Năm mấy bận à ơi gọi điện cho mấy anh chị cán bộ chuyên trách nghiệp vụ ở ngành Du lịch tỉnh nhà rằng có chi mới mẻ đặc sắc không ạ? Túi bụi là những họp hành của người ta nên chi không "khai thác" được bao nhiêu tư liệu! Báo cáo thế với trưởng phòng phóng viên để rồi gãi đầu gãi tai "nợ" bài "nợ" tin, nhưng kỳ thực chỉ vẫn nhận mấy bản báo cáo năm sau từa tựa năm trước. Có lúc có nơi những tâm huyết, ý tưởng lại cạn dần nhạt dần. Dưng mà dù không nói ra nhưng có nhiều người trách nhiệm lấy làm sốt ruột. Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đương nhiên là "sốt" nhất rồi.


Thiết nghĩ, cái "thuở ban đầu" tránh sao bỡ ngỡ. Ấy là muốn nói đến chuyện sáp nhập mấy sở thành Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; rồi những suy thoái, dịch bệnh này nọ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành dịch vụ đậm màu sắc kinh tế này. Nói vậy nhưng (bỏ qua lạm phát) nếu ai cho là du lịch Nghệ An không phát triển sẽ không tránh khỏi bị cự cãi rằng hàng năm các chỉ số hoạt động du lịch vẫn tăng đều đều và tạo dấu ấn đều đều đấy thôi. Báo cáo tổng kết năm 2009 cũng viết: "Hoạt động Du lịch đã ghi một dấu ấn mới với tổng lượt khách du lịch đạt 2.682.061 lượt, trong đó có 2.370.000 lượt khách lưu trú; 80.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 770 tỷ đồng...

763062_small_54529.jpgSân golf Cửa Lò sẽ được đưa vào phục vụ mùa du lịch biển năm nay. Ảnh: Xuân Nhường

Tất cả các chỉ số đều vượt so với năm 2008". Dám chắc năm 2010 này, cứ đem cái ước vọng của nhà nông ra mà "áp" cho ngành "công nghiệp không khói" tỉnh nhà là "mưa thuận gió hoà", thì hết năm vẫn có được kết quả "vượt" như thế. Cũng dám chắc rằng, nếu không có nỗ lực lớn của nội ngành Du lịch bám sát định hướng phát triển của tỉnh và sự chỉ đạo của các cấp trách nhiệm thì cũng không có các kết quả khả quan như vậy.


Nhớ lại cách nay mấy năm may mắn được chuyện trò với một chuyên gia du lịch người Pháp trong một lần ông đến Nghệ An để khảo sát tư vấn phát triển du lịch.

Quan điểm "ngoài lề" của ông có hai điểm mà tôi mấy lần ngần ngại bày tỏ lại với các vị lãnh đạo chuyên trách phát triển du lịch tỉnh nhà đều nhận được những im lặng gật đầu ngẫm nghĩ; đó là: một địa phương có cơ cấu kinh tế nông nghiệp đang là chủ yếu cần phải có một định hướng, mục tiêu phát triển du lịch "bình tĩnh" hơn, hai là chưa thể lạc quan cho phát triển du lịch trên cơ sở "giàu tiềm năng" khi vẫn phải lo lắng cho những cơn sốt giá chợ búa, thị trường trên địa bàn (ông cho rằng đó là cơ hội để "mở" hầu bao của du khách tạo nguồn thu vượt trội nếu có những sản phẩm du lịch địa phương hấp dẫn và sản vật, hàng hoá "tự sản" dồi dào có chất lượng cao).

Đương nhiên, quan điểm của ông, như đã nói, là "ngoài lề"; mặt khác căn cứ thực tiễn ở ta, thì nó cũng xa xôi ví như khoảng cách không gian giữa Nghệ An với tỉnh Cốt Đa-mo nước Pháp quê hương ông vậy.


Dịp Tết Canh Dần mới rồi, miền Bắc căm căm mưa rét, thì ở miền Nam a lô ra kêu nóng "chảy mỡ". Nhà có điều kiện kéo nhau đi đón Tết ở Vũng Tàu, Mũi Né... Rồi báo chí rần rần tố "cháy" khách sạn, nhà nghỉ ở Vũng Tàu, khách bị hớ do đặt phòng qua điện thoại phải trú trong buồng dưới cấp bình dân mà chịu giá trên trời mà không biết kêu ai; nhiều du khách thẳng băng rằng sẽ "một đi không trở lại".

