(Baonghean) - “Người ta dừ răng mà hung hăng rứa hề! Giết người như trở bàn tay”. Người đàn ông trung niên không nén nổi sự bất nhẫn đã thốt lên như vậy ngay tại phiên tòa xét xử Cao Xuân Quý ở xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương về tội “giết người”. Nạn nhân của Quý, không ai khác chính là một công an viên của xã. Nghĩa là nạn nhân và bị hại là chỗ láng giềng quen biết. Và lý do để gã trai làng tước đoạt mạng sống người cùng xã hết sức đơn giản: ngăn cản không cho hắn ta uống rượu quá nhiều tại đám cưới. Nhưng chuyện đó cũng chưa khiến lòng người rúng động và hoang mang bằng chuyện một nghịch tử ở Nghi Lộc xuống tay sát hại mẹ đẻ của mình chỉ vì bà ốm không dậy nấu cơm tối cho hắn ăn. Ai biết chuyện cũng đều bàng hoàng và nhận ra có gì đó hết sức bất ổn đang diễn ra trong cuộc sống hiện tại.
Có vẻ như cuộc sống hôm nay có quá nhiều áp lực đè nặng khiến cho người ta quá mệt mỏi sinh ra bẳn gắt, xì-trét nặng dẫn đến mất lý trí gây ra những hành vi vượt tầm kiểm soát. Và áp lực lớn nhất chắc chắn là sinh kế thường ngày. Bởi điểm chung của hai kẻ sát nhân bất đắc dĩ nói trên là không có việc làm và thu nhập ổn định. Ngày lại ngày cứ trôi đi trong nghèo khổ nhọc nhằn và bí bức. Mà nói như nhà văn Nam Cao là “cuộc sống cứ rỉ đi, mòn ra, mục ra không lối thoát”. Xã hội bên ngoài thì cứ biến động liên tục với âm hưởng tôn vinh đồng tiền, lại khiến người ta càng thêm cùng quẫn trong suy nghĩ. Sự chênh lệch mức sống ngày càng cao giữa thành thị và nông thôn và ngay trong cùng một tầng lớp dân cư cũng khiến cho những người yếm thế luôn có những ẩn ức chực chờ, chỉ cần có nguyên cớ, dù nhỏ là bùng lên ngay. Và hậu quả là khôn lường.
Dân gian có câu “bần cùng sinh đạo tặc”. Những hành vi mất nhân tính của hai kẻ thủ ác nói trên đều có nguồn gốc sâu xa từ sự cùng quẫn. Các nhà lý luận thì nói vật chất quyết định ý thức, diễn nôm ra là phải có gạo mới giữ được đạo làm người. Ít tiền, thiếu gạo thì rất khó giữ đạo. Thời nào thì giữa bơ gạo và đạo làm người cũng đều có mối liên quan không thể tách rời. Dường như thêm gạo là thêm đạo và ngược lại?
Người lắm chuyện