Chùa chiền có mặt trên đất Nghệ từ thời Bắc thuộc, song vào năm nào, thế kỷ nào thì chưa xác định rõ được. Theo nhân dân truyền lại, ở huyện Quỳnh Lưu đã từng có những ngôi chùa cổ như chùa Trả ở Quỳnh Dỵ, chùa Bình An ở Quỳnh Thiện, chùa Đồng Bạc ở Quỳnh Vinh, chùa Lão ở Quỳnh Trang, chùa Ngô, chùa Mốt ở Quỳnh Diễn, chùa Củ ở Quỳnh Lập, chùa Nổ ở Quỳnh Lộc, chùa Luốc ở Quỳnh Văn, chùa Sưởi ở Quỳnh Châu... Huyện Diễn Châu lại có chùa Đống, chùa Am ở Diễn Đoài, chùa Lăng, chùa Cồn Sim ở Diễn Lâm... Tại Yên Thành có chùa Tháp ở Đức Hậu, chùa Thiên Tạo ở Vũ Kỳ... Đáng tiếc là các ngôi chùa cổ ấy hiện nay không còn nữa.

Đầu thế kỷ X, khi nước ta dựng được nền tự chủ, vào đời Lý tại Đô Lương có chùa Già ở Đà Sơn, chùa Bà Bụt ở xã Bạch Đường, chùa Vườn ở thị trấn Đô Lương... Vùng này vào thời đó là một trung tâm Phật giáo của Nghệ An nên có nhiều địa danh gắn với chữ nghĩa của nhà Phật như Đà Lam, Phật Kệ, Bụt Đà, núi Già, chợ Già... nay đều thuộc xã Đà Sơn. Tể tướng Lý Đạo Thành, khi bị biếm chức vào làm Tri châu Nghệ An đã rước bộ Kinh Địa Tạng vào thờ ở chùa Già để thường xuyên tụng niệm. Ở Yên Thành, cũng thấy một vùng có những địa danh như vậy như Lạc Thiện, Tường Lai, Tiên Bồng, Thanh Đạt, Triều Cảnh, Phúc Trạch, Đại Độ, Tích Phúc, Phúc Tăng... Cũng tại huyện Yên Thành, triều đình nhà Trần cho Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang vào làm quản hạt Diễn Châu. Để tỏ rõ oai quyền và sự giàu có của mình, Quốc Khang đã xây phủ đệ lộng lẫy quá mức ở làng Công Trung. Theo sách Nghệ An ký "Vua nghe tin, sai người đến xem, Tĩnh Quốc sợ, mới tô tượng Phật để thờ".

Sách Nghệ An ký nói rõ thêm: "Quốc Khang phải phá một phần phủ đệ, dựng chùa ở núi Thàng"- đó là chùa Thông. Như vậy là chùa Thông ở núi Thàng thuộc làng Phúc Tăng, sát làng Công Trung được xây dựng vào đời Trần. Có thể kể thêm một số chùa ở Nghệ An được xây dựng vào đời Trần như chùa Mụ Nghểnh, ở Trường Hậu (Quỳnh Lâm), chùa Đế Thích, chùa Ốc ở Phú Nghĩa, chùa Nổ ở Hải Lệ, chùa Càn ở Phương Cần, chùa Bà, chùa Ông ở Hữu Lập... thuộc huyện Quỳnh Lưu; chùa Đại Tuệ, chùa Nhạn Tháp, chùa Viên Quang ở Nam Đàn; chùa Sính, chùa Nhãn, chùa Trằm... ở Diễn Châu Như vậy, nhiều chùa ở Nghệ An được xây dựng từ đời Trần trở về trước. Cho đến đầu thế kỷ XX, theo thống kê sơ bộ thì ở Nghệ An có 363 chùa lớn, nhỏ. Trong những ngôi chùa kể trên, nhiều chùa chỉ có ông thầy chùa thường xuyên hương khói, một số ít chùa có sư sãi.

763074_small_54659.jpgTượng Phật nghìn tay,nghìn mắt ở chùa Cần Linh (TP.Vinh). Ảnh: Kim Hùng

Người Nghệ biết được các đức Phật có lòng bác ái bao la, có đức hỉ xả từ bi, cứu khổ cứu nạn, phù hộ cho con người thoát khỏi tai ương, không gặp những điều bất hạnh. Chính vì điều đó mà họ năng lên chùa cúng Phật là mong tránh được điều ác, gặp được điều lành. Ở Nghệ An cũng có một người xuất gia tu hành, say mê giáo lý nhà Phật, am hiểu uyên bác lý thuyết đạo Phật, đó là Hương Hải thiền sư ở vào thế kỷ XVII. Sau này còn có Thích Minh Châu Đinh Văn Nam ở Nghi Lộc.

