(Baonghean) - Theo thống kê mới được công bố của ngành Nông nghiệp, vụ hè thu vừa qua, Nghệ An là địa phương diễn ra tình trạng nông dân bỏ ruộng, trả lại ruộng nhiều với trên 1.200 ha, trong đó đứng đầu là Nam Đàn 700 ha, tiếp đó là Hưng Nguyên xấp xỉ 300 ha, còn lại là các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Đô Lương… 
 
Ngành chức năng đã chỉ rõ một số nguyên nhân như người dân sản xuất lúa và trồng hoa màu không có lãi do giá đầu ra thấp trong khi giá “đầu vào” như: vật tư phân bón, dịch vụ bảo vệ thực vật, công chăm sóc ngày càng tăng cao... Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ nông dân, nhất là nông dân các vùng phụ cận thành phố, thị trấn hoặc có các khu công nghiệp nhỏ, mỏ đá tìm được việc làm có thu nhập ổn định và cao hơn nên thay vì tiếp tục bám ruộng thì họ quyết định trả lại đất cho địa phương để giảm các loại nghĩa vụ đóng góp.
 
Thực tế thì không phải đến bây giờ mới xuất hiện tình trạng người dân bỏ ruộng, trả lại ruộng mà hiện tượng này đã xuất hiện cách đây hơn 10 năm. Tại xã Nam Giang (Nam Đàn) hay Hưng Đạo (Hưng Nguyên), người dân và lãnh đạo xã thẳng thắn bày tỏ, họ không muốn làm ruộng và đi làm công cho mỏ đá (Rú Mượu) và công nhân sản xuất, bốc dỡ gạch, ngói cho các xí nghiệp trên địa bàn có thu nhập cao hơn. Ngoài lý do  sản xuất nông nghiệp cho thu nhập thấp, có lý do khác là thời tiết bất thuận khiến người nông dân rất khó bám đồng ruộng. Khi được hỏi lý do người dân bỏ ruộng và địa phương có giải pháp gì để người dân trồng cây vụ đông, lãnh đạo một xã thuần nông ở Diễn Châu chia sẻ: Bây giờ vụ mùa người dân còn không muốn làm huống chi vụ đông. Làm vụ đông thường chịu rủi ro cao. Cụ thể,
 
năm nay, người dân trong xã phải xuống giống đến 3 lần nhưng 3 lần đều thất bại. Vị lãnh đạo xã này cũng lo lắng cho rằng, để đảm bảo an ninh lương thực, nếu Nhà nước không có chính sách khuyến khích người dân bám ruộng, giữ đất lúa thì rất gay…
 
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết không phải Nhà nước chưa có chính sách đối với cây lúa. Cách đây hơn 2 năm, cùng với quy định hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, Chính phủ đã có nghị định khuyến khích người dân trồng lúa, theo đó mỗi hộ làm lúa sẽ nhận được hỗ trợ 500 ngàn đồng/sào. Tuy nhiên, các HTX đã làm hồ sơ gửi cấp có thẩm quyền từ khá lâu nhưng đến nay người dân vẫn chưa được nhận, khiến không ít người băn khoăn. Rồi chính sách bảo hiểm cho cây trồng, đơn cử mới đây nhất, một số địa bàn không may nhận giống BC15 khiến vụ mùa 2013 bị thiệt hại nặng nhưng đã gần 1 năm trôi qua, người dân vẫn chưa được đền bù và chưa có câu trả lời thỏa đáng. 
 
Từ những bất cập trên, thiết nghĩ, để đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo đời sống, thu nhập cho nông dân, khi đã ban hành chính sách, Nhà nước cần bố trí kinh phí kịp thời để hỗ trợ, động viên người dân bám ruộng, bám mùa vụ. Mặt khác, các ngành chức năng liên quan cần tập trung nghiên cứu để có những điều chỉnh về lịch sản xuất, xuống giống phù hợp với “kịch bản” biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại cho nông dân; chọn ra cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng nhằm khai thác đất đai có hiệu quả hơn.
 
Nguyễn Hải