Đọc vừa thấy vui vì một bộ phận dân ta điều kiện đời sống đang lên mạnh, tiền không thiếu mà chỉ thiếu thời gian, có quãng vãn việc dài ngày là phóng tay bỏ tiền túi đi du lịch, thư giãn; lại thấy buồn vì ở cái bãi biển phương Nam nổi tiếng một thời là vệ tinh ăn chơi lý tưởng cho Sài Gòn - hòn ngọc Viễn Đông mà lại có chuyện lùi xùi, làm ăn chộp giật như thế. Giật mình lo lắng không đâu rằng mùa du lịch năm nay Nghệ An ta nếu đột biến lượng khách tăng mạnh, liệu có kiểm soát được mấy cái nhà nghỉ bình dân hét giá hạng "sao" không? Là thí dụ vậy!


Nói thêm về chất lượng cơ sở lưu trú ở ta. Những khách sạn công đồng loạt đang ở tình trạnh xuống cấp; hàng năm có đầu tư nâng cấp nhưng chủ yếu vẫn là vôi ve tân trang lại chút ít. Tạm ổn là các khách sạn liên doanh với các tập đoàn kinh tế lớn như Phương Đông, Sài Gòn - Kim Liên, hoặc các khách sạn của các doanh nhân, doanh nghiệp tầm cỡ đầu tư xây dựng... nhưng là đang đếm trên đầu ngón tay.

Riêng Cửa lò bây giờ, khách sạn, nhà nghỉ lối ba, lối bốn vẫn tiếp tục mọc lên. Tốc độ phát triển ấy làm ngạc nhiên rất nhiều đoàn khách du lịch "chuyên nghiệp" đến từ các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.

Một đồng nghiệp ở tờ "Bưu điện Thái Lan" cũng chuyên trách mảng du lịch (là tôi "từ điển" ra như vậy) từng đi đây đi đó nhiều, chân vừa ráo nước biển Cửa Lò lên khách sạn Phương Đông làm thành viên của đoàn khách có vị khách du lịch lượt một triệu đến Nghệ An năm 2007, đã tròn xoe mắt lẫn miệng thốt lên: "Liệu thị xã biển rất đẹp của các bạn có cần thiết phải xây quá nhiều khách sạn, nhà nghỉ như vậy không, trong lúc lại rất cần không gian thư giãn và các dịch vụ giải trí phụ trợ?...". Tôi chưa một lần được sang du lịch Thái Lan, nhưng có anh bạn ghé suất cơ quan vợ dự một "tua" lưu trú một tuần ở Băng-kốc, về phấn chấn cả tháng gặp ai quen, sơ cũng chuyện "bên ấy" với những gì được nghe, được thấy, được vui... mà tuyệt không nói đến chuyện tiền nong đắt đỏ bao nhiêu.

Nhưng nghe rõ chuyện của anh rồi, thấy ta không thể và không nên "học" họ. Vậy trước mắt nên "lo gần" là phục vụ, dịch vụ sao cho tốt đối với lượng khách nội địa (hàng năm lượng tăng thêm cao nhất chính xác cũng chưa đến hai trăm ngàn lượt) về tắm biển Cửa Lò và thăm viếng quê Bác. Mà chuyện này thì đang "nóng" ở bao cuộc họp từ Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đến ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Nghệ An; mà một trong những trọng tâm là chuyện nguồn lực con người - đội ngũ phục vụ dịch vụ.


Khởi động của một vài cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch trên địa bàn tỉnh mới đây tạo niềm hy vọng cho vài, ba năm nữa sêm sêm một lượng đầu ra đáng kể để tinh tuyển, chọn lọc.

Nhưng vấn đề là chất lượng đào tạo như thế nào thì chưa ai dám khẳng định vì một phần còn tùy thuộc chất lượng đầu vào. Trường mở ra đương nhiên tuyển sinh được càng nhiều càng tốt, nhưng cỡ như mấy đứa cháu họ xa ở quê tôi, tuổi học sinh ngày một buổi lội ruộng, một buổi đến trường, ngoại hình trung bình chưa nói chiều cao thường khiêm tốn, vẫn háo hức nạp hồ sơ nhập học dù chưa biết ra trường có xin được việc hay không, thì quả là lo...

Có lần Hội thảo do ngành Du lịch chủ trì nêu chuyện này lên, mấy đại diện cơ sở đào tạo không nói gì, phải nhờ một ông lữ hành giãi bày hộ là mở lò đào tạo ra rồi, ông này ngó ông kia, ông muốn làm tốt cũng không nín được vì có ông ẩu cứ tuyển ào ào, đào tạo ào ào rồi cấp chứng chỉ... cũng ào ào! Vậy là phát triển du lịch địa phương đang hy vọng một phần vào nguồn lực con người đào tạo tại chỗ, vẫn chưa bỏ được cái phần gạch đầu dòng báo cáo nguyên nhân hạn chế, tồn tại về nguồn nhân lực.