Trong tín ngưỡng Phật giáo của nhân dân Nghệ An trước đây cũng có người ăn chay, giữ giới, tụng kinh, phóng sinh và chẩn tế, nhưng đó là những người muốn tu nhân tích đức, diệt dục, đem lại sự thanh thản cho bản thân và gia đình. Đức Phật Thích Ca, Di Lặc, Quan Thế Âm Bồ Tát, Quan Âm Nam Hải... chiếm một vị trí quan trọng trong đức tin của người dân quê Nghệ An cũng như toàn cõi Việt Nam. Các nhân vật ấy đều là những hình ảnh của một lòng tha thứ mênh mông, một sự nhẫn nhục vô bờ bến, một tình thương bao la lúc nào cũng sΩn sàng ban phát cho chúng sinh. Những đức tính ấy thống nhất với đạo lý cổ truyền của nhân dân.

Như vậy, tín ngưỡng Phật giáo đến với người Nghệ An cũng đã có một bề dày thời gian nhất định. Đặc biệt trong thời buổi kinh tế thị trường, ngoài chuyện phải lo toan với "cơm, áo, gạo, tiền" hàng ngày, người dân chúng ta rất cần một nơi để tĩnh tâm, trải lòng cho thanh thản. Việc rất nhiều người dân tìm đến với cõi tâm linh ở các chùa, các đền là điều dễ hiểu. Để đáp ứng nhu cầu "hướng thiện, thờ Phật" của nhân dân, trong những năm gần đây, nhiều nơi trên vùng quê xứ Nghệ đã tiến hành trùng tu, tôn tạo, phục dựng lại các ngôi chùa cổ bằng tấm lòng công đức của nhân dân.

Ngoài chùa Cần Linh nằm ở phường Cửa Nam - TP. Vinh, có thể kể đến chùa Đại Tuệ trên núi Đại Huệ, chùa Viên Quang ở Nam Thanh (Nam Đàn). Riêng chùa Đại Tuệ, tháng 10/2009 vừa qua đã có hẳn một cuộc hội thảo khoa học về việc phục dựng lại ngôi chùa này. Cuộc hội thảo đã thu hút rất nhiều các nhà khoa học, sử học trong tỉnh, trong nước. Chùa Đại Tuệ là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XIV để thờ Phật, toạ lạc trên núi Đại Huệ (xã Nam Anh, Nam Đàn). Ngôi chùa này gắn liền với truyền thuyết về sự linh thiêng, cứu độ, giải oan cho chúng sinh của Đức Phật, về câu chuyện Hồ Quý Ly xây thành đắp luỹ chống quân Minh; Nguyễn Huệ - Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn trên đường tiến quân ra Bắc tiêu diệt tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, thống nhất đất nước. Việc phục dựng chùa Đại Tuệ trong thời gian tới có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy di sản văn hóa dân tộc, đáp ứng nguyện vọng thờ Phật, hướng thiện, nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân, đồng thời tạo thêm một công trình kiến trúc, văn hóa tâm linh đẹp, gắn với danh thắng núi Đại Huệ, mộ bà Hoàng Thị Loan để phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.

Các phật tử tại buổi lễ, nhân dịp Đoàn Phật giáo Ấn Độ thăm chùa Ân Hậu - xã Nghi Đức (TP.Vinh)

Cũng trong tháng 10 năm 2009, một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các phật tử và nhân dân mộ đạo Phật đó là lần đầu tiên TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Đại lễ bổ nhiệm sư trụ trì chùa Ân Hậu, xã Nghi Đức, TP.Vinh và công bố quyết định của UBND tỉnh cho phép khôi phục lại chùa bằng nguồn công đức và xã hội hóa. Chùa Ân Hậu có bề dày lịch sử 700 năm, khởi nguồn tâm đức ban đầu từ một nhũ mẫu của Hoàng đế Trần Duệ Tông, sau khi rời kinh thành bà Vương Mẫu đã về quê cùng nhân dân địa phương xây dựng chùa Ân vào thế kỷ thứ XIV tại Làng Ơn, xã Ân Hậu, huyện Chân Phúc (nay thuộc xã Nghi Đức, TP.Vinh).

