(Baonghean) - Thật khó mà bình tĩnh khi xem Đài Truyền hình Việt Nam chiếu cảnh nông dân Cà Mau đốt cả rừng mía cháy ngùn ngụt mà nguyên nhân chỉ vì không bán được.
 
Chiều cuối tuần, dường như lòng trắc ẩn đưa tôi ghé vào một quán nước mía ven đường như thể “đồng cảm với bà con” vậy. Năm nay nhuận hai tháng chín, cái nắng xiên khoai của buổi chiều thỉnh thoảng vẫn oi bức và khó chịu. “Kinh tế vỉa hè” vẫn nhộn nhịp với những chiếc xe đẩy bán nước mía rộn ràng. Có thể nói, nước mía là thứ giải khát nguồn gốc tự nhiên có “âm sắc” bình dân được bán chạy nhất nhì trên thị trường những năm gần đây. Chưa thấy ai chê nước mía đắt, có lẽ cũng ít người uống nó vì giá rẻ. Dẫu đã chuyển mùa, vẫn 10.000 đồng một ly, còn gọi là “cốc vại”, đây đã là “giá sàn” từ năm 2013. Tất nhiên nó mặc kệ “lão” xăng dầu trồi trụt. 
 
Hình như đã có một tỷ phú nào đó thành công từ cái gọi là “nước mía siêu sạch”. Thậm chí, bây giờ đã có cả nước mía đóng gói thương hiệu Shake. Tất nhiên người sản xuất ra cái xe cán nước mía thì trở thành tỷ phú từ lâu rồi! Xung quanh cây mía vẫn không chỉ có những người siêng năng cần cù mà cả giỏi tính toán. Mỗi cây mía bình quân ép được 4 ly nước, mỗi ly 10.000 đồng, vậy chi “doanh số đầu ra” cũng 40.000 đồng trên 1 cây mía. Mỗi ngày bán được vài chục cây, “cũng đủ tiền cho cháu ăn học chú ạ” (lời của một chị bán hàng). Có lần, người viết bài này ghé quán nước mía nọ và hỏi thăm người bán hàng về “chiến lược kinh doanh mùa đông” thì được biết “trời lạnh có mía nướng, mía hấp gừng, mấy món này giờ đắt khách lắm”. À ra thế, nhẩm sơ sơ mới biết thu nhập của chị bán nước mía gấp đôi của mình - một công chức có hệ số lương bậc 6/9.
 
Mừng cho chị, mừng cho cái gọi là “kinh tế vỉa hè”, một chủ đề mà có lẽ chúng tôi sẽ bàn vào dịp khác. Xin lỗi những người bán nước mía, khi viết bài này không hề có ý định so bì về thu nhập. Các chị vất vả, các chị cũng đầu tắt mặt tối mới kiếm được vài đồng tiền của thiên hạ. Không ai giàu có mà lại lựa chọn “nghề xe đẩy” cả. Các chị đáng trân trọng với những giọt mồ hôi chân chính, các chị xứng đáng với thu nhập như thế và hơn thế nữa. Tuy nhiên, nếu xếp theo hàng dọc thì phía trước các chị, những người nông dân trồng mía, có bao giờ họ được thảnh thơi để thường thức một ly nước mía siêu sạch? Vâng, đấy là một câu chuyện dài. Trước hết xin được nói đến cái nghịch lý đắng nghét, đấy là nông dân châm lửa đốt mía còn doanh nghiệp chế biến và kinh doanh đường thì vẫn siêu lợi nhuận.
 
Bằng chứng rõ ràng nhất được thể hiện ngay trên thị trường chứng khoán, 246 tỷ đồng là con số dương “to khỏe” mà Công ty đường Biên Hòa kiếm được trong 9 tháng đầu năm 2014 (tăng 60 % so với cùng kỳ năm ngoái)! Tương tự, Công ty cổ phần đường Ninh Hòa lãi 213 tỷ đồng, tăng 50 % so với cùng kỳ. Cùng “duộc”, Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công - Tây Ninh, Công ty cổ phần mía đường Nhiệt điện Gia Lai, Công ty cổ phần mía đường Sơn La cũng “khiên tốn” đút túi từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng mỗi đơn vị. Đúng là nước mía ngọt thật, nhưng đường còn ngọt hơn... 
 
Trở lại câu chuyện những ngày qua, báo hình, báo giấy, báo mạng, cả báo tiếng nữa, liên tục đưa tin về việc hàng loạt nông dân Cà Mau châm lửa đốt những héc ta mía mơn mởn đang vào kỳ thu hoạch. Lửa vẫn rừng rực cháy khô đi bao giọt mồ hôi chất phác bởi những chính sách bất cập đến lạnh lùng. 
 
Hình như đã có nhiều năm, lắm chuyện, với những tình huống đắng có, chua có, cay cũng có mà nguyên nhân bắt đầu từ hội chứng làm kinh tế kiểu phong trào. Tâm lý hùa theo đám đông đã đưa cà chua đi đổ, đưa khoai lang ruột tím cho heo xơi... Rồi hết nhổ cà phê trồng hồ tiêu lại nhổ hồ tiêu trồng điều... Cứ thế và cứ thế. Bài học vẫn nối tiếp bài học mà người nông dân âm thầm tự trả cho những bước đi mò mẫm của chính mình bên cạnh những “ông bầu” vô cảm thường được gọi là thương lái. “Lái” ơi “thương” dân chút đi! Chỉ cách đây ít ngày, sau khi “hỏa thiêu” thành công những ruộng mía của mình, một nông dân đã hồn nhiên trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam rằng: Khiếp rồi, sẽ không bao giờ trồng mía nữa, nhà tôi quyết chuyển sang trồng dưa thôi!
 
Thế đấy, lại “nhảy” sang trồng dưa. Trồng dưa cũng tốt thôi, ruột dưa rất đỏ và vị dưa cũng ngọt. Nhưng, hình như bác nông dân ấy quên chuyện năm ngoái hàng trăm xe tải chở dưa bị ách tắc ở Cửa khẩu Tân Thanh rồi thì phải. Chỉ sợ mía ế còn đốt được chứ dưa thì khó đốt, bác ơi. Chúng ta đã có quá nhiều bài học. Tuy nhiên, công bằng mà nói, gần đây, một số địa phương bắt đầu đưa ra những định hướng tiệm cận dần với sự phù hợp. Nghệ An là một trong trong những tỉnh đã khá nhịp nhàng trong  việc gắn vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến, có lẽ đây cũng là một ví dụ đáng tham khảo. Tuy nhiên, nhìn chung trên bình diện cả nước, cái thiếu vẫn là một chính sách tổng thể ở tầm vĩ mô, một sự kết nối toàn quốc, thậm chí là khu vực. Đã đến lúc chúng ta không thể bỏ mặc nông dân tự mình làm chính sách một cách hoang dã nữa. Đừng để nông dân đem đổ những gì mà họ đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để làm ra. Mía rất ngọt, nhưng phải châm lửa đốt đi thì đắng lắm! 
 
Nguyễn Khắc An