩ cũng đồng cảnh ngộ. Tôi nhớ nhà giáo Nguyễn Trung Hiếu, dạy Đại học sư phạm Vinh về Diễn Bình bán nhà hương hỏa. Thầy trò đạp xe về quê thì trời đã quá trưa, chỉ giám tạt vào chợ Sò làm mấy chục bánh mướt đòn càn, chấm bát ruốc trộn ớt cay xé lưỡi! Kiếm được cái ăn đâu dễ!
Thế mà đầu thiên niên kỷ thứ 3 này, nhân chuyện trò với anh Cầm, phó bí thư huyện ủy, anh nói: Bữa cơm người dân Diễn Tháp quê anh bây giờ có thể hơn phú nông địa chủ ngày xưa...
Qua câu chuyện anh Cầm, tự nhiên tôi cảm tưởng hôm qua trên xe ô tô từ Vinh về dạo một vòng quanh huyện, tôi như đi vào trùng điệp công viên. Mỗi gia đình là một cây hoa hương sắc. Mái ngói, mái tôn, tường khuôn viên tô xanh vàng rực rỡ. Tôi thầm nghĩ: Nhà cửa như thế, quả thật "cái ăn bây giờ không còn là vấn đề nan giải nữa"như lời cô bác tôi nói, mỗi khi tôi về làng.
Hàng chục thế kỷ, giặc phương Bắc tràn sang cướp bóc. Thực dân Pháp, Nhật, Mỹ xâm lược nước ta cũng để miếng ăn của họ sung mãn, đầy cao lương mỹ vị! Nhân dân Diễn Châu chống trời, chống giặc để sinh tồn.
Cái ăn đã có bây giờ người dân phải làm sao cho bữa ăn có chất lượng hơn. Bà cô tôi lấy chồng về Diễn Vạn, nơi có thương hiệu nước mắm Vạn Phần. Khi sinh con đầu lòng phải ăn cơm với nước mắm cạo, thứ nước mắm cô đặc khê khét mặn chát. Bây giờ nước mắm Vạn Phần hàng năm chế biến trên 13 triệu lít chất lượng phục vụ cả nước.
Tôi và nhà thơ Trần Hữu Thung tình cờ gặp ông Ngộ, cán bộ thủy sản về hưu, lặng thầm trồng xuyên khung, tam thất, sâm Cao Ly trên núi Mộ Dạ, nhờ vía vua Thục An Dương Vương chăm sóc. Hôm ấy bữa cơm có thêm chén rượu thuốc "cây nhà lá vườn". Mấy chục năm rồi vẫn lưu mãi trong tôi.
Bây giờ đứng trên núi Mộ Giạ nhìn ra biển Đông, nơi ông cha ta thả lưới buông câu, kiếm miếng ăn, có bao giờ như bây giờ, sản lượng đánh bắt lên tới 24.900 tấn. Đồng thời với khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt 5.000 tấn trên diện tích 2.900 ha. Thế là lượng cá tôm tươi trên mâm cơm ngày nào cũng sΩn. Nhân dân cửa Lạch Vạn không chỉ có thú vui ngắm cảnh "Bích Hải quy phàm" xưa.Và tưởng nhớ ông thần canh biển Sát Hải Đại Vương.
Đi dọc phía trên bãi sò Long Cương từ Mộ Dạ, qua Rú Ta, Rú Mụa, Động Thờ đến Hòn Trơ nhìn xuống đất ông cha ta cày cuốc. Mấy cánh đồng sôi nổi phấn đấu đạt 50 đến 70 triệu đồng trên một ha, người dân ông Đùng ông Đà, ông Phó Ngà, cha con ông cháu Tiến sỹ Ngô Trí Hòa, Hoàng giáp Đặng Văn Thụy không khỏi ngỡ ngàng. Diện tích năng suất cao ấy đã chiếm đến 60% đất canh tác. Cùng với diện tích ấy là hai khu công nghiệp nhỏ Diễn Hồng, Diễn Tháp là hai càng xe kéo kinh tế Diễn Châu đi lên, thay đổi chất lượng vật chất.
Đêm nay rằm trăng sáng, nằm trên thuyền mảng của ngư dân Diễn Hải, sát những con sóng dạt dào cùng bạn thơ Trần Ngọc Cảnh. Giữa trời nước sáng lộng mênh mang, chúng tôi không chợp mắt. Nghĩ về bãi tắm Diễn Thành, Hòn Câu... Nghĩ về trạm y tế anh hùng Diễn Vạn. Quanh quẩn chuyện nhà văn Nguyễn Minh Châu kể năm nào. Thương bao kiếp người đói cơm đói áo. Hơn sáu mươi năm sau Cách mạng Tháng Tám mới trọn một hội đời người, Di?n Châu cùng cả nước đã xóa đói, đang giảm hết nghèo.
Hàng năm, có 2.300-2.500 học sinh đậu vào các trường Đại học và Cao đẳng. Đáng mừng là trường Cao đẳng Hoan Châu đặt trên quê hương, sẽ là lực lượng bổ sung nguồn lao động có trong tay vốn khoa học kỹ thuật. Có 12 làng nghề (bánh kẹo Diễn Vạn, bún Diễn Quảng, trại nuôi gấu, tê giác ở Diễn Lâm...) tất cả đều dùng bàn tay tài nghệ kiếm tìm thêm cái ăn có chất lượng cao hơn.
Đang chuyện về doanh nhân trồng hoa Diễn Hồng, bưng kết trống Hoàng La, mấy nhà làm hương ở Diễn An, ở thị trấn xuất khẩu sang cả Mỹ, Hàn Quốc... góp niềm vui, niềm tin cho cuộc sống tinh thần, tự nhiên tôi nhớ về ngọn cờ ông nghè chống Pháp - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn, nhớ người cộng sản kiên trinh Phùng Chí Kiên. Muốn suy nghĩ về một cái biểu tượng cho mảnh đất quê hương.
Phải chăng đó là ngọn núi chính khí Hai Vai trên dòng sông Bùng hiền hòa? Như có đề xuất ngày hội thảo 1.380 năm danh xưng Diễn Châu. Phải chăng đó là chiếc Đại thuyền buồm từ Cửa Vạn vượt lừng lững sóng cồn ra khơi chiếm lĩnh những tầm cao mới?!