Những ngày không thể quên
Hơn 3 giờ chiều 24/2, anh Nguyễn Ngọc Tân và anh Thái Hoàng Long vẫn chưa ăn trưa. Họ vừa hoàn thành công việc mai táng cho một nạn nhân Covid-19 tại TX Hoàng Mai và trên đường trở về Vinh để tiếp tục nhận nạn nhân mới, đưa sang đài hỏa táng ở Hà Tĩnh. Trong cái rét căm căm và mưa buốt, thứ duy nhất được nạp vào bụng các anh từ sáng đến giờ là bát mỳ tôm tự pha ở đài hỏa táng.
Các anh là những thành viên thuộc "Đội xử lý thi hài bệnh nhân Covid-19" duy nhất của tỉnh Nghệ An.
“Ngày 5/7/2021, Nghệ An xuất hiện ca tử vong đầu tiên do Covid-19. Là điều dưỡng tham gia chống dịch tại khu dương tính Bệnh viện HNĐK Nghệ An, tôi cùng một người nữa được phân công xử lý thi hài bệnh nhân. Trước đó, hai anh em chưa từng làm nhiệm vụ này nên vừa làm vừa run. Nỗi lo lắng lớn nhất thao tác chưa đúng, quy trình chưa chuẩn sẽ để lại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh” - nhớ lại những ngày đầu thành lập, Đội trưởng Nguyễn Ngọc Tân nói.
Những ngày gần đây, khi diễn biến dịch ngày càng nghiêm trọng, số người chết ngày một nhiều, công việc của đội trở trên áp lực hơn bao giờ hết. Trong bộ đồ bảo hộ chống dịch kín mít, qua lớp khẩu trang và tấm chống giọt bắn mờ nước, anh Long nói như hụt hơi: “Có ngày toàn đội 5 người xử lý đến 11 ca tử vong, trong đó có 1 ca cộng đồng. Suốt hơn 24 giờ đó, chúng tôi không có khái niệm ngày, đêm, sáng, tối, chỉ có những thi thể, những quy trình tẩm liệm, những chuyến xe, liên tục và liên tục”.
Ranh giới mong manh và nỗi day dứt “nghĩa tận”
Chiếc xe tang lễ của Đội Xử lý thi hài bệnh nhân Covid-19 được chia làm đôi bằng một vách ngăn màu trắng. Bên này vách ngăn là không gian để đặt quan tài người đã mất. Bên kia vách ngăn là buồng lái nối với một phần khoang xe dùng để đặt hài cốt sau khi được hỏa thiêu, các vật dụng thiết yếu.
Những ngày cao điểm, chiếc xe tang lễ vận chuyển nạn nhân Covid-19 trở thành “căn phòng” di động của các thành viên trong đội. “Vì không một hàng quán nào “dám” bán hàng cho chúng tôi nên chúng tôi mang theo ấm đun nước, đồ ăn. Trên xe cũng có nệm để anh em đổi lái, tranh thủ ngả lưng trên đường đi” - anh Tân giải thích. Thế là “căn phòng” đặc biệt có một không hai này trở thành nơi diễn ra những giấc ngủ ngắn chập chờn, những bữa ăn qua quýt tự phục vụ với mỳ tôm, lương khô, những mệt mỏi rã rời và những cảm xúc không thể gọi tên…
Không gian giữa cái chết và sự sống cách nhau chưa đầy gang tay.
“Trước khi đảm nhận nhiệm vụ này, tôi chỉ làm công việc khử khuẩn bình thường, mọi thứ với tôi vô cùng mới mẻ, thử thách đển cả từ thể lực lẫn tinh thần. Tôi sẽ không bao giờ quên được cảm xúc mỗi lần vào khu điều trị dành cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Âm thanh máy, tiếng thở hổn hển, những ánh mắt lo âu... Ở đó hầu hết là những người lớn tuổi, họ là khao khát được sống, được trở về với gia đình, được ở bên con, cháu... Sự sống quá đỗi mong manh. Trong cuộc chiến giành giật sự sống này, tôi không muốn phải bước vào để tiễn đưa bất cứ ai" - thành viên Thái Hoàng Long xúc động.
Là nhân viên Trung tâm Giám định Pháp y tỉnh, đã quen làm việc với những thi hài nhưng anh Vũ Hồng Quảng vẫn chưa thể quen với những nỗi xót xa trong nhiệm vụ mới. Anh nói: “Tôi đã chứng kiến những cái chết lặng lẽ, giản đơn đến mức không có một người thân nào bên cạnh. Từ khi trút hơi thở cuối đến khi chôn cất, gia đình nạn nhân chỉ có thể xem lại hình ảnh qua điện thoại”. Đây cũng là lý do điện thoại các thành viên trong đội lưu giữ rất nhiều ảnh và video ghi lại trình tự xử lý thi hài nạn nhân để gửi về cho người thân, gia đình.
Trong 8 tháng xa nhà làm nhiệm vụ, Đội trưởng Nguyễn Ngọc Tân có lẽ là chứng kiến nhiều nỗi đau, trải qua nhiều mất mát hơn cả. Bởi lẽ, trong thời gian đó, bố anh mất trong một cơn đau tim nhưng anh không thể về chịu tang. Bàng hoàng, đau đớn, nhiệm vụ chưa xong, anh chỉ có thể nén lòng, vái vọng rồi lặng lẽ tiếp tục công việc của mình: Lo hậu sự cho những người không thân thích.
Trong rất nhiều trường hợp, gia đình vì lo lắng nguy cơ nhiễm Covid-19 nên sẽ nhờ đội đưa thẳng ra nghĩa trang và trực tiếp tiến hành công việc mai táng. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, các anh trở thành thầy cúng “bất đắc dĩ”, tự tìm hiểu trên mạng để đảm nhận những công việc như chuẩn bị đồ lễ, thắp hương, đọc bài khấn…
“Biết làm sao được. Trong đại dịch, nỗi đau người thân ra đi nhưng mình không thể ở cạnh là nỗi đau chung của rất nhiều người, bất kể họ là ai, làm gì, ở đâu. Bản thân đã trải qua, đã chứng kiến, tôi chỉ có thể cố gắng làm tốt nhất những gì có thể, để yên lòng người sống, trọn vẹn với người đã khuất, và bản thân cũng nhẹ nhõm. Giờ chỉ mong sao dịch bệnh qua đi, cuộc sống sớm trở lại bình thường như trước” - anh Tân trải lòng.