(Baonghean) Băt đầu từ Đà Nẵng đến Nam Định... và hiện giờ Hà Nội là địa phương liên tiếp nói "không" với dân lập, tại chức thông qua việc tuyển dụng công chức trong ngành Giáo dục và tiếp tục tuyển chọn cho những năm sắp tới.
Vì sao lại có hiện tượng "không chính quy" này, bởi ai cũng biết sự việc sẽ khiến dư luận ồn ã và gây ra nhiều áp lực không nhỏ?
Rõ ràng nhất là thái độ phản đối việc phân biệt các loại hình đào tạo trong khi Nhà nước ta đang thực hiện xã hội hóa giáo dục và thực tế cho thấy sự phân biệt đó vừa thiếu căn cứ khoa học vừa thiếu tính thực tế sinh động. Rằng, quan trọng là tổ chức thi tuyển công bằng, khách quan sẽ chọn được người đủ tài, đủ đức để phục vụ dân, chứ không phải 'hành" dân như lâu nay. Rằng, loại hình đào tạo nào cũng cho ra sản phẩm... lỗi, chứ không riêng gì dân lập, tại chức. Rằng...
Cũng không thiếu những ý kiến đanh thép khi đưa ra những câu chuyện thiết thực kiểu "công chức ngồi trên trời làm chính sách" khiến việc thực thi dở khóc, dở mếu. Hay câu chuyện cụ thể "công chức 100 triệu" của Hà Nội tại kỳ họp HĐND vừa rồi mà công luận, dư luận hiện vẫn chưa ngớt bàn tán, mong ngóng kết quả kiểm tra, thanh tra.
Nhưng thực tế hơn cả là bấy nhiêu loại hình đào tạo lâu nay như "trăm hoa đua nở" đã khiến cho phần lớn học sinh, sinh viên ra trường rơi vào cảnh không có việc làm. Bài toán đơn giản của cuộc sống là không có nhu cầu việc làm chứ không phải là câu chuyện phân biệt loại hình đào tạo. Cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, nhu cầu bố trí việc làm trong bộ máy Nhà nước ngày càng đòi hỏi tinh gọn, hiệu quả. Sự sàng lọc, cạnh tranh vì vậy càng diễn ra gay gắt và quyết liệt. Không phải ngẫu nhiên mà một số ngành học không được mở rộng, thậm chí phải đóng cửa. Không phải ngẫu nhiên mà một số trường học, ngành học mang tính phong trào sẽ tự nó lùi bước, nhường chỗ cho sự điều tiết của thị trường, của nhu cầu xã hội trong từng thời kỳ, giai đoạn. Những câu chuyện kiểu "đầu tư ngoài ngành" sẽ lần lượt trở về đúng với vị trí vốn có của nó.
Dư luận cũng đang rất quan tâm câu chuyện thí điểm thi tuyển cán bộ ở Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Ninh. Sẽ có nhiều kinh nghiệm được rút ra từ đây. Sẽ có một bước chuyển căn bản khi việc đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm được tiến hành khách quan, trung thực, triệt tiêu cơ bản các thứ "chạy" (chức, bằng, tội, tuổi...) mà lâu nay xã hội ta từng lên án.
Vậy nên, điều xã hội ta đang hướng đến không chỉ là việc nói "không" với dân lập, tại chức mà cái chính là nền Giáo dục - đào tạo phải cho ra bằng được sản phẩm hoàn thiện, ít lỗi, một cơ chế tuyển chọn minh bạch, tìm đúng người, đúng việc, đủ sức đáp ứng mọi nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống.
Vì sao ngày càng nhiều nơi nói "không" với tại chức, dân lập?
Phú Châu (Hà Nội)