(Baonghean) Hôm nay tôi và mấy ông bạn vàng tụ tập nhậu nhẹt tất niên. Tán phét một lúc, câu chuyện chuyển sang chủ đề Tết. Vui miệng tôi cũng góp chuyện:

"Mình ngại nhất cái khoản xông đất đầu năm. 30 Tết năm ngoái mình đang ngồi ăn hạt dưa, xem tivi thì thấy ông hàng xóm tất tả chạy sang, trông hớt hơ hớt hải:


- Bác Triều này, bác tuổi con gì ấy nhỉ?


Ngơ ngác chưa hiểu đầu cua tai nheo gì, mình đáp:


- Tuổi Tị, mà sao hả bác?


- Ôi giời ơi may quá, em tuổi Dậu, Dậu với Tị là tam hợp đấy bác ạ. Bác nhất định phải sang xông đất nhà em nhé, năm rồi làm ăn ế ẩm quá, chỉ tại ông bố vợ khắc tuổi khắc mệnh em lò dò đến xông nhà. Năm nay em phải chuẩn bị kĩ càng. Thế bác nhé, bác nhớ sang sớm, em chờ!


Nói một thôi một hồi không để cho mình ý kiến ý cò gì, ông ta hớt hơ hớt hải chạy về. Mình tặc lưỡi thôi thì cả năm được một lần Tết không lẽ người ta nhờ lại từ chối. Cắn nốt cái hạt dưa vừa nãy đang ăn dở, lại thấy một bà hàng xóm khác đon đả đi vào, líu lo như sáo:


- Bác Triều ơi, bác qua xông nhà cho nhà tôi nhé, có bác xông nhà thì năm nay cái ghế trưởng phòng nhất định về tay ông nhà tôi. Bác phải qua nhé, bác nhé!


Sau bà này mình còn tiếp thêm hai người khác trong xóm, ai cũng nhờ vả mình đến xông đất. Thế này thì nguy lắm, lỡ cả xóm kéo đến nhờ cậy thì đêm 30, sáng mồng Một mình khác gì thằng mõ đi đầu làng cuối xóm? Vợ mình bước vào, thấy mình đau khổ ngồi vò đầu bứt tóc, liền hỏi:


- Tết nhất đến nơi sao mặt mày anh như đưa đám thế kia? Có bác Thứ nhà đối diện đến tìm anh kìa!


Mình trợn mắt, thì thào:


- Có bé bé cái mồm đi không thì bảo, bảo là tôi đi vắng, biết chưa? Bảo là tuổi tôi không hợp, không xông đất, xông cát gì hết".


Mấy ông bạn tôi cười ngất. Một ông đang làm sếp to, sếp nhỏ nhấp một ngụm bia, nhìn chai bia, bỗng mặt mày nhăn nhó, bọn tôi xúm vào hỏi thì ông mới kể lể như sau:


"Năm nào người ta cũng đem biếu nhà mình bánh kẹo, nước ngọt, rượu ngoại, bia két nhiều vô kể, chất kín nhà. Vợ chồng mình tiếc của đem ra đại lí bán lại, gọi là chống lãng phí theo chủ trương của Nhà nước. Giải pháp thế là ổn thoả, ngờ đâu một hôm mình đang hí hửng vì vừa tự giác thanh lí được mấy két bia người ta mang đến thì vợ mình về, hỏi:


- Thế người ta không bỏ phong bì hả mình? Lạ nhỉ!


Mình giật nảy người, mải lo tống khứ mấy két bia mình quên khuấy đi mất. Bà vợ mình tiếc của cứ ngồi chì chiết, cực chẳng đã mình phải mò ra cửa hàng mua lại mấy thùng bia vừa bán, xót ruột lắm nhưng cũng đành bấm bụng mua đắt mất mấy trăm nghìn. Về nhà hai vợ chồng lục khắp mà chẳng thấy phong bì phong bao gì, đang trách móc nhau thì bà mẹ vợ mình lò dò đi vào, cầm một tập phong bì trên tay, hí hửng:


- Mẹ sợ chúng mày không để ý nên cất đi hộ cho đây này. Ối ai đem bia đến biếu đây, thế này lại phải đem đi bán cho đỡ phí của!


Hai vợ chồng mình hết nhìn nhau, lại nhìn mấy két bia của nợ, mặt mũi méo xẹo!".


Cả bọn phá lên cười. Tiếng cười nghe có đôi phần châm biếm, cười người, cười mình, cười (hay khóc?) những nét văn hoá ngày Tết cổ truyền bị ít nhiều làm méo mó đi vì mê tín dị đoan thái quá hoặc vì những tư lợi cá nhân trá hình. Trên đây chỉ là đôi câu chuyện kể làm vui, chứ những chuyện dở khóc dở cười ngày Tết thì nhiều, kể bao giờ cho hết?


Một năm mới nữa lại sắp đến, lại một mùa lễ lạt tất tả ngược xuôi của nhà nhà, người người. Tôi chẳng mong được nhiều phong bì, phong bao hay được đi xông nhà cho người này người nọ, chỉ mong được ăn một cái Tết đơn thuần, không vướng bận những chuyện tiền, tài, danh, lợi. Không biết mấy người hàng xóm của tôi năm nay có để cho tôi yên ổn ngồi ăn hạt dưa, xem tivi không hay lại đang vò đầu bứt tóc nghĩ ngợi xem Tết này ai đến chơi nhà?


Hải Triều (Email từ Paris)