(Baonghean) - Ngày cuối năm, chúng tôi ngược về Tương Dương, nơi đang nỗ lực để bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Trưởng phòng Văn hóa huyện Vi Sắt Son cho biết, phòng đang thực hiện chương trình dạy chữ Thái Lai Pao. Hỏi nơi nào xa nhất?
Anh đáp: Nga My…


Cách Thị trấn Hòa Bình gần 70 km, xã Nga My gồm 9 bản với diện tích 18.584.39 ha, 959 hộ, 4.397 khẩu, trong đó có tới 855 hộ nghèo. Với sự quan tâm của huyện, ở Nga My đang triển khai lớp dạy chữ Thái Lai Pao tại trường THCS và dạy tiếng Ơ Đu tại bản Văng Môn.

Lớp học chữ Thái Lai Pao do chị Lương Thị Ngọc, cán bộ Chương trình 30a xã Nga My làm giáo viên. Không khí của lớp học khá sôi nổi. Thoáng chút ngượng ngùng, Vi Thị Ngà, học sinh lớp 8D cho biết, em đã viết được các chữ cái, ghép chữ và đánh vần. Theo Ngà, học chữ Thái Lai Pao không khó lắm. Khi được hỏi học chữ có thích như các môn học khác? Em Lô Tài Trí nói: “Cháu thích, vì đây là chữ viết của đồng bào cháu. Nhưng cháu mong các bạn đều được học chữ…”.

788023_small_88868.jpg

                      Cô giáo Lương Thị Ngọc và học sinh lớp học chữ Thái Lai Pao.

Theo Lương Thị Ngọc, nhu cầu học chữ của học sinh ở Nga My rất lớn nhưng chỉ có mình cô thì không thể kham nổi. Lớp đang dạy có 40 người, gồm học sinh đủ các cấp học và vài cán bộ xã, như vậy đã quá sức của cô. Ngọc tâm sự, bởi người học có ý thức nên việc dạy chữ thuận lợi, nhưng cũng còn đó không ít khó khăn. Do không có địa điểm dạy, phải mượn phòng học nên việc dạy chữ hầu như vào buổi tối, trong khi Ngọc còn vướng bận con nhỏ. Giáo trình giảng dạy chữ Lai Pao có 20 bài, chưa thể hiện hết những nét đặc sắc của văn hóa người Thái và khó để các em đạt mức đọc thông viết thạo. Hơn nữa, do cách phát âm của người Thái từng khu vực ở Tương Dương có sự khác nhau, ví dụ: Từ “ăn cơm” người Thái ở Nga My, Yên Hòa phát âm là “ki khàu”, người Thái ở Lượng Minh, Lưu Kiền, Tam Quang, Tam Thái phát âm là “kín khàu” nên khi thể hiện qua chữ viết chưa có sự đồng nhất. Cũng theo Ngọc, kinh phí hỗ trợ đào tạo là một vấn đề cần phải được quan tâm hơn nữa. “Em không băn khoăn lắm về công xá của bản thân, vì được truyền chữ cho đồng bào mình là một niềm hạnh phúc. Tuy nhiên phải có kinh phí để đào tạo thêm nhân lực giảng dạy, mở lớp, biên soạn thêm tài liệu… thì mới có nhiều người được học và học tốt chữ Lai Pao”.



              Cụ Lo Văn Nghệ truyền dạy tiếng Ơ Đu cho đồng bào bản Văng Môn.

Bản Văng Môn, xã Nga My là nơi tập trung của tộc người Ơ Đu cư trú theo chương trình di dân tái định cư Thủy điện Bản Vẽ. Hiện nay, cả bản có trên 90 hộ với khoảng 400 khẩu. Theo Bí thư chi bộ Mạc Thị Tím và Trưởng bản Lo Xuân Tình, do sống rải rác, lẫn lộn nhiều năm cùng các đồng bào khác nên tiếng nói của tộc người Ơ Đu đã bị mai một, thế nên khi về sống tập trung, việc truyền dạy tiếng đang được cấp trên quan tâm tổ chức thức hiện. Dẫu vậy, việc dạy tiếng gặp nhiều khó khăn vì trông chờ vào 5 người già của bản, trong khi các cụ đều đã yếu, giọng nói không rõ nên rất khó truyền đạt cho người học. Cả 5 cụ chỉ nhớ được khoảng 100 tiếng, lại không có các sinh hoạt văn hóa cộng đồng để sử dụng, ra bên ngoài thì dùng tiếng Kinh, tiếng Thái nên hiệu quả truyền dạy thấp…

