Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để liên bộ đồng ý với mức tăng giá các dịch vụ y tế lần này, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết trong buổi trao đổi với báo chí hôm qua.


Trong số hơn 3.000 dịch vụ y tế sẽ có 445 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá đợt này và dự kiến mức giá mới sẽ được áp dụng trong năm nay. Tuy nhiên câu hỏi mà dư luận đặt ra là mức giá này đã hợp lý chưa và viện phí tăng thì chất lượng khám chữa bệnh có tăng?


Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một trong những bên tham gia xây dựng dự thảo tăng giá viện phí đã trao đổi thêm với VnExpress.net về vấn đề này.

773070_small_71352.jpg

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ảnh: P.N



- Ông đánh giá như thế nào về dự thảo thông tư điều chỉnh giá viện phí vừa được được Chính phủ chấp thuận?


- Khung giá viện phí được ban hành từ năm 1995 bởi thông tư liên bộ số 14 và suốt chặng đường đó cho đến nay, giá thu một phần viện phí đó vẫn tạm thời được thực hiện và chưa có sự thay đổi về cơ bản. Đến năm 2006 thì liên bộ ban hành thông tư liên tịch số 03 để bổ sung các dịch vụ kỹ thuật, nhưng chi phí đó chưa phù hợp. Bộ y tế đề xuất phải điều chỉnh bổ sung, quá trình đó là chặng đường dài hàng năm trời và đến bây giờ mới có kết quả.


Từ dự thảo đầu tiên đến dự thảo lần này đã có sự thay đổi về chất rất lớn. Có thể nói dự thảo lần này có sự thống nhất rất cao giữa liên bộ Y tế, Tài chính, Lao động, cũng như phía Bảo hiểm xã hội. Mức điều chỉnh đã hợp lý hơn.


Bên cạnh đó, khi thực hiện giá viện phí mới này, một điều kiện kiên quyết là các bệnh viện không được thu thêm tiền của bệnh nhân dưới bất kỳ hình thức nào. Trước đây các bệnh viện vẫn thu mà không bệnh nhân nào dám từ chối đóng, đó là điều vô lý.


Chẳng hạn, khi thực hiện kỹ thuật thông tiểu mức giá là 12.000 đồng, có thể có những ống xông chỉ 2.000-3.000 đồng nhưng có những ống xông 18.000 đồng. Vì thu không đủ nên bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân mua thêm ống xông. Dù vậy, phía bệnh viện vẫn được thanh toán 12.000 đồng từ phía Bảo hiểm y tế, có nghĩa là cả người bệnh lẫn quỹ bảo hiểm đều phải chi trả cho cùng một dịch vụ.


Trong thực tiễn thời gian qua vấn đề này là bất khả kháng vì bệnh viện lý luận là chi phí thời gian qua chưa đủ bù đắp chi phí thực tế. Nhưng giờ đây đã trả đủ rồi thì dứt khoát không được thu nữa, sẽ áp dụng chế tài đặc biệt đối với các bệnh viện nếu tiếp tục thu của bệnh nhân.


- Xin ông cho biết một số điểm khác biệt cơ bản của dự thảo thông tư viện phí lần này với khung giá cũ đã áp dụng nhiều năm nay?


- Thứ nhất là không chỉ là điều chỉnh tăng, mà còn khắc phục những bất cập từ giá viện phí cũ. Trong lần này sẽ có 5 dịch vụ y tế được điều chỉnh giảm mà trong thời gian vừa qua được phản ánh là đang bị lạm dụng, đặc biệt là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh trong đó có CT/scan. Nếu giá CT cũ quy định là từ 300.000 đến 1 triệu đồng bao gồm cả thuốc phản quang, thì trong lần này sẽ quy định rõ kỹ thuật nào có hoặc không thuốc phản quang và quy định một giá rất cụ thể.


Chẳng hạn, có thuốc phản quang theo thông tư 14 cũ cao nhất là 1 triệu thì nay chỉ còn 800.000 đồng, hay không có thuốc phản quang trước đây tối đa là 800.000 đồng thì nay là hơn 500.000 đồng. Đây là một trong những giải pháp ngăn chặn sự lạm dụng.


Thứ hai là khung giá cũ đang có sự lẫn lộn giữa siêu âm màu và các siêu âm mang tính đặc thù khác. Rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh đang lạm dụng những khe hở này để trục lợi từ quỹ bảo hiểm y tế. Nhiều kỹ thuật chỉ là siêu âm ổ bụng, chỉ sử dụng kỹ thuật 2D đen trắng với mức giá quy định chi trả lúc bấy giờ là 20.000 đồng, nhưng phủ một lớp màu lên để thanh toán với quỹ bảo hiểm y tế sẽ được chi trả thành 80.000-150.000 đồng.


