(Baonghean) - Năm nay, ngay sau ngày khai trường ít ngày là Đêm Hội Trung thu. Hầu như ở tất cả các cơ quan, đơn vị, khối xóm, làng bản, dù ít dù nhiều, dưới hình thức này hay hình thức khác, đều tổ chức vui Trung thu cho con em mình.
 
Không chỉ các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức nghề nghiệp, mà ngay cả các tổ chức mang màu sắc xã hội dân sự tự nguyện hướng về Trung thu ngày càng nhiều, với nhiều hoạt động thiện nguyện trực tiếp mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Cứ mở trang báo, bật ti vi lên là thấy ấm áp, rộn ràng hình ảnh náo nức vui đón Trung thu ở khắp nơi. Bắt gặp vô số hình ảnh đẹp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cấp vui Trung thu với các em thiếu nhi và quan tâm hơn đối với những em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Bên cạnh đó, hình ảnh các gia đình đưa con em đi chơi Trung thu, mua sắm trang phục đẹp, tặng các món quà có ý nghĩa cho con em mình... cũng phủ kín các trang mạng xã hội trong suốt nhiều ngày.
 
Tất cả những điều đó làm cho dịp vui Trung thu đang trở thành một trong những dịp thể hiện vẻ đẹp của tinh thần nhân văn, nhân ái của toàn xã hội, góp phần tô đậm và làm giàu thêm bản sắc văn hóa lễ hội Trung thu của dân tộc từ xưa truyền lại và ngày càng được phát huy, nâng cao ý nghĩa. Những kỷ niệm đẹp về Đêm Hội Trung thu chắc chắn sẽ làm cho thế giới tâm hồn tuổi thơ thêm phong phú, góp phần hướng tới việc xây dựng nhân cách cao đẹp của thế hệ tương lai của đất nước. Do đó, cần tiếp tục nhân rộng và phát huy các giá trị tinh thần và vật chất mà hoạt động vui Trung thu đã đem lại đầy bổ ích như dịp đón Trung thu diễn ra trong tuần vừa qua.
 
Tuy nhiên, bên cạnh đó, khi dịp Trung thu khép lại, vẫn còn đó không ít những băn khoăn, trăn trở. Vẫn còn không ít nơi tổ chức vui Trung thu chưa đúng tinh thần, ý nghĩa cao đẹp vốn có. Đó là một số địa phương, đơn vị tổ chức đêm Trung thu mang tính hình thức, có biểu hiện chạy đua mang tính phong trào, tốn kém, lãng phí, không thiết thực, không phù hợp với tâm, sinh lý trẻ thơ cũng như không phù hợp với truyền thống văn hóa cổ truyền. Tâm điểm chú ý của dư luận là Lễ hội Trung thu Phan Thiết với yêu cầu đặt ra phải có 32 “đèn Trung thu” cỡ siêu bự, giao cho đại diện 32 trường học của Thành phố Phan Thiết chuẩn bị và tham dự đêm rước đèn.
 
Lễ hội Trung thu Phan Thiết là lễ hội truyền thống có từ hàng trăm năm nay, tuy nhiên năm nay ban tổ chức đã “quá hứng khởi” mà đẩy quy mô tổ chức đêm hội trở nên hoành tráng nhằm mục đích để... ghi vào sách kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là “Lễ hội đèn Trung thu lớn nhất Việt Nam”. Điều này đã làm cho không ít các đơn vị được giao chuẩn bị “đèn Trung thu” siêu bự tỏ thái độ bức xúc, phản ứng trên mặt báo. Những “đèn Trung thu” được trang trí bởi các xe ô tô tải cỡ vừa và lớn, với trang trí, họa tiết, hoa văn... phải đầu tư từ hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, nhưng chỉ để diễn ra trong vài tiếng đồng hồ, để “ghi vào sách kỷ lục Guinness Việt Nam”... thực sự là sự lãng phí, tốn kém kinh phí của các đơn vị và các thành viên tham gia. 
 
Trên mạng xã hội, không ít người ca thán về việc nhiều gia đình, nhất là các ông bố, lợi dụng dịp “vui Trung thu” mà tổ chức các liên gia nhậu nhẹt say sưa. Lấy lý do là liên gia tổ chức ăn uống chung “cho các cháu nó vui”, nhưng đến giờ rước đèn, giờ đưa bé đi phá cỗ, thì các ông bố còn bận “chén chú chén anh”. Không khéo có ông còn sừng sộ vì bị “trẻ quấy rầy” khi đang vui. Chuyện lợi dụng Trung thu để vì việc của người lớn, như đêm Trung thu mang “rượu ngoại”, “phong bì” làm quà, do dư luận xã hội lên án gay gắt đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn. Cứ xem cái cách các quầy hàng chuẩn bị trưng bày “quà Trung thu” thì biết.
 
Bên cạnh đó, không khó để thấy rằng việc tìm kiếm, mua và tặng các món quà, đồ chơi truyền thống... đang trở thành xu hướng tâm lý mang tính phổ biến. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói thì thị trường nội địa vẫn chưa đáp ứng được những nhu cầu chính đáng rất đáng khuyến khích này. Không ít người tâm sự, để tìm một chiếc đèn kéo quân, đèn ông sao, bánh Trung thu... của người Việt, thực sự là hàng Việt, vừa đẹp, vừa bền, giá cả phù hợp, sao mà khó đến thế. Các loại đèn Trung thu, đồ chơi Trung thu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, giá cả rẻ... tràn ngập các tụ điểm vui chơi. Một vài hãng bánh Trung thu nội địa có thương hiệu thì giá cả lại... trên trời, không đáp ứng được nhu cầu mua sắm hoặc “cho, biếu, tặng” một cách rộng rãi. Các bậc phụ huynh không ít người đặt câu hỏi: Không biết các doanh nghiệp, các nhà sản xuất hàng hóa phục vụ nội địa đi đâu? Làm gì? Tại sao nhiều doanh nghiệp kêu không có việc làm, không thể hoạt động, trong khi người tiêu dùng vẫn “cực chẳng đã” đi mua hàng “Tàu”???
 
Và nữa, một câu nói của em bé miền núi nói với nhau, tình cờ nghe được, làm tôi trăn trở mãi “giá như ngày nào cũng là ngày Trung thu nhỉ?”. Trong dịp Trung thu, chúng ta vui mừng vì sự quan tâm chăm lo cho các em thiếu nhi, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, đã được toàn xã hội và quan tâm và dành nhiều ưu ái. Nhưng sự quan tâm đó đã được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục chưa, chắc hẳn không ít nơi còn cần phải cố gắng nhiều. Làm sao mỗi dịp Trung thu về, tỷ lệ các em nhỏ gặp khó khăn, thiếu thốn ngày càng giảm, ngày càng ít, thậm chí không còn em nhỏ nào phải gặp hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn nữa, vì ngày thường đã được quan tâm chăm lo và giải quyết tốt rồi. Nếu mỗi người mỗi ngày đều lưu tâm và đều quan tâm chăm sóc trẻ em như trong ngày Trung thu, thì mỗi ngày bình thường trẻ em cũng có được niềm vui như ngày Trung thu vậy.
 
Ngô Kiên