(Baonghean) - Thông tin Starbuck, một thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới của nước Mỹ với chuỗi các cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới sẽ chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào đầu tháng 2 năm nay, được giới kinh doanh cà phê bán lẻ trong cả nước đặc biệt quan tâm và chủ yếu là lo ngại. Sự lo ngại đó hoàn toàn có cơ sở vì trên đường phát triển, Starbuck đã đánh bại và loại bỏ ít nhất là vài chục thương hiệu cà phê có tiếng, trong đó có thương hiệu từng nổi tiếng thế giới một thời như Java City. Hiện Starbuck vẫn phát triển rất mạnh. Người ta đã thống kê được rằng, cứ mỗi ngày, ở đâu đó trên thế giới lại “mọc” lên khoảng 5 đến 6 quán cà phê Starbuck.
Theo kết quả phân tích và đánh giá của các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới thì Starbuck thành công là nhờ xây dựng được một văn hóa, triết lý cà phê hấp dẫn “rót cả tâm hồn vào đáy cốc”; nhờ chất lượng với những sản phẩm cà phê đa dạng, tính quần chúng rộng mở trong thiết kế các tiệm bán lẻ; nhờ xây dựng được phong cách phục vụ khách hàng hết sức chuyên nghiệp… Nhưng một số người lại khẳng định yếu tố chính làm nên sự thành công đó lại nằm ở tính nhân bản của Starbuck. Bởi lẽ, bất cứ ai, có màu da, quốc tịch nào một khi đã là nhân viên của Starbuck và chỉ cần sau 20 giờ làm việc trong một tuần là được hưởng chế độ bảo hiểm đầy đủ. Ông chủ Starbuck từng tuyên bố rằng số tiền an sinh xã hội cho nhân viên của ông còn nhiều hơn tiền mua nguyên liệu cà phê. Cho nên, ở Starbuck các nhân viên luôn dốc sức làm việc vì sự phát triển của doanh nghiệp. Nhờ đó, Starbuck đã đẩy nhanh được tốc độ “bành trướng” thương hiệu của mình trên toàn cầu.
Còn ở ta, trong năm vừa qua, theo thông tin từ các cơ quan bảo hiểm thì số tiền các tập đoàn, công ty, xí nghiệp nợ các loại bảo hiểm dành cho người lao động lên tới trên 8 ngàn tỉ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc có hàng trăm nghìn lao động không được hưởng đầy đủ các chế độ mà lẽ ra họ xứng đáng được hưởng. Bởi thế, người lao động chẳng mấy mặn mà gắn bó với nơi mà họ hằng ngày vắt sức ra để kiếm miếng cơm, manh áo. Và hễ nơi nào có chế độ đãi ngộ cao hơn, dù không đáng là bao so với nơi cũ, người ta sẵn sàng “nhảy việc” sang nơi đó. Cho nên lực lượng lao động ở các công ty, xí nghiệp luôn biến động và không thể nào có được đội ngũ thạo việc và chuyên sâu. Điều đó dẫn đến năng suất lao động không cao, hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm không nhiều, làm giảm năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Kết quả là, khi nền kinh tế trong nước và thế giới gặp khó khăn, các doanh nghiệp của ta rất khó lòng trụ vững. Con số hơn 55 nghìn doanh nghiệp bị phá sản trong năm 2012 đã phần nào chứng minh cho điều đó.
Vì thế, trong lộ trình tái cơ cấu các doanh nghiệp, bên cạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng các biện pháp quản trị doanh nghiệp; tháo gỡ nguồn tín dụng và đầu ra cho sản phẩm thì nâng cao tính nhân bản cho các doanh nghiệp là một giải pháp không kém phần quan trọng và có ý nghĩa sống còn. Vì tính nhân bản không những giúp cho doanh nghiệp trụ vững và vượt qua khó khăn trước mắt mà còn là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp phát triển bền vững trong tương lai. Sự thành công của Starbuck là một minh chứng cho sức mạnh của tính nhân bản.
Sức mạnh của tính nhân bản
Duy Hương