Cách đây hai năm có dịp đến Ninh Bình, được biết tỉnh này gom lại hai mũi nhọn phát triển kinh tế là công nghiệp xi măng và du lịch. Rõ ràng là hai lĩnh vực này đối chọi nhau ở địa phương này. Nhưng họ vẫn quyết liệt làm. Vừa làm vừa điều chỉnh.

Đầu xuân này trở lại Ninh Bình đi vãn chùa tân Bái Đính, thăm lại quần thể cố đô Hoa Lư mới thấy cách làm du lịch của họ thật bài bản và có tính toán chi tiết (từ mở những con đường, bến thuyền, kiến trúc của các cây cầu to nhỏ...) với tầm chiến lược được định hướng sớm và khả thi cho lâu dài.

Tương lai, Ninh Binh sẽ là một trung tâm hành hương, du lịch của cả nước và thu hút khách quốc tế mạnh mẽ. Tỉnh ta, đơn cử Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Kim Liên gắn với phát triển du lịch đang ở giai đoạn 2; nếu tính riêng hiệu quả cho thu hút khách du lịch cần khẳng định là thực chất chưa thể phát huy được dù lượng khách về thăm Khu di tích hàng năm vẫn tăng, nhưng đó chỉ là chỉ số tăng có tính "khách quan" do nhu cầu, điều kiện chung của nhân dân về thăm quê Bác với một tình cảm thiêng liêng ngày một tăng.

Lại nữa, du lịch ven sông Lam được tính toán từ hàng chục năm về trước, nhưng chưa tổ chức được vì cho là chưa có con đường; nay có đường hoàng tráng rồi nhưng bao giờ tổ chức được "tua" du lịch mi-ni ven sông Lam để tạo dấu ấn khó quên cho một ngày lưu trú của du khách ở Nghệ An?


Tây Bắc Tổ quốc một đỉnh Phanxiphăng là khám phá bất tận cho du khách ưa chinh phục thiên nhiên và cảm giác mạo hiểm. Một người mỗi một lần lên lại với Phanxiphăng đều có cảm giác phiêu lưu mê hoặc mới mẻ khác nhau từ một dấu bước chân mới.

Và dịch vụ - đơn giản chỉ là mấy trăm ngàn trả công cho một "cửu" người Mông bản địa dẫn đường và đeo hành lý lên theo. Thiên nhiên kiến tạo ra điều kỳ diệu như vậy, đáng nói là con người biết khai thác nó cho một mục đích tinh thần để sản sinh ra giá trị vật chất mà nói rõ ra là nguồn thu từ dịch vụ du lịch.

Đương nhiên cả đất Việt, cả Đông Dương chỉ có một Phanxiphăng tột đỉnh. Nhưng vẫn xin mạo muội "so sánh nghiêng" với Vườn Quốc gia Pù Mát của ta có vùng lõi với rừng Pơmu lùn, hàng trăm loài động, thực vật thuộc sách đỏ quốc tế, cảnh quan được bảo tồn thật tốt tiềm tàng cho loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm thu hút khách quốc tế (là mục tiêu quan trọng nhất cho phát triển du lịch nói chung); nhưng cũng dằng dặc những hoạch định, đề án, ý tưởng mà vẫn chưa triển khai được các dự án đầu tư phục vụ cho việc tổ chức các "tua" du lịch chất lượng, đúng nghĩa ở đây...


 
Xin được vĩ thanh: Một chiều cuối tháng Hai ta, bên ly bia vỉa hè xuống chậm dài theo thời gian trút bầu tâm sự của một cán bộ ngành Du lịch, ông cho biết trong chộn rộn mùa lễ hội, hoạt động du lịch tỉnh nhà bước sang Xuân Canh Dần 2010 đang tích cực hưởng ứng Chương trình du lịch 1000 năm kinh đô cổ Việt Nam; hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội và Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; tích cực triển khai các công tác quản lý nhà nước để có một mùa du lịch - tắm biển thành công; hoạt động xúc tiến, quảng bá đang được tập trung đẩy mạnh nhằm tạo nên một "ấn tượng du lịch Nghệ An" mới.

Các nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho du lịch năm 2010 đặt ra rồi, toàn ngành đang quyết tâm phấn đấu để đạt và vượt. Ông thêm rằng, bàn về du lịch dù có là "góc nhìn nghiêng" mạo muội nông cạn như tôi, chưa phải là những hạn chế khó khăn nhất mà lãnh đạo tỉnh nhà cũng như ngành đang trăn trở khắc phục, điều chỉnh để đề ra các giải pháp mới thúc đẩy du lịch tỉnh nhà phát triển.


Đình Sâm