Tiếp xúc với các cụ Lo Văn Nghệ, Lo Hồng Phong - những người truyền tiếng - thì thấy việc bảo tồn bản sắc văn hóa của tộc người Ơ Đu quả hết sức khó khăn. Các cụ có tâm huyết, cố gắng đem hết vốn từ truyền dạy với hy vọng tiếng nói của tộc người mình không bị mất đi. Khổ nỗi, lực các cụ có hạn, trong khi việc truyền dạy cần lắm thứ mà các cụ và cộng đồng người Ơ Đu bản Văng Môn không thể lo nổi. Khi chúng tôi rời Văng Môn, Bí thư chi bộ Mạc Thị Tím nói: “Còn nhiều khó khăn ngoài tầm với của thôn bản, mong cấp trên tìm cho tài liệu dạy tiếng và bổ sung kinh phí chứ một buổi dạy, cả người truyền dạy lẫn người học chỉ được có 30.000 đồng…”.

Theo Trưởng phòng Văn hóa Vi Sắt Son, qua 4 năm thực hiện, đến nay huyện mở được 12 lớp dạy chữ Thái Lai Pao ở nhiều xã với khoảng trên 400 học viên. Kinh phí cho mỗi lớp học trước đây là 43 triệu đồng, riêng năm 2012, được bố trí 60 triệu đồng cho mỗi lớp. “Rất nhiều khoản chi như in ấn tài liệu, thù lao đứng lớp, quản lý phí… nhưng kinh phí về chậm lắm. Năm 2012, chúng tôi phải vay tạm tiền để mở lớp. Đến nay nguồn vẫn chưa về, cán bộ của phòng đang ôm hồ sơ về tỉnh để quyết toán” - anh Son nói - “Dạy đã khó, nhưng để người học duy trì, sử dụng chữ viết còn khó hơn. Phòng Văn hóa muốn in một số sách truyện dân gian, ca dao của dân tộc Thái bằng chữ Lai Pao để gửi cho tủ sách các trường cho các em sử dụng nhưng không có kinh phí nên đành chịu. Hơn nữa, các hoạt động văn hóa cũng quá ít, mỗi năm chỉ có một lần thi viết chữ tại Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào. Học mà không được sử dụng thì chỉ một thời gian ngắn lại quên…”.

Đối với đồng bào Ơ Đu ở Văng Môn, theo anh Son, tỉnh đã đầu tư hơn 2 tỉ đồng giao cho Ban Dân tộc tổ chức thực hiện dự án “Hỗ trợ phát triển dân tộc Ơ Đu”, trong đó vừa hỗ trợ sản xuất, xây dựng hệ thống nhà văn hóa và mở lớp dạy tiếng để khôi phục lại ngôn ngữ cho đồng bào. Tuy nhiên, cách thực hiện như hiện nay chưa có hiệu quả, do người dạy tiếng hiện tuổi đã cao, không có nghiệp vụ sư phạm, dạy theo kiểu truyền miệng, lại không đủ tiếng nên đồng bào rất khó tiếp thu và khó trong giao tiếp. Cuộc sống của đồng bào Ơ Đu rất vất vả, khó khăn nên còn ít người theo học…

Qua trao đổi với cán bộ Phòng Văn hóa Tương Dương và những điều được chứng kiến ở Nga My, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền sở tại, ý thức tự tôn của đồng bào, cần phải có sự hỗ trợ hơn nữa về mọi mặt thì công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc nơi đây mới đạt được kết quả.


Nhật Lân