Không kể đến các đền chùa, các cổng thành cổ và một số di tích lịch sử nhỏ, Vinh của hoài niệm gần trong mỗi công dân đô thị loại một hôm nay dễ gợi nhất còn lại có lẽ sẽ là khu nhà tầng Quang Trung do CHDC Đức (cũ) viện trợ xây dựng, Rạp 12 - 9 và một vài con ngõ cảm giác như mấy thập kỷ nay vẫn thế.
Rất nhiều người cho rằng phố Ngư Hải rợp bóng cây và không mấy sôi động dịch vụ đang là con phố chậm phai nét phố cũ và đáng yêu nhất của Vinh. Ở nội đô bây giờ, khuất lấp trong sầm uất, bề thế của các đường phố chính, các khu đô thị với nhịp sống đã đậm nét xô bồ, cuồn cuộn của lối sống thị trường, hưởng thụ mới, là còn những mảng cảnh tình thôn quê của các khối dân cư "gốc" mong manh vẻ ngoài bình thản, trễ nải thờ ơ.
Khoảng 15 năm về trước, truyền hình chưa phát triển, người dân hiếm nhà mua được cái ti vi đen trắng hay loại có màu chủ yếu là hàng nội địa về lậu qua Cửa Lò; thì Rạp 12 - 9 luôn đông đúc mỗi đêm và khi có phim hay thì nhà Rạp tổ chức chiếu ngày mấy buổi, một phim chiếu tới hàng tuần liền như thế. Ngoài tình yêu đối với bộ môn nghệ thuật thứ bảy, đây còn là nơi hò hẹn, giải trí lý tưởng và gần như duy nhất cho giới trẻ. Nhưng cùng với bến xe, ga tàu, Rạp cũng tập trung nhiều nhất các đối tượng ăn chơi càn quấy theo kiểu "bụi đời" và lếch thếch lê la đội ngũ bán chè chén, nay ở Vinh gần như đã biến mất.
Bây giờ thì Rạp thường vắng hoe; thi thoảng mới có phim chiếu một buổi vào buổi tối, người xem cũng chỉ non nửa Rạp. Phía sau giờ có Cà phê Điện ảnh 1, nghe nói thời thuộc Pháp khi mới có tuyến đường sắt duy nhất ở Đông Dương thì ga Vinh đã được đặt ở đây. Đó là chuyện tôi hóng được từ một đồng nghiệp lớn tuổi con nhà thuộc giới tiểu thủ công đầu tiên của phố thị Vinh xưa. Nhưng tôi đồ rằng có khi ở đây chỉ đặt một phòng đại diện của trạm hoả xa Vinh khi trước, kiểu như mươi năm trước thôi Rạp 12-9 còn được ga Vinh thuê đặt điểm bán vé tàu, sau có dạo hình như cả bán vé máy bay...
Trước khi khu nhà tầng Quang Trung được xây dựng, vùng trung tâm Vinh của tiêu thổ chiến tranh còn cồn cột cát trắng gió Lào vi vút phi lao trên những xóm, những phố nghèo lác đác nhà tranh. Lóc cóc tiếng xe ngựa của các hợp tác xã vận tải là một trong những âm thanh nhớ lâu nhất về những đêm phố xá vắng leo lét đèn dầu, phập phù ánh điện, mệt mỏi tiếng rao đêm của hàng bánh mì xá - xíu năm hào một chiếc.
Ở các khu quán cháo Sân Gạch (đối diện chợ Cửa Bắc) hay khu quán cháo Bờ Hồ (hồ Tây Sâm) là tụ điểm ăn đêm đông đúc ví như khu Phố ăn đêm Thành cổ bây giờ. Nhà hàng cháo khi đó thu đồng tiền to nhất cũng chỉ là tờ mười đồng màu nâu tím in hình con voi, tương đương bảy bát cháo lòng bà Lộc Đen nổi tiếng một thời. Khu nhà tầng Quang Trung mọc lên được coi là một quy mô xây dựng đô thị hiện đại đầu tiên của Thành phố Vinh. Thật tiếc niềm tự hào đó không tồn tại bao lâu bởi sự xuống cấp nhanh chóng mà đã, đang và sẽ được giải toả thay thế bằng những khu đô thị mới.
Cạnh đó mạn Chợ Vinh là khu Ba-rắc - Nghĩa trang Liệt sỹ cũ của Thành phố có cái lô cốt đen sì u ẩn ngó sang Cà phê Lâm cũng nổi tiếng pha ngon, nay lô cốt đã bị đập bỏ nhường chỗ cho khu cao ốc thương mại cũng không còn Cà phê Lâm xôm tụ vè trò nữa. Mùa hè hấp dẫn cả trẻ con người lớn là nhà kem Tam Đồng Cửa Nam đá nhiều hơn bột, sáng sáng còn theo xe đạp toả về các huyện đổi chai chè đồng nát. Ông anh thứ tôi khi đang học Nông lâm Xuân An - Hà Tĩnh ghé Tam Đồng mua được bốn chiếc kem, guồng xe đạp ba chục cây số về đến Thanh Chương đã bật khóc trước hai cặp mắt hau háu của hai đứa em khi giở gói giấy báo to sụ ra chỉ còn lại những lêu bêu bột nước.
Vinh nội đô giữ vẻ lưu cữu thị xã Vinh xưa gần đây còn vài ngõ phố nhỏ nối đường Phan Chu Trinh và đường Nguyễn Thái Học ở phường Quang Trung cót két tiếng xe đạp đi lại. Mươi năm trước còn những bức tường quét vôi phủ không hết các dòng khẩu hiệu cổ động phong trào thời còn hợp tác xã cũ, lớp vôi ve cũng đã ẩm mốc rêu phong; khối xóm lô xô mái ngói thâm nâu ẩn sau những vườn cây ăn quả, dưới giàn hoa thiên lý, vườn còn có cả rau lang, rau muống, khóm chuối tiêu.
Mùa gió rét cứ khoác áo bông ấm thả bộ trong những con ngõ nhỏ đó mãi không chán, mỏi gối thì ghé vào những quán cóc trổ bờ tường một vuông cửa nhỏ chỉ đặt độc một chiếc ghế mộc dài bên ngoài cho khách; chủ quán là ông cụ bà cụ tóc bạc áo nâu, xởi lởi rót chè xanh từ cái tích nước vỏ tre và cẩn thận đặt ra chiếc đĩa con thanh kẹo lạc ngào mật tự nấu lấy; rồi rỉ rả chuyện phố, chuyện quê không dứt với khách như người đã quen thân lâu ngày... Bây giờ Vinh có hàng trăm con ngõ gắn biển "Ngõ văn minh", nhưng chủ yếu là ngõ mới của cư dân mới, cũng đoàn kết "mọi nhà vì một nhà", nhưng đã kín cổng cao tường, thi thoảng họp ngõ, liên hoan ngõ đánh chén tưng bừng. Rã rời, mệt mỏi.
Nếp lề các khu dân "gốc" mấy đời vốn thuần làm ruộng và xích lô, ba gác, nay co hẹp dần lọt thỏm giữa bốn phía đô thị mới, tiếng thế mà lại chóng biến đổi sắc diện. Nhưng ngẫm ra còn lâu mới bắt kịp nhịp sống thị dân đô thị loại một. Sự học ở đây chưa được coi trọng. V?n còn thanh niên hư hỏng vì thèm khát, vì học đòi nhịp sống mới hào nhoáng "ngoài kia"... Đó sẽ là một trong những niềm day dứt còn lại của hoài niệm Vinh.