Tuy nhiên, khung giá siêu âm lần này đã được phân định rõ để đảm bảo rằng định mức chi phí đưa ra xứng đáng với kỹ thuật mà người bệnh được hưởng. Xoá bỏ dịch vụ siêu âm màu, mà chỉ định rõ đấy là siêu âm ổ bụng 2D hay siêu âm thai, tim..., nêu đích danh bộ phận cơ thể được thực hiện kỹ thuật đó và mức giá chi tiết.


Thứ ba là trong khung giá cũ, dải viện phí giữa mức tối thiểu và tối đa được để rất rộng và trao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ y tế hoặc chủ tịch uỷ ban nhân dân các tỉnh để phê duyệt. Nhưng tuyệt đại đa số các tỉnh phê duyệt giá viện phí ở mức tối đa, điều này không phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội cũng như mức thu nhập chung của từng địa phương, trực tiếp ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm y tế.


Trong đợt này, hơn 50% dịch vụ y tế quy định một giá và được coi là giá tối đa. Trách nhiệm của uỷ ban nhân dân các tỉnh là phê duyệt một mức giá sao cho phù hợp với địa bàn của mình. Tất nhiên cái này chúng tôi không kỳ vọng nhiều lắm.


Còn những dịch vụ kỹ thuật vẫn phải xây dựng khung giá trong đó có giá tối thiểu và tối đa thì đã chú ý giảm khoảng cách giữa hai mức này, chênh lệch 5-10%, như vậy sẽ hạn chế rất nhiều sự lạm dụng từ chính việc phê duyệt giá.


Thứ tư là giá giường nằm cũng sẽ được tính minh bạch hơn. Nếu như trước đây, giường nằm ghép 2-3 thì mỗi bệnh nhân vẫn phải thanh toán đủ số tiền giường nằm theo quy định. Theo dự thảo thông tư mới, nếu ghép đôi thì giá giuờng nằm sẽ là 50%, ghép 3 thì là 30%. Tuy nhiên, dự thảo lần này vẫn chưa tính đến chuyện nằm ghép 4, nằm ngoài hành lang...


- Một số người cho rằng đồng thời với việc tăng giá viện phí thì chất lượng dịch vụ sẽ phải tăng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?


- Ai cũng công nhận rằng để có thể cung cấp được dịch vụ y tế tốt nhất thì một trong các điều kiện tiên quyết là cơ sở khám chữa bệnh phải thu hồi đủ chi phí đã bỏ ra để cung cấp dịch vụ y tế đó. Nhưng không thể đánh đồng giữa tăng giá và tăng chất lượng vì tăng viện phí chỉ là một trong các điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ.


Chất lượng khám chữa bệnh là một khái niệm tổng hoà của nhiều yếu tố, giá viện phí có tăng chỉ đảm bảo cho kỹ thuật đó được cung cấp một cách tốt nhất, có điều kiện để thực hiện kỹ thuật đó một cách tốt nhất. Tinh thần thái độ của nhân viên y tế thuộc phạm trù nhân văn, nhưng nếu được trả lương xứng đáng họ sẽ tâm niệm bệnh nhân là khách hàng....


Còn chuyện nằm ghép nó không phụ thuộc vào giá viện phí. Nhưng hy vọng thông qua đó mà giảm tải được phần nào.


Khi giá dịch vụ y tế được quy định một giá ở cả tuyến huyện hay tỉnh, trung ương thì sẽ không có chuyện bệnh viện tuyến dưới đẩy nhiều bệnh nhân lên tuyến trên. Từ đó, hướng tới việc phân định cụ thể bệnh viện tuyến nào làm cái gì, trong đó rất có thể có những dịch vụ tuyến trên không được làm mà dành năng lực điều trị những ca bệnh nặng hơn. Hiện nay theo thống kê, trong số các bệnh được điều trị ở tuyến trên có những nơi 30% là những bệnh thông thường, tuyến dưới làm được.


- Giá viện phí tăng lên như vậy thì mức đóng bảo hiểm sẽ thay đổi như thế nào?


- Song hành cùng với điều chỉnh giá viện phí, phía cơ quan bảo hiểm phải đánh giá tác động của tăng giá đối với khả năng cân đối quỹ. Chúng tôi sẽ áp dụng một loạt biện pháp giám định để tiết kiệm chi phí, bù đắp vào phần tăng lên. Theo tính toán thì trong năm 2012 sẽ chưa tính đến chuyện tăng mức đóng bảo hiểm y tế.


Còn sau này, theo lộ trình sẽ tăng mức đóng lên thành 5% chứ không phải 4,5% như hiện hành.


Theo VNExpress