Đây cũng là nơi hai cận thần của Vua Trùng Quang Đế là Trương Quốc Điển, Trần Văn Định lánh vào xuống tóc, đi tiếp duyên nghiệp tu hành. Trong thời gian tu hành, hai nhà sư đã tận hiến công sức, giúp dân nhiều việc, nhất là chữa bệnh cứu người. Hai nhà sư viên tịch, di thể được an táng tại chùa Ân. Đáp ứng nhu cầu của các tăng ni phật tử trong tỉnh, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Minh Trí - Uỷ viên Hội đồng trị sự TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó thư ký kiêm chánh văn phòng Giáo hội Phật giáo Hà Nội làm trụ trì chùa.

Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là niềm hạnh phúc mong mỏi bấy lâu nay của các phật tử và quần chúng mộ đạo trong tỉnh. Từ nay Nghệ An đã có một ngôi chùa có đầy đủ ba ngôi Tam Bảo - là một cố gắng lớn của chính quyền các cấp góp phần bảo vệ gìn giữ di tích lịch sử VH đậm đà bản sắc dân tộc. Cũng trong buổi lễ nhậm chức, Đại đức Thích Minh Trí tặng hai ngôi nhà trị giá 50 triệu đồng cho UBMT Tổ quốc tỉnh, các phật tử tặng 21 suất quà cho các gia đình chính sách, khó khăn, tặng 30 phần quà cho các em học sinh vượt khó học giỏi của hai trường THCS và Tiểu học xã Nghi Đức. Ngoài ra, trong tháng 12/2009, tại xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn cũng đã diễn ra lễ công bố chủ trương của UBND tỉnh về việc tu bổ, tôn tạo chùa Viên Quang. Viên Quang là một ngôi chùa cổ được xây dựng ở thế kỷ 17 nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng Phật giáo của nhân dân đồng thời nơi đây cũng chính là cơ sở tổ chức các hoạt động CM trong các thời kỳ từ 1930 - 1945.

Hiện nay, chùa đã xuống cấp, hư hỏng do thiên nhiên và thời gian. Việc phục dựng lại chùa Viên Quang nhằm gìn giữ các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch nói riêng và phát triển KT - XH Nam Đàn nói chung, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân và các phật tử trong và ngoài huyện. Được biết, UBND huyện Nam Đàn đã giao UBND xã Nam Thanh làm chủ đầu tư, Trường Đại học kiến trúc sẽ chịu trách nhiệm thiết kế phần mỹ thuật chùa Viên Quang.

Ngay sau lễ công bố quyết định tôn tạo, tu bổ chùa Viên Quang, Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều tấm lòng hảo tâm, công đức của các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Và một sự kiện khiến nhân dân và phật tử trong tỉnh quan tâm nhất đó là trong hai ngày 23 và 24/3/2010, tại chùa Ân Hậu, xã Nghi Đức, TP.Vinh, Thượng tọa Thích Minh Trí - sư trụ trì chùa cùng các tăng ni, phật tử, nhân dân long trọng đón tiếp Đoàn Phật giáo Ấn Độ do Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII và Tăng đoàn truyền thừa Drukpa lần đầu tiên tới thăm chùa và cũng là lần thứ 3 tới thăm Việt Nam. Chuyến đi đặc biệt của Đức Pháp Vương và Tăng đoàn Truyền thừa đã khiến cho hàng ngàn phật tử đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi hoan hỉ chờ đón. Riêng ngày 24/3/2010, Đức Pháp Vương đã có buổi rao giảng Nghi Quỹ Quan Âm Tứ Thủ Pháp tu trì giản lược của Truyền thừa Drukpa do Ngài biên soạn - đây là những nghi quỹ cơ bản, quan trọng thâm sâu và siêu việt của Truyền thừa Drukpa. Tại buổi lễ, Ngài còn tổ chức cầu nguyện Quốc thái dân an, ban nhiều điều lành đến cho nhân dân và phật tử.

Bên cạnh đa số người dân thường xuyên hành hương lên chùa vào các ngày rằm, mồng 1 hàng tháng, vào những dịp lễ, Tết, đầu Xuân để cầu nguyện, hiện nay, còn rất nhiều người dân tìm đến những lớp học Yoga - ngồi thiền... hay tìm đến những ngôi chùa để nghe các sư giảng đạo nhằm tĩnh tâm. (*)

Bài viết có tham khảo các tài liệu: Sách Nghệ An lịch sử và văn hóa do PGS Ninh Viết Giao chủ biên và Trang thông tin điện tử của Hội Phật giáo Việt Nam.


Thanh Thuỷ