(Baonghean) - Thời bao cấp, hệ thống giáo dục quốc dân được khép kín trong các cấp học và ngành học do Nhà nước quy định. Chuyển sang nền kinh tế thị trường, hoạt động giáo dục được mở rộng, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực, nhân tài cho sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục quốc dân phát triển nhanh theo hướng ngày càng “mở” nên chất lượng có những vấn đề bất cập. 
 
Các cấp học phổ thông tăng lên nhiều trường, trong đó có các trường ngoài công lập. Các trường đại học từ chỗ chỉ có một số trường tập trung ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và một vài thành phố lớn, đến nay đã “phủ kín” trong cả nước. Trong tổng số 421 trường đại học, cao đẳng (kể cả các học viện), có 2 đại học quốc gia (trong đó có các trường đại học thành viên); có 8 trường đại học cấp vùng; 111 trường và học viện đại học công lập, 61 trường đại học ngoài công lập; 22 trường đại học địa phương, 28 trường và học viện đại học thuộc quân đội và công an; cao đẳng có 185 trường, ngoài ra còn có 4 trường dự bị đại học (có 3 trường dự bị đại học dân tộc).
 
Với mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, nhất là hệ đào tạo không chính quy “dày” như vậy, đã dẫn tới bất cập giữa yêu cầu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo; Với hệ thống giáo dục mở, số người học tăng nhanh, nhất là các trường đại học, cao đẳng; theo đó yêu cầu về giáo viên cũng tăng nhanh. Từ đó dẫn đến tình trạng: đối với người học thì đầu vào tuyển sinh ngày càng hạ thấp tiêu chuẩn để đủ số lượng, đối với người dạy thì nhiều trường thiếu giáo viên đủ trình độ. Với cơ chế tự hạch toán, các trường phổ thông và đại học, cao đẳng ngoài công lập phải tự lo kinh phí hoạt động, từ đó không tránh khỏi tình trạng mở các lớp học chủ yếu để thu học phí, chất lượng đào tạo không được quan tâm đúng mức. Để tăng kinh phí hoạt động, các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm giáo dục thường xuyên đều tăng cường đào tạo tại chức, liên kết đào tạo nhưng chất lượng không đảm bảo. Cơ chế thị trường đã làm cho các trường học năng động hơn nhưng cũng không tránh khỏi hiện tượng “thương mại hóa giáo dục”. 
 
Để phát triển hệ thống giáo dục mở mà vẫn đảm bảo chất lượng phải khắc phục cho được những xu hướng lệch lạc hiện nay như: thi cử chạy theo thành tích không đảm bảo chất lượng, mở các lớp học chỉ để thu học phí không chú ý chất lượng đào tạo, trong dạy học chỉ đơn thuần truyền thụ kiến thức không quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh. Trong quản lý nhà nước về giáo dục phải có những đổi mới căn bản về cơ chế, chính sách nhằm thu hút học sinh giỏi vào các trường sư  phạm, phát huy năng lực của đội ngũ giáo viên, cải tiến môi trường dạy học. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học, cách tổ chức thi cử… đều phải được nghiên cứu để thực hiện một cách khoa học, đồng bộ tránh tình trạng “cú nhát” như lâu nay. Mục tiêu của hệ thống giáo dục mở là tạo điều kiện học tập suốt đời, hướng tới xây dựng xã hội học tập. Nếu giáo dục mở không đảm bảo chất lượng tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng người học tràn lan với mục đích có bằng cấp mà không có trình độ thực học, người dạy không phát huy đúng trách nhiệm “trồng người”, xã hội học tập không đúng thực chất mà chỉ là “phong trào”…
 
Phát triển hệ thống giáo dục mở trong điều kiện chất lượng giáo dục còn nhiều bất cập, nếu không có lộ trình thích hợp và giải pháp đồng bộ thì chất lượng giáo dục càng có nguy cơ  giảm sút. Bởi vậy, trong phát triển giáo dục mở, mục tiêu nâng cao chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. 
 
Trần Hồng Cơ