(Baonghean) - Một mùa thu nữa lại về. Ngoài những hình ảnh làm run rẩy bước chân lãng mạn như trời xanh, mây tím, lá đỏ hay cúc vàng thì vẫn còn một “mùa thu” khác, trần trụi và không đáng yêu hơn nhiều - mùa thu các khoản đóng góp! Như lẽ tự nhiên, đã thành thông lệ, hơn cả một thói quen, đúng rồi, đây là “phản xạ có điều kiện” mà mỗi phụ huynh đều không có sự lựa chọn thứ hai trừ khi cho con nghỉ học. Nộp, nộp và... nộp!
 
“Nói không phải mê tín” chứ đi học mà không nộp chút chi kể cũng buồn. Mà “lịch sử” đóng góp xây lớp dựng trường cũng “có tuổi” hẳn hoi chứ bộ! Đừng đổ cho lớp sau này mới sáng tạo ra dòng kế toán “nguyễn... tài thu” kẻo lại oan cho người ta. Cái thủa mà thế hệ “chúng con sinh ra khi nước còn chia cắt” đi học cũng khi thì vài cái tranh, lúc thì bụi hóp, cũng kéo kéo mang mang, cũng ghi ghi, chép chép, cũng chấm chấm, khen khen cả mà! Chỉ khác nhau cái chỗ là ngày ấy mỗi khi đóng góp đều thấy vui vẻ thoải mái, thậm chí vinh dự, còn bây giờ cái cảm giác “vui vẻ và vinh dự” ấy không còn hoặc không còn nguyên vẹn mà thôi. Đã qua rồi cái thời tre hóp, cái thời lau bảng bằng khúc thân cây chuối chấm với nhọ nồi. Xã hội những năm qua thay đổi chóng cả mặt, các khoản cũng như các kiểu đóng góp trong trường học bởi vậy cũng “bám càng” phát triển không ngừng! Tuy nhiên, ba đặc điểm nổi bật vẫn cứ là nhiều, cao và liên tục! 
 
images1045858_lam_thu_dau_nam_dung_nen_danh_trong_bo_dui__0.jpgẢnh minh họa Ảnh H.T (ST)
 
Về danh mục đóng góp, có khi cũng phải dùng đến vài tờ giấy A4 để thống kê mới thấy hết được sự sáng tạo không ngừng của bên “tài thu”. Người ta xướng lên hàng loạt các khoản đóng góp, khoản nào nghe cũng hay, cũng có lý, thậm chí thiêng liêng đến mức không thể bác bỏ được. Quen nhất là học phí, kế đến là xây dựng, rồi thì bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, quỹ lớp, quỹ Đoàn, quỹ Đội, quỹ Hội, quỹ xã hội hóa giáo dục, quỹ khuyến học rồi thì là đồng phục, rồi thì là ghế nhựa, rồi thì là bảng chống lóa... Tất nhiên, bỏ bớt cái nào cũng làm cho “người ta” tiếc đứt ruột! Bao nhiêu năm phụ huynh vẫn im lặng, vẫn âm thầm đóng nộp một cách nhẫn nại. Thế rồi, đúng như quy luật của triết học là “quá trình tích lũy về lượng tạo ra sự biến đổi về chất”, khi phong trào “thu bằng được” đang “ra sức thi đua” thì sức chịu đựng của người dân chạm đến vạch giới hạn. Họ không thể im lặng được nữa, báo chí lên tiêng, các cơ quan quản lý vào cuộc, thế là lệnh “cấm” ra đời...
 
Chuyện đóng nộp sang trang. Gay cấn từ đây chính là cuộc vật lộn mà có khi là đấu trí giữa bên “tài thu” và bên “cấm tiệt”. Phương châm “Sở cấm cứ cấm, phòng ngăn cứ ngăn, trường thu cứ thu” nhanh chóng phổ biến. Các trường nhìn nhau, hễ có anh nào “lọt” thì coi như tốp còn lại cứ thế mà “chui”. Không hổ danh những con người của sáng tạo, khi cấm đặt ra khác khoản thu thì ta đứng ra huy đông “tự nguyện”. Khi cấm ta thu tự nguyện, thì ta đẩy cho phụ huynh. Khi cấm cả phụ huynh đóng góp bằng tiền thì hướng cho họ sang đóng góp bằng gạch lát, bằng ri đô, thậm chí bằng điều hòa... “lách” được hết! Tuyên ngôn chống chế được vận dụng một cách đầy thuần thục là “mình có thu cũng vì tập thể, cũng vì trường, vì lớp, vì học sinh chứ có tư túi chi mô mà sợ”. Thế là hết sợ! Chẳng biết thật hay hư cấu, chứ một người quen của tác giả bài viết kể rằng, khi được chất vấn về kiểu huy động “siêu tự nguyện” này, một vị lãnh đạo trường nọ đã giải trình trước ban chấp hành rằng: “Vào ngày nghỉ chủ nhật, các vị phụ huynh đã lợi dụng sơ hở của nhà trường để lắp máy lạnh vào phòng... ban giám hiệu!”, nghe mà vui ơi là vui! 
 
Còn nhớ cách đây vài năm, Sở GD-ĐT Nghệ An đã “vi hành” bằng 5 đoàn thanh tra công tác thu chi năm học 2011-2012 tại 113 cơ sở giáo dục thuộc 15 huyện, thị xã và thành phố. Kết quả, đã phát hiện 31 trường vi phạm các lỗi: Thu vượt mức quy định, tự đặt ra các khoản thu ngoài quy định, đặt mức để thu hoặc thu theo kiểu cào bằng trong việc vận động đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường học. Qua “vụ” này, giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An đã yêu cầu các đơn vị có vi phạm phải tổ chức hoàn trả các khoản thu không đúng quy định cho học sinh, phụ huynh; tổ chức kiểm điểm, phê bình đối với hiệu trưởng các trường có vi phạm. Ấy vậy mà lại nghe nói trong số những trường được kiểm tra lại có cả đơn vị từng tổ chức cho cán bộ nhân viên đi tham quan bằng khoản “tiết kiệm chi”? Chắt chiu gói ghém đến thế mới... giỏi! 
 
Các trường có sai phạm trong thu chi thì rõ rồi. Kiểm tra kết luận cũng rồi. Phê bình kiểm điểm cũng rồi nốt. Nhưng đã có ai tìm hiểu nguyên nhân chưa nhỉ? Sứ mệnh của người thầy là lấy chữ dạy người. Tôi tin không một thầy giáo cô giáo nào lại muốn vướng vào ba cái chuyện thu chi này nọ. Vậy cái gì đang “bắt” họ phải “lăn lộn” bên ngoài giáo án thế kia? Cha ông ta có câu “đói thì đầu gối phải bò”. Giá như “trường ra trường, lớp ra lớp”, giá như cơ sở vật chất không thiếu, giá như đời sống cán bộ, giáo viên không còn phải lo toan bộn bề, giá như căn bệnh thành tích không hoành hành trong đời sống xã hội và giá như phụ huynh biết thông cảm và chia sẻ nhiều hơn... Mong lắm thay!
 
Trống trường đã điểm. Mùa “thu” dài 9 tháng đã đến, thử vào vai hiệu trưởng, thấy đau đầu quá! Phải lấy thu mà chi, nhưng lấy chi mà thu?!
 
Nguyễn Khắc An