(Baonghean) Cứ mỗi độ Xuân về, khi tiếng khèn, tiếng sáo gọi bạn ngân vang trên những sườn núi mờ sương thì đồng bào Mông ở huyện Kỳ Sơn cũng nô nức chuẩn bị tổ chức hội chọi bò. Hội chọi bò nơi miền biên viễn này không náo nhiệt như hội chọi trâu Đồ Sơn hay hội đua bò Bảy Núi của đồng bào Khơ mer ở tỉnh An Giang, nhưng lại có nét riêng độc đáo của nó.
Theo các già làng kể lại thì hội chọi bò của đồng bào Mông bắt đầu hình thành vào khoảng năm 1925 cho đến nay và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những năm gần đây, phong trào nuôi bò của bà con phát triển mạnh và giao thông đi lại thuận lợi thì hội chọi bò không chỉ trong phạm vi một xã mà còn có sự tham gia của bà con liên xã, có năm bà con bên nước bạn Lào cũng mang bò sang tham gia. Có nhiều xã trong huyện tổ chức chọi bò, nhưng đông vui nhất vẫn là hai xã Mường Lống và Huồi Tụ. Tuy quy mô chưa lớn nhưng hội chọi bò vào những dịp Xuân sang thực sự là một ngày hội văn hóa của đồng bào người Mông nơi đây.
Những ngày diễn ra hội chọi bò, ngay từ sáng sớm, khi những đám sương trắng còn bao trùm trên những vạt đồi, bà con ở các bản làng người Mông trong trang phục sặc sỡ đã đổ về "đấu trường" đông nghịt. "Đấu trường" nằm trên bãi đất trống gần trung tâm xã và được tạo thành một vùng lõm như cái ao rộng. Khi ban tổ chức tuyên bố danh sách đội trọng tài kiêm luôn bảo vệ (đề phòng bò làm loạn trường đấu), lần lượt các cặp bò đã bắt thăm từ trước được chủ nhân dắt vào “đấu trường”, con nào chiến thắng được tiếp tục bắt thăm vào đấu vòng sau. Kết thúc hội đấu, hai con bò to khỏe nhất, loại được nhiều đối thủ nhất vào thi đấu trận chung kết. Khác với các hội chọi trâu, trong hội chọi bò của người Mông, con bò vô địch sẽ không có giải thưởng và không bị giết thịt tế thần linh.
Hội chọi bò của đồng bào Mông ở Kỳ Sơn.
Ông Vừ Giống Dìa, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban tổ chức Hội chọi bò xã Huồi Tụ, Xuân Quý Tỵ lý giải: “Đối với đồng bào Mông chúng tôi, bò là một loại vật nuôi rất gần gũi với người. Cùng với con gà, thì con bò là vật có mặt trong mọi lễ, hội quan trọng, đôi khi được ví như thước đo của sự phồn thịnh, ăn nên làm ra của mỗi gia đình đồng bào Mông. Con gái Mông khi lấy chồng, bố mẹ đẻ thường tặng một con bò, là sính lễ đưa về nhà chồng để cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Người già khi mất đi, những người thân trong gia đình thường giết một con bò có đôi sừng đẹp nhất để làm nghi lễ. Nhất là trong những năm gần đây, việc nuôi bò đã trở thành phong trào phát triển kinh tế của đồng bào chúng tôi. Nuôi bò không chỉ để tham gia hội chọi mà còn trực tiếp giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Do vậy, những chú bò thắng cuộc sẽ không bị giết thịt mà được bà con hết sức yêu thương, coi đó là một sự may mắn mang đến nhiều tài lộc cho dân bản trong năm mới. Chọi bò không chỉ là một lễ hội truyền thống mà còn thể hiện cho sức mạnh, sự dẻo dai, đoàn kết và phát triển của cộng đồng”.
Cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội của đồng bào các dân tộc huyện Kỳ Sơn, hội chọi bò truyền thống của đồng bào Mông cũng đang ngày càng phát triển về quy mô và chất lượng. Trong những ngày diễn ra lễ hội, những chàng trai, cô gái Mông đến từ nhiều nơi khác nhau tổ chức ném còn, thổi khèn tìm người thương. Đây là một nét đặc sắc trong văn hóa người Mông ở Kỳ Sơn và có tác động lớn đến cuộc sống tinh thần và cổ vũ cho phong trào chăn nuôi bò giỏi của đồng bào ở miền biên viễn này.
Vùng cao vào hội chọi bò
Phùng Ngọc Thăng (HT: 5NK 129 Vinh)