(Baonghean) - Tiền... tiền... tiền lúc nào cũng thấy nói đến tiền, đi đâu, làm việc gì từ to đến nhỏ cũng đều phải chi tiền. Thế mà ai đó cứ nói là phải khoan thư sức dân. Có mà khoan thủng sức dân thì đúng hơn! Bà hàng nước không nén nổi bực dọc xổ luôn một tràng như vậy.
Cái sự bực dọc đó, khởi nguồn từ chuyện mấy khách hàng quen thuộc đã nghiện món trà nóng, trà đá khuyến mại bằng những bình luận độc đáo của bà phàn nàn chuyện đầu năm đưa con nhập học đại học phải đóng nhiều khoản quá. Thoạt đầu là phí nhập học, nghĩa là bước chân vào cổng trường là phải đóng ngay 230.000 đồng mà không rõ là để chi dùng vào việc gì. Hay là chi cho việc kê bàn, dọn ghế và cả đứng, ngồi, đi lại chỉ dẫn cho tân sinh viên làm thủ tục. Rất có thể là thế. Cho dù, người ta đã được trả lương để làm những việc đó. Sau đó là quần áo đồng phục và huy hiệu trường hết 320.000 đồng. Nếu là sinh viên nữ thì phải đóng thêm 290.000 đồng cho bộ đồng phục áo dài. Phí thư viện 400.000 đồng... Rồi tiền làm thẻ sinh viên, đồng phục thể dục, tiếng Anh căn bản, Tin học căn bản, bảo hiểm các loại...
Cuối cùng, nặng nhất là khoản học phí, nhà trường yêu cầu đóng một lúc cho cả năm học là từ mười mấy cho đến mấy chục triệu đồng tùy theo từng trường. Không ít gia đình phải bán đất đai là hương hỏa tổ tiên để lại hay phải cầm cố nhà cửa để mà lo lót cho con cái vào trường trót lọt ngay đầu năm. Còn cả chặng đường dài mấy năm học sau đó thì chưa biết trông vào đâu. Đó là ở trường học. Còn đi bệnh viện thì đúng là vừa đau vừa xót. Đau đớn vì bệnh tật, xót ruột, xót gan vì tiền cứ tiêu như nước chảy. Động gì là phải trả tiền thứ đó. Ngoài thuốc men điều trị, tiền phong bao, phong bì lót tay cho các “từ mẫu” thì còn phải trả cả tiền đi thang máy lên xuống. Tiền điều hòa trong lúc ngồi chờ khám bệnh. Chờ lâu, buồn đi vệ sinh cũng phải trả tiền. Nhà nào kinh tế đang ở mức thường thường bậc trung có của ăn và có tí chút của để, chỉ cần có một hoặc hai con vào đại học hay có người nằm viện độ nửa tháng là tái nghèo liền. Còn nhà có sổ hộ nghèo thì thôi, miễn bàn. Đó là chưa kể hàng chục loại phí không tên và có tên khác trong cuộc sống thường ngày mà người dân phải bóp bụng chi trả.
Người ta cũng thật là khéo chọn nơi, chọn chỗ để mà bòn tiền thiên hạ - là bà hàng nước nói thế. Vì chẳng ai cam tâm để cho con cái thất học nên khó mấy cũng phải cố. Biết là người ta đang moi tiền mình nhưng vẫn phải chấp nhận. Còn đau ốm, bệnh tật thì không thể không đi chữa bệnh được dù nghèo đến mấy. Thế là người ta cứ nhè vào cái thế bất khả kháng đó của người dân mà mối tiền. Chuyện này, rất mất đạo lý vì bần cùng hóa người dân và ai cũng biết cả. Nhưng vẫn chưa thấy cơ quan quản lý nhà nước nào ra tay chấn chỉnh. Thế nên, người ta vẫn cứ thản nhiên thi nhau nghĩ đủ mọi cách để bòn mót, tận thu tiền dân.
Người lắm chuyện