(Baonghean) - Nước sinh hoạt là một trong những yếu tố hàng đầu của một thành phố văn minh, hiện đại. Nước ở Vinh hiện tại cung chưa đủ cầu; những người dân ở xa trung tâm thành phố phần lớn vẫn dùng nước giếng đào. Nước đang là nỗi lo thường nhật của nhiều người, nhất là vào những ngày hè nóng bức. Việc cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố là một mục tiêu chiến lược, vừa phải đáp ứng được yêu cầu trước mắt, đồng thời phải dự tính cho cả tương lai.
Đây là một bài toán cần lời giải, trên cơ sở có tính toán khoa học về mặt kinh tế, kỹ thuật, đảm bảo an toàn lâu dài về địa chất và môi trường trước những tác động lớn về biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
Hiện tại nguồn nước máy cung cấp cho cả Thành phố Vinh được lấy từ Nhà máy nước ở Cửa Nam – Hưng Nguyên. Nước khai thác là nguồn nước mặt từ sông, lưu lượng có thể tạm đủ, song chất lượng thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thời tiết, mưa bão, môi trường... nhất là khâu giữ gìn vệ sinh đầu nguồn. Công nghệ lọc nước hiện tại có thể giải quyết được khâu lọc trong, giảm được một số thành phần hoá học như: Ô xít sắt ( Fe2O3), các bon nát can xi (CaCO3), ma nhê (Mg2+)... khử trùng cho nước, nhưng chưa thể loại bỏ được tạp chất hoá học do môi trường đưa lại như: thuốc trừ sâu, phân hoá học, chất thải của sinh hoạt đời sống và công nghiệp. Đây là yếu điểm lớn nhất về việc sử dụng nguồn nước mặt.
Về lâu dài, chúng ta nên nghĩ đến việc quy hoạch khai thác tận dụng nguồn nước ngầm tại chỗ ở các khu vực phía Đông và phía Nam thành phố như: Trường Thi, Hưng Dũng (trừ vùng lân cận Bệnh viện Việt Nam - Ba Lan và Nghĩa trang Hưng Lộc), Trung Đô, Bến Thuỷ, Nghi Ân, Nghi Đức... Đây là khu vực xa nhà máy nước, là dải đất ven biển gần hạ lưu sông Lam có nguồn nước ngầm lớn và khá tốt. Phần lớn người dân ở vùng này đang sử dụng nước bằng giếng tự tạo, nhiều giếng nước nấu chè tươi thơm ngon, mà giữ được màu xanh cả ngày. Đây là nguồn tài nguyên rất quý giá chúng ta cần bảo vệ, quản lý, khai thác mà ngành kinh doanh nước còn bỏ ngỏ.
Nước ngầm là nước nằm sâu trong lòng đất. Việc làm sạch nước chủ yếu là quy trình làm giàu ô xy, lọc hợp chất sắt, cặn vôi, điều chỉnh và thanh lọc một số tạp chất khác. Ưu điểm của nước ngầm là lưu lượng lớn, tương đối đều đặn trong mọi thời gian, thời tiết, cho phép ta chủ động khai thác. Nắng hạn cũng không hết được nước ngầm, lũ lụt và môi trường khó làm ô nhiễm hơn nguồn nước mặt. Công nghệ khai thác nước ngầm ngày nay có nhiều điều mới mẻ, hiện đại, thuận lợi cho phép giảm đáng kể mức độ đầu tư kinh phí và thời gian. Đó là chưa nói đến việc khai thác tại chỗ sẽ giảm được đường ống dẫn, nạn đào phá đường sá, công trình xây dựng lâu nay vẫn xẩy ra... Trước đây chính người Pháp cũng chọn phương án khai thác nước ngầm với giếng khoan ở Trường Thi (nay là vị trí Nhà máy bia, đất Hưng Dũng cũ) để cung cấp nước cho Thành phố Vinh.
Cùng với quy hoạch khai thác, sử dụng nguồn nước đã có, công tác kinh doanh, cấp nước cần có những đổi mới để phù hợp với việc phát triển đô thị. Trước tiên nước phục vụ sinh hoạt phải được quản lý, kiểm nghiệm, kiểm soát và trở thành hàng hoá thật sự. Việc khai thác và cung cấp nước nên quy hoạch theo vùng. Tuỳ theo trữ lượng nước ngầm mà có thể xây dựng trạm bơm cho từng cụm dân cư, tổ chức các xí nghiệp khai thác, kinh doanh cung cấp nước tự quản. Thành phố nên có thêm 2-3 dự án cung cấp nước cho từng vùng. Có thể giao cho địa phương hoặc các doanh nghiệp đăng cai tổ chức xây dựng, khai thác, có sự tư vấn thiết kế và giám sát xây dựng của cơ quan chuyên ngành. Các dự án này nên khuyến khích sự tham gia góp vốn, quản lý của người tiêu dùng. Cũng như các lĩnh vực khác, cần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong việc cung cấp nước. Chỉ có cạnh tranh thì mới phát triển tốt, chống được độc quyền, thất thoát, lãng phí, giảm được giá thành, thực sự đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và xã hội.
Một điều cần phải nói đến và phải trở thành quy định cụ thể là trong xây dựng, quy hoạch, nước phải đi trước một bước. Nhất thiết phải đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng cho các vùng quy hoạch mới gồm: Hệ thống ống dẫn, ống thoát, trạm bơm nước... Nên nghĩ đến việc thiết kế xây dựng tháp nước, trạm bơm tăng áp, hệ thống van điều tiết để đưa nước lên cao. Có như thế mới chấm dứt được tình trạng nhiều nhà xây bể ngầm hạ độ sâu để trữ nước, hoặc dùng bơm đấu thẳng vào hệ thống đường ống dẫn để hút nước, làm như vậy vừa lấy phải nước cặn bẩn, vừa tốn kém.
Một thực trạng phổ biến đang xẩy ra ở khu dân cư thành phố là hầu như gia đình nào cũng tự xây dựng hệ thống bơm, đường ống, bể chứa, để đưa nước lên cao phục vụ sinh hoạt. Ta thử làm một phép tính khiêm tốn là cứ mỗi gia đình đầu tư hết khoảng 4 triệu đồng, thì 50 gia đình là 200 triệu đồng. Mức kinh phí này đủ để xây dựng được một trạm bơm, hay một tháp nước, cấp nước cho một khối dân cư khoảng 100 hộ. Rõ ràng việc cung cấp nước hiện nay đang “mạnh ai nấy lo” mà chưa có quy hoạch điều tiết. Những gia đình khó khăn không có điều kiện đầu tư, mặc dù cùng sống chung một bờ rào mà vẫn chịu cảnh khan hiếm nước sạch.
Như vậy việc cung cấp nước cho Thành phố Vinh không chỉ dừng lại là công việc của ngành nước, xí nghiệp cung cấp nước, mà cần có sự chuyển biến đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Hy vọng cùng với nhịp độ phát triển, Thành phố Vinh sớm có chiến lược để cung cấp nước sạch cho sinh hoạt đời sống và sản xuất.
Phan Tất
(P. Trường Thi - TP. Vinh)