(Baonghean) - Cuối cùng thì người ta cũng đưa ra được một con số, 80%! Ấy là tỷ lệ hài lòng và rất chi là... hài lòng mà bà con 3 tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Định âu yếm dành cho những vị công bộc của họ, do họ và vì họ. Chúc mừng 3 tỉnh có tên trên vì đã lựa chọn, rèn luyện và xây dựng nên một đội ngũ công chức “hát hay cày giỏi” để rồi được nhân dân tin yêu, mến phục đến gần tột cùng như vậy. Nếu có thể, xin được cảm ơn liều thuốc an thần quý báu mà đại diện bà con 3 miền Bắc - Trung - Nam đã “không quản mưa nắng” dành tặng cho 61 tỉnh, thành còn lại. Đọc lại tỷ lệ 80% một lần nữa, thấy chả có gì phải “lăn tăn” khi gọi đây là chỉ số “Vàng”! Con số mà lâu nay cứ tưởng rằng người yếu bóng vía muốn có được thì cũng phải chờ sau những giấc chiêm bao...
Bây giờ thì không ai có thể phàn nàn nữa. Khách quan, minh bạch, dân chủ đủ bộ cả. Rõ ràng là bà con tự tay cầm phiếu đánh giá chứ có phải là “mèo khen mèo dài đuôi” đâu! Mà lần này cũng không phải “chân ngứa tay gãi” theo cách làm cũ nữa mà có cả Ngân hàng Thế giới (nể chưa!) phối hợp thực hiện. Còn chỗ nào mà nghi ngờ nữa? Nói như mấy bác xe ôm là “cãi được chết liền!”. Vậy mà tiếc chưa, khi cảm giác lâng lâng còn chưa nguội thì thông tin khác được “hé lộ”. Ấy là, một tờ báo điện tử có uy tín mở mục thăm dò khảo sát online xem có bao nhiêu người đặt niềm tin vào cái kết quả sừng sững kia, thì... chán thật đấy, vẻn vẹn có 4%?!
Sao người ta lại không tin cơ chứ? Nhân dân bỏ phiếu mà sai được à? Trình độ tổng hợp cỡ Ngân hàng Thế giới thì làm sao mà nhầm lẫn? Chưa hết, công luận tranh thủ dịp này cũng không chịu “ngoài cuộc”. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, người có tên trong Wikipedia, một nhân vật được coi là sắc sảo trong giới bình luận, còn thẳng thắn phát biểu: “Bất cứ ai đi giải quyết thủ tục hành chính đều gặp phải đủ thứ rắc rối, phiền hà. Do đó, bản thân tôi không tin vào kết quả điều tra, bởi dịch vụ công mà có tới 80% người dân hài lòng thì cần gì cải cách hành chính”. Đúng như thế luôn, nếu quả thật có đến 80% dịch vụ công mang đến sự hài lòng và rất hài lòng rồi thì công việc tiếp theo chỉ cần “mời” 30% công chức “cắp ô” về “nghỉ” nữa là coi như chúng ta hoàn thiện một bộ máy “mượt mà” hơn cả mong đợi.
Tuy nhiên, nói thật lòng, người ta tin tưởng vào kết quả khảo sát, nhưng lại có cảm giác ngờ ngợ về những người được lấy phiếu. Họ “chấm” có thật lòng không? Họ có vì lý do nào đó ví dụ như sợ, hoặc là nể không? Không biết, nhưng áy náy quá! Cao thì tốt rồi, nhưng cao mà không chính xác thì còn tệ hơn. Nhẽ ra thì cũng chẳng có gì phải nói khi mà cái kiểu số liệu như là tỷ lệ đậu tốt nghiệp phổ thông, tỷ lệ trẻ được tiêm phòng sởi, hay tỷ lệ gia đình văn hóa, đang nghênh ngang trên đỉnh cao chót vót thì bộ sưu tập “trên mây” này được cộng thêm một con số lung linh cho “đủ mâm” cũng có sao đâu. Ai tin thì tin, ai không tin thì cứ tự nhiên mà không tin. Công cán gì mà cả báo giấy, báo mạng lẫn báo hình phải nhất loạt rùm beng lên thế kia? Có điều gì bất thường chăng? Có đấy! Nhẽ ra người ta hoặc là chả quan tâm để ý, hoặc nếu có vì lý do nào đó mà tiếp cận với cái thông tin kiểu này thì cũng sớm gửi vào trí quên từ lâu, nếu như nguồn gốc của con số cứ gọi là vô cùng lý tưởng ấy không “có yếu tố nước ngoài!”. Ở đời, thỉnh thoảng người ta lại tìm cách “khách quan hóa” đi cho yên tâm thì phải?
Nhân dịp cuối tuần, lại bàn về cái sự “rất dài và rất xa” kia, xin được tranh thủ hầu bạn đọc câu chuyện giải trí chút cho vui. Ngày trước, cơ quan tôi rất rầm rộ bởi phong trào chơi cầu lông cuối chiều. Nói thật là hai câu thơ Bút Tre kinh điển “Chị em hăng hái đánh cầu/ Lông bay vun vút trên đầu các anh” là cũng từ cái sân cơ quan nhà tôi mà ra đấy! Mà chiều nào cũng vậy, hễ cứ ra sân là cãi nhau om sòm cái chuyện rằng cầu trong sân hay ngoài sân. Một trăm lần cãi thì có đến chín chín lần bất phân thắng bại. Ấy mà việc cãi lại kết thúc nhanh chóng trong hòa bình bằng một phán quyết của chú Thiền. Chú Thiền là khán giả trung thành và tận tụy của chúng tôi. Chiều nào cũng vậy, cứ độ năm giờ là chú có mặt ở sân cầu lông. Ngồi trên xe lăn, quan sát cặn kẽ từng pha bóng, cộng với bản tính vô tư khách quan, thành thử cứ cú nào cãi bất phân thằng bại thì cả hai đội thống nhất hỏi chú Thiền. Chú Thiền nói trong là trong, mà chú Thiền nói ngoài là ngoài. Không có ai cãi cố. Chuyện này cũng bình thường cho đến tận mấy năm sau, khi một lần anh em cơ quan đến thăm chú, lần ấy vợ chú Thiền “bật mí” ngoài bại liệt chú còn mắc chứng loạn thị. Ồ, cả đám ngớ ra rồi cười, té ra những lần chú Thiền phán cầu lông trong hay ngoài cũng... cho vui. Nhưng mà chả sao cả, cái quan trọng là không ai cãi. Không cãi vì chú có cái vía của “người ngoài”, cái vía ấy tạo nên lòng tin, và lòng tin ấy giúp cho kết thúc những cuộc cãi vã vô hồi. Vía mượn!
Nguyễn